Vào năm 1971 của thế kỷ trước, ông John Rockhold, khi đó còn là một cậu thanh niên 18 tuổi, bốc trúng lá phiếu số 12 trong cuộc tuyển quân tại thung lũng San Fernando, bang California, Mỹ. Ông là người thứ 12 phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong đợt tuyển chọn năm đấy. Sau một thời gian phục vụ trong quân ngũ, ông John trở thành một sỹ quan trên tàu tuần duyên của Hải quân Mỹ chuyên hoạt động quanh khu vực bờ biển miền Nam Việt Nam.
Theo thống kê, đã có hơn 58.000 nghìn lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh kéo dài tại Việt Nam. Tuy vậy, kể từ năm 1975 đến nay, hàng nghìn người
lính Mỹ đã quay lại chiến trường xưa của họ tại miền Nam Việt Nam. Họ trở lại để tìm sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông và tha thứ của những người trong cuộc. Vậy nhưng, thay vì chỉ ghé thăm trong chốc lát, nhiều cựu chiến binh Mỹ lại
lựa chọn Việt Nam làm ngôi nhà mới trong những năm tháng cuối cuộc đời mình. Họ bị thu hút bởi chất lượng cuộc sống cao, bất động sản giá rẻ, và hệ thống chăm sóc y tế với chi phí vừa phải, v. v...
|
Ông John Rockkhold. |
Sau khi John Rockhord xuất ngũ, ông trở thành lính đánh thuê hoạt động tại khắp các chiến trường châu Phi. Ngoài việc trực tiếp chiến đấu, ông còn tham gia một số hoạt động từ thiện tái thiết nữa. Nhờ vào một dự án từ thiện như vậy mà ông John đã có cơ may quay trở lại Việt Nam vào năm 1992. Sau ba năm làm cho một dự án hỗ trợ người di cư vì lý do kinh tế, ông quyết định nhập tịch năm 1995, chỉ vài tháng sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ.
Cho đến ngày hôm nay, có thể nói, cái “chất Việt Nam” đã bám rễ sâu trong tâm hồn John Rockhold. Năm 2009, ông cưới một người phụ nữ Việt Nam. Vượt qua nửa vòng trái đất xa xôi, người mẹ của ông đi từ thành phố Santa Maria, bang California của Mỹ đến TP. Hồ Chí Minh để dự đám cưới con trai. Chỉ một chuyến đi thôi mà bà cụ yêu thành phố Việt Nam này đến mức quyết tâm kéo dài thêm thời gian ở lại cho đến năm 2014, khi mà bà qua đời ở tuổi 94.
Hiện nay ông John ở tuổi 66 và đang sống cùng người vợ Việt với hai thiên thần bé bỏng của mình, một bé 10 tuổi và bé 9 tuổi. Hai đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp mổ đẻ. Người vợ ông John mỗi lần mổ phải lưu trú trong bệnh viện bốn ngày, còn ông thì chỉ phải chi trả một khoản viện phí rất khiêm tốn: khoảng $1200 - gần 28 triệu VND. Nhưng nếu tại Mỹ, một ca phẫu thuật như thế sẽ tốn khoảng $51.125 - đồng nghĩa với hơn 1 tỷ 190 triệu VND.
Gia đình ông John đang sống tại một căn hộ trên tầng 20 một toà nhà nhìn ra sông Sài Gòn. Căn hộ bốn phòng ngủ và đầy đủ các tiện nghi khác rộng khoảng 198m2 - chưa kể ban công. Họ mua căn hộ này năm 2011 với mức giá $250.000 (hơn 5 tỷ 820 triệu VND). Nhưng nếu như ông John sinh sống tại Santa Maria, bang California thì chỉ có thể mua được một nửa căn hộ với mức giá đó mà thôi.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác đang tạo ra một hiện tượng di dân đáng ngạc nhiên: càng ngày càng có nhiều người Mỹ đến tuổi nghỉ hưu chọn các quốc gia này làm “bến đậu” cho mình. Họ bị cuốn hút bởi chất lượng sống rất cao mà lại tốn ít chi phí - chỉ với riêng khoản tiền lương hưu ít hơn $2000 của mình, gia đình ông John đã có thể có một cuộc sống tiện nghi, thậm chí còn thuê được cả một đầu bếp và người dọn dẹp theo ca hằng ngày nữa.
Một lý do khác khiến cả những cựu chiến binh như ông John Rockhold lựa chọn Việt Nam là sự hiếu khách và rộng lượng của người dân. Hầu hết những người Việt Nam mà ông John gặp, đặc biệt là giới trẻ, đều tỏ ra thân thiện với ông kể cả sau khi họ biết được rằng ông là cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam trong quá khứ. Tuy rằng hầu hết gia đình hàng xóm của ông John là người Việt, ấy thế nhưng chưa bao giờ ông và các con cảm thấy lạc lõng cả.
“Người Việt Nam lúc nào cũng đối xử rất lịch sự với tôi. Tôi cảm thấy mình được coi trọng còn hơn cả hồi còn ở Mỹ!” - Ông John Rockhold chia sẻ. Ngay cả ngôi làng quê hương vợ ông cũng chỉ cách 40 km với chiến trường xưa của ông. - “Lúc đó tôi không thể tưởng tượng được rằng mình sẽ có lúc gọi Việt Nam là ngôi nhà của mình!”.
