Hiện Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM đang xác minh nội dung trình báo của ông L. (61 tuổi) để điều tra vụ việc trên.
Bộ Công an liên tục khuyến cáo người dân về các thủ đoạn lừa đảo giả danh nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy. Ảnh: T.L
Theo trình báo của ông L., ngày 17/4 ông nhận cuộc gọi của một người lạ tự xưng là cán Bộ Công an. Người này thông báo ông L. có dính dáng đến đường dây tội phạm và công an đã có lệnh bắt tạm giam ông.
Người lạ nói trên còn gọi video call (cuộc gọi có hình ảnh) cho ông L. Qua đây, ông L. thấy hình ảnh người mặc sắc phục công an và người này trưng ra lệnh bắt tạm giam đối với ông. Đối tượng này thông báo sẽ nối máy cho ông L. gặp lãnh đạo Bộ Công an.
Một lúc sau, ông L. nhận thêm cuộc gọi từ người lạ khác. Lần này, người lạ cũng thực hiện cuộc gọi có hình ảnh, ông L. gặp người tự xưng thiếu tướng, cục trưởng ở Bộ Công an.
Người lạ nói ông L. có dính đến một vụ án kinh tế, cần xác minh tài sản, phải chuyển tiền vào tài khoản để điều tra, nếu là "tiền sạch" thì phía Bộ Công an sẽ hoàn trả lại.
Theo hướng dẫn của đối tượng, ông L. ra ngân hàng chuyển 6 tỷ đồng vào tài khoản do người tự xưng thiếu tướng chỉ định.
Sau đó, đối tượng lại gọi ông L. hướng dẫn mua 1 sim số điện thoại khác đăng ký nhận mã OTP của ngân hàng, cài app “Cổng thông tin điện tử Bộ Công an” để khai báo các thông tin họ tên, giấy tờ cá nhân, tài khoản ngân hàng, tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP…
Tiếp tục làm theo hướng dẫn, ông L. lại ra ngân hàng chuyển 8,6 tỷ đồng vào 4 tài khoản ngân hàng được đối tượng chỉ định.
Chờ không thấy những người xưng công an liên hệ lại, ông L. nghi bị lừa đảo nên đến làm việc với ngân hàng. Sau đó, ông L. đã trình báo vụ việc tới cơ quan công an.
Theo Đàm Đệ/ Vietnamnet