Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đã chia sẻ với NTNN về vấn đề này.
Thực tế vấn đề thưởng tết của DN với NLĐ hiện nay thế nào, thưa ông?
- Nhìn ở bình diện chung, DN hiện nay đang thực hiện tốt chế độ tiền lương, thưởng tết với NLĐ. DN vẫn xem NLĐ là nguồn lực để tạo ra lợi nhuận và hiệu quả sản xuất kinh doanh, vì thế nhiều DN cũng đã chia sẻ phần lợi nhuận này với NLĐ thông qua chế độ tiền thưởng. Mặc dù vậy, thực tế cũng cho thấy không thiếu DN còn “né” các chế độ lương, thưởng của NLĐ.
|
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH. Ảnh: Minh Nguyệt |
Tôi cho rằng vấn đề thưởng Tết do DN căn cứ vào kết quả kinh doanh của một năm, hoặc sự đóng góp của từng NLĐ, không phải là vấn đề thích thì thưởng, không thích thì thôi. NLĐ là người trực tiếp tạo ra sản phẩm, lợi nhuận cho DN, nếu DN không chăm lo, không có chế độ phúc lợi, lương thưởng tốt họ sẽ quay lưng lại với DN”.
Việc thưởng tết tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của DN, nhưng thông thường người ta thưởng ít nhất là 1 tháng lương thứ 13, còn nếu làm ăn hiệu quả, DN có thể thưởng cao hơn. Ngoài ra, trong quy chế của DN cũng có trích lại một khoản nào đó gọi là thưởng vào dịp tết.
Hiện nay, vấn đề này ở các DN khu vực nhà nước được quy định chặt chẽ trong các nghị định về vấn đề lương, thưởng và chế độ phúc lợi. Tiền thưởng và chế độ phúc lợi ở các đơn vị này trung bình khoảng 3 tháng lương. Ở các DN nước ngoài, DN liên doanh có kết quả sản xuất kinh doanh tốt thì thưởng rất lớn, còn lại phần đông DN chỉ thưởng tết 1 tháng lương.
Vấn đề thưởng tết đã thành nhu cầu của NLĐ nên nhiều DN biết được nhu cầu này và thực hiện rất tốt để giữ chân NLĐ. Thay vì thưởng cuối năm, nhiều DN thưởng vào dịp gần tết để NLĐ có khoản tiêu tết.
Một số DN vì muốn “né” thưởng tết mà sa thải NLĐ, hoặc tạm thời không ký tiếp hợp đồng lao động vào cuối năm. Thực tế này có nhiều không, thưa ông?
- Đúng là ở nơi này nơi kia, vẫn còn những DN chưa làm tốt nhiệm vụ chăm lo đời sống cho NLĐ. Tuy nhiên, DN này chỉ chiếm số ít, chủ yếu rơi vào những DN vừa và nhỏ, làm ăn không hiệu quả. Còn lại, đa phần DN đều ý thức được trách nhiệm chăm lo cho NLĐ.
Một số ý kiến cho rằng nên “luật hóa” vấn đề thưởng tết để DN không “né” và cơ quan quản lý nhà nước cũng dễ bề quản lý. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Mặc dù vài năm gần đây Bộ LĐTBXH đã có công văn yêu cầu DN báo cáo về tình hình thực hiện các vấn đề lương, thưởng tết nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cần phải “luật hóa” thưởng tết. Đây thực chất chỉ là yêu cầu của Bộ nhằm tập hợp tình hình, đánh giá những khó khăn của DN, xem những DN nào còn nợ lương, không có tiền thưởng để có những biện pháp đề phòng và ngăn ngừa những tranh chấp làm nảy sinh đình công ở DN.
|
NLĐ thường được thưởng tết 1 tháng lương (ảnh chụp tại Khu công nghiệp Bình Dương). Ảnh: Minh Nguyệt |
Theo tôi vấn đề “luật hóa” thưởng tết là chuyện không thể, chỉ có thể đưa vấn đề này vào quy chế của DN, thông qua thỏa ước tập thể giữa DN và NLĐ, còn luật chỉ nên quy định thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh thôi.
Kinh nghiệm từ trước tới nay cho thấy chưa có quốc gia nào quy định vấn đề thưởng tết trong luật pháp cả. Người ta chỉ quy định thưởng tết theo kỳ, theo quý, theo năm trong quy chế của DN.
Vậy theo ông cần làm gì để minh bạch chuyện lương, thưởng của DN với NLĐ hiện nay?
- Tôi nghĩ, thời gian tới các tổ chức công đoàn cần phải định hướng và có vai trò chủ đạo trong thương lượng với DN để đưa vấn đề này vào quy chế của DN. Ví dụ, làm ăn hiệu quả thì thưởng thế nào, không hiệu quả thì có thưởng không… Tất nhiên, điều này sẽ khó khăn nếu DN không minh bạch thông tin về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bởi như vậy, NLĐ có muốn giám sát, kiểm soát được hiệu quả kinh doanh của DN cũng rất khó.
Thực tế vấn đề thỏa ước thương lượng tập thể giữa NLĐ và DN hiện nay còn yếu, chính vì vậy chưa đưa nội dung này vào quy chế của DN. Bên cạnh đó, sau khi sửa Luật Lao động, Bộ LĐTBXH cũng nên hướng dẫn kỹ hơn các văn bản luật hiện hành để DN khi xây dựng quy chế phải quy định rõ vấn đề tiền thưởng cho NLĐ nếu có.
Theo ông nên nhìn nhận vấn đề thưởng tết thế nào cho đúng? nhiều LĐ cho rằng DN không thưởng tết là sai luật, thiếu tình người, còn DN thì lại cho rằng NLĐ đòi hỏi thưởng tết là quá đáng?
- Theo tôi, NLĐ đừng hiểu thưởng tết theo thói quen. DN thưởng vào dịp tết thì gọi là thưởng tết, chứ luật hiện nay làm gì quy định vấn đề thưởng tết. Thường các DN thưởng theo kỳ sản suất kinh doanh căn cứ vào hiệu quả, mức độ đóng góp của NLĐ.
Thông thường, một năm lao động thường kết thúc vào tháng 12 dương lịch, lại vào cận Tết Nguyên đán nên DN lấy thưởng cuối năm kết hợp thưởng vào tết, chứ không phải cứ tết là được thưởng. Chính vì vậy, NLĐ cũng nên hiểu đúng về “câu chuyện” thưởng tết để không nảy sinh những mâu thuẫn trong quan hệ lao động.
Đánh giá của ông về bức tranh lương, thưởng tết năm 2017 như thế nào?
- Căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh của năm nay, chắc là mức thưởng cũng sẽ như những năm trước (tết năm 2016 tiền thưởng trung bình là 5,53 triệu đồng/NLĐ). Tình hình sản xuất kinh doanh của năm nay không có gì biến động, thậm chí còn khó khăn hơn.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2017 tình hình kinh tế sẽ còn kém lạc quan hơn do tác động từ kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Minh Nguyệt/Dân Việt