Hiện nay ông John đang làm việc cho một doanh nghiệp nhập khẩu khí gas hoá lỏng, đồng thời trợ giúp một quỹ từ thiện chuyên lắp đặt pin mặt trời cho các gia đình nghèo. Họ đã - đang đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam bằng cả công việc và quỹ lương hưu của mình để đổi lại một cuộc sống tiện nghi, hiện đại mà không đắt đỏ.
Trong những năm gần đây Chính phủ Việt Nam đã phần nào nới lỏng chính sách thị thực và nhập tịch để thu hút người Mỹ đến sống và làm việc. Ngược lại, nhiều người Mỹ tỏ ra rất muốn được định cư tại Việt Nam, và đánh giá chất lượng sống của các thành phố như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng… còn cao hơn những đô thị ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia v.v… Họ có thể dễ dàng tìm được một chỗ ở và công việc tại các đô thị Việt Nam, nơi mà chất lượng sống không khác quá nhiều so với những thành phố ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Hiện nay vẫn chưa có số liệu chính xác từ Chính phủ về số người Mỹ trong độ tuổi nghỉ hưu sinh sống tại Việt Nam, một phần vì không phải người nào cũng giống nhau: có những người sinh sống và làm việc theo chế độ Visa kéo dài từ một đến hai năm, rồi sau đó họ lại xin kéo dài thị thực. Vậy nhưng cũng có những người khác nhập tịch Việt Nam bằng cách lấy một người vợ Việt như ông John là một ví dụ điển hình.
Một trường hợp cựu chiến binh Mỹ sống tại Việt Nam khác là ông Michael Gormalley - cựu trung sĩ lục quân. Năm 2008, sau chuyến du lịch đến Việt Nam, ông Michael tình nguyện ở lại dạy tiếng Anh cho một trường trung học tại miền quê Bình Thuận. Năm 2014, ông chuyển về Sài Gòn và trở thành giảng viên cho một trường đại học.
Hằng ngày ông Michael đến trường từ lúc 7 giờ, và làm việc liên tục đến 16 giờ. Tuy đã ở tuổi 77 nhưng lúc nào ông cũng nhiệt tình hoàn thành trách nhiệm của mình. Có được điều đó là nhờ tình yêu nghề giáo mà ông có được từ thời còn là một Hiệu trưởng trường trung học ở thị trấn Pittsfield, bang Massachussett. Ông Michael còn sẵn sàng dạy ngoài giờ miễn phí cho các học sinh Việt Nam của mình như một cách cảm ơn họ, những người đã sẵn sàng bỏ qua những ký ức đau thương mà coi ông như người thầy, người bạn.
Trả lời phỏng vấn một tờ báo Mỹ, ông Frederick R. Burke, một luật sư tại Công ty Luật Baker McKenzie, đã rút ra từ kinh nghiệm làm việc với cộng đồng người Mỹ tại Việt Nam như sau: “Hầu hết các cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam đều muốn nhận được sự tha thứ và kết nối lại với những con người thân thiện, hiếu khách của quốc gia này. Thường thì họ sẽ lấy vợ và lập gia đình ngay tại Việt Nam. Có “một bộ phận không nhỏ” các cựu chiến binh đều có chung tâm lý: không muốn trở về Mỹ vì chỉ với khoản lương hưu và trợ cấp quân đội của mình thì họ đã có một cuộc sống dư giả tại Việt Nam. Trong khi đó, có những đồng đội cũ của họ đang là người vô gia cư trên đường phố New York hay Los Angeles!”.
Thông thường thì người Mỹ khi về hưu sẽ đến sống tại các bang miền Nam như Florida. Nếu họ muốn sống tại nước ngoài thì sẽ lựa chọn điểm đến là Philippines, Thái Lan và Malaysia. Tuy vậy, chính sách an sinh xã hội đang càng ngày tệ hơn tại Mỹ; cộng với việc chi phí sinh hoạt tăng lên, bất ổn chính trị và biến đổi khí hậu ở các quốc gia Đông Nam Á khác đã - đang khiến cho càng nhiều người Mỹ về hưu lựa chọn Việt Nam là điểm dừng chân cho những năm tháng cuối đời mình có được sự an toàn và lý thú nhất.
Ông John Rockhold thật lòng chia sẻ một cách rất thẳng thắn và chân tình thế này trên một tờ báo nước Mỹ: “Hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam hoàn toàn có thể cung ứng mọi dịch vụ mà gia đình tôi cần đến với mức giá vừa phải. Tình hình an ninh trật tự tại Việt Nam cũng rất tốt. Tôi có thể nhắm một mắt mà đi bộ trên đường phố Sài Gòn nhưng không sao cả. Nếu còn ở Mỹ thì tôi không dám nhắm mắt vì sợ bị móc túi!”.
Dự báo trong thời gian sắp tới số lượng cựu chiến binh Mỹ nói riêng và người Mỹ đến tuổi nghỉ hưu nói chung có nhu cầu chuyển đến Việt Nam sinh sống sẽ còn tăng, vì chính phủ nước họ đang chuẩn bị phê duyệt một số nghị định cắt giảm khoản ngân sách cho an sinh xã hội. Có vẻ như đây là một cơ hội rất tốt để hình ảnh Việt Nam trở nên hiện đại - văn minh, đa dạng và thân thiện ấm áp hơn trong con mắt bạn bè quốc tế.
Theo CAND