Bố anh mất sớm, mẹ già yếu, những tưởng số phận nghiệt ngã ấy khiến anh không thể đứng vững nổi, thế nhưng chính những bi kịch ấy lại khiến anh có thêm động lực vươn lên. Để giờ đây, anh được nhiều người biết đến với cái tên “Quân điện tử”.
Vui buồn qua những chiếc tivi, quạt… hỏng
Đến nhà anh Quân vào một buổi chiều muộn, đập vào mắt chúng tôi là những đồ điện tử hỏng đang chờ anh “ra tay”. Đang dở dang với chiếc tivi hỏng, thấy khách đến, anh Quân dùng tay ra ký hiệu mời chúng tôi vào nhà.
Dùng giấy trắng với chiếc bút làm phương tiện để nói chuyện, anh Quân cho biết: “Tôi là con út trong gia đình có hai anh em. Sinh ra cùng những khiếm khuyết cơ thể nên học xong lớp 5, tôi đành phải xin nghỉ bởi gia đình nghĩ nếu tiếp tục đi học, tôi sẽ khó khăn trong việc hòa nhập với mọi người. Lúc đầu tôi chán nản lắm, không biết nên làm gì cho cuộc sống bớt nhàm chán. Từ khi nghỉ học, tôi bắt đầu có hứng thú, tò mò với đồ điện tử, điện cơ. Hễ có cái gì hư hỏng là tôi lại lấy ra ngồi một góc nhà mò mẫm sửa”.
Mặc dù anh Quân bị câm điếc nhưng thấy anh có niềm đam mê nên năm 12 tuổi, gia đình đã quyết định cho anh đi học nghề tại một cơ sở sửa điện tử ở Nghệ An.
Nói về con trai tội nghiệp của mình, bà Lê Thị Sơn (SN 1958, mẹ anh Quân) chia sẻ: “Mặc dù bị câm điếc, nhưng Quân rất khéo tay, thông minh. Từ nhỏ, Quân đã đam mê đồ điện tử. Cứ có đồ gì trong nhà hư hỏng là Quân lại mang ra sửa bằng được mới thôi. Trước kia, lúc mới học sửa đồ điện tử, điện cơ… Quân chỉ sửa giúp những nhà thân quen và không lấy tiền. Sau một thời gian được mọi người tin tưởng, giới thiệu nên nhiều khách ở các xã khác cũng đến ủng hộ Quân khá nhiều. Dù Quân không lấy tiền nhưng người ta cũng trả cho 5.000 - 10.000 đồng tiền công”.
|
Ngày ngày, anh say mê sửa chữa đồ điện tử cho bà con lối xóm.
|
Ông Trần Văn Huy (hàng xóm nhà anh Quân) cho biết: “Quân sửa điện tử rất giỏi. Ở những xã lân cận đây, ai có cái gì hư hỏng đều mang đến cho Quân sửa. Quân sửa nhanh lắm. Không chỉ sửa đồ điện tử mà xe máy của tôi thỉnh thoảng bị hư cũng mang qua nhờ Quân sửa giúp”.
Cứ thế, khách càng ngày càng biết đến “thương hiệu” của Quân. Có những hôm, anh phải thức xuyên đêm để sửa cho kịp đồ người ta hẹn.
Quân cho biết, bây giờ đồ điện tử hiện đại hơn trước, mà dụng cụ để sửa của anh còn thô sơ, chưa có tiền để mua sắm những thiết bị sửa hiện đại nên nhiều trường hợp cũng gặp khó. Khi hỏi về nguyện vọng, anh Quân chỉ ước có một bộ đồ nghề để thuận tiện trong công việc sửa chữa hơn.
Bén duyên với cô gái cùng cảnh ngộ
Năm 2017, niềm hạnh phúc đã đến với anh Quân khi gặp được một cô gái xinh đẹp, cùng chung hoàn cảnh như mình là chị Nguyễn Thị Như (SN 1995, ở Hưng Nguyên, Nghệ An).
Chia sẻ về mối duyên đến với nhau, chị Như tâm sự: “Trước kia chúng tôi cùng học tại cơ sở dạy người tàn tật, câm điếc. Tôi học sau anh Quân 3 khóa. Hồi đó tôi học nghề may vá. Thấy anh Quân hiền lành nên tôi thầm thương trộm nhớ. Sau một thời gian, cả hai đều đồng cảm, hiểu được nhau và quyết định đến với nhau trước sự đồng tình của hai gia đình”.
Vợ chồng anh Quân cưới nhau được hơn một năm. Hằng ngày, chồng thì sửa điện tử, vợ may vá. Trong thế giới của họ không có những lời mật ngọt và những câu chuyện để nói cùng nhau. Cuộc sống chìm trong thế giới của những ngôn ngữ không lời, của những sẻ chia từ ánh mắt. Chuyện tình của họ khiến nhiều người cảm phục, ngưỡng mộ.
Hình ảnh đôi vợ chồng câm điếc khiến mọi người trong vùng đều trầm trồ, cảm phục và ngưỡng mộ. Họ rất thích thú khi chứng kiến cảnh hai người nói chuyện với nhau. Bởi, không có tiếng nói, họ phải thể hiện tình cảm, sự quan tâm bằng cử chỉ “ngôn ngữ bằng tay”. Ở đó, hạnh phúc, niềm vui, tình yêu đều toát lên trên cơ thể của họ, từ ánh mắt, nụ cười cho đến đôi bàn tay.
Sự nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của anh Quân không chỉ là tấm gương về nghị lực, đó còn là hình ảnh đẹp khiến mỗi chúng ta thêm yêu và tin tưởng vào những giá trị thầm lặng trong cuộc sống này.
Theo Sơn Nguyễn / Gia đình & Xã hội