Vùng cao sương vây ướt mặt, trong cái rét ngọt của tháng Giêng... nhưng dưới dãy núi đá Lam Sơn 99 ngọn, sáng mùng Một Tết Nguyên đán, từ người già đến trẻ em trong xóm Bản Nưa, xã Hồng Việt đều mặc bộ quần áo đẹp, tập trung ở nhà văn hóa để dự Lễ chào cờ và hát Quốc ca.
Ông Hoàng Đức Chiêm, nguyên Chủ tịch huyện Hòa An, nhà ở Bản Nưa bảo rằng: Mấy chục năm nay, sáng mùng 1 Tết ông luôn dậy sớm chờ tiếng kẻng để cùng bà con trong bản đi chào cờ, hát Quốc ca dưới chân núi Lam Sơn.
“Từ khi tôi chưa về hưu đã duy trì lễ chào cờ này nhưng được thực hiện không đều, cho đến tháng 4/2002, ông Hoàng Đức Phặn, Hoàng Triều Ân, Hoàng Đức Thông là những người tâm huyết quan tâm bản có truyền thống lịch sử, sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cụ Hoàng Đức Bưu làm trưởng xóm rất lâu, bên Nà Vàn có ông Hoàng Văn Dính cũng là lão thành cách mạng, được bầu làm trưởng xóm nhiều năm. Hai xóm đã bàn với nhau sáng sớm ngày mùng một Tết tổ chức Lễ Chào cờ ngay tại đám ruộng Pác Phjéc. Năm 2004, khánh thành Nhà văn hóa xóm” - ông Hoàng Đức Chiêm chia sẻ.
Lam Sơn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử cách mạng, như: Di tích lịch sử hang Bó Hoài - nơi in báo Việt Nam độc lập, còn là cơ quan của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng; hang Ngườm Bốc - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên giới tháng 10/1950; hang Tốc Rù - nơi in báo Cờ Đỏ (tiền thân của Báo Cao Bằng ngày nay) và in truyền đơn của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng; Di tích lịch sử Lũng Sa - nơi diễn ra Hội nghị Cao - Bắc - Lạng ngày 13/8/1944; Di tích lịch sử xưởng Lê Tổ ở Ngườm Bốc - Lam Sơn là nơi sản xuất vũ khí của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng thành lập tháng 3/1949.
Xã Hồng Việt, đặc biệt là Bản Nưa là nơi để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất về những năm tháng “nếm mật, nằm gai” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các tiền bối cách mạng như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp... Xóm có gần 20 hộ là gia đình có công với đất nước.
Bà Lê Thị Len, Bí thư Chi Bộ kiêm Trưởng xóm Bản Nưa cho biết: Ngày Tết, ngoài mái nhà của mình, bà con đều coi Nhà văn hoá xóm là ngôi nhà thứ hai, nhiều người thay nhau tới dọn dẹp, sắp sửa lại bàn ghế...
“Sáng sớm mùng 1 Tết, bà con nhân dân đến nhà văn hóa Chào cờ, chúc mừng năm mới, nói chuyện sản xuất đầu năm thuận lợi, xóm làng đoàn kết, thương yêu nhau. Trong bản của tôi có 57 đảng viên và 107 hộ. Chi bộ họp thường kỳ hàng tháng vào ngày 18. Trong dịp Tết, xóm còn tổ chức các trò chơi dân gian như: tung còn, kéo co, đẩy gậy, đan lồng gà. Trẻ em có những trò như: Tung bóng vào chậu, kéo co, nhảy bao tải... Ngày hội xuân được tổ chức từ ngày mùng 3 - 5 tháng Giêng” - bà Lê Thị Len nói.
Bà con các dân tộc ở Bản Nưa luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Được Nhà nước đầu tư, có của ăn của để, đường bản ngõ xóm được mở rộng và đổ bê-tông nên hầu như nhà nào cũng sắm sửa máy móc phục vụ nông nghiệp.
Chị Đinh Thị Loan (quê ở huyện Thạch An tỉnh Cao Bằng về làm dâu ở Bản Nưa) cảm nhận: “Hàng năm, ở Lam Sơn Thượng cứ đến đêm giao thừa, bà con lại rủ nhau ra Nhà văn hóa hái hoa dân chủ, đón chào giờ phút chuyển sang năm mới. Sáng ngày mùng 1, Chi bộ, đoàn thanh niên và nhân dân ăn mặc lịch sự đến nhà văn hóa Chào cờ. Tôi về làm dâu ở đây cảm thấy rất vui vì năm nào xóm cũng tổ chức được phong trào này, phát huy truyền thống cội nguồn quê hương cách mạng. Bà con ở Lam Sơn sẽ duy trì cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, cho mùa xuân mới phát triển thêm”.
Bản Nưa là địa chỉ đỏ, là niềm tự hào của lớp lớp cháu con ở xã An toàn khu Hồng Việt. Trong không khí trang nghiêm của một vùng quê sơn thủy hữu tình, tiếng hát quốc ca trầm hùng cất lên thật thiêng liêng, xúc động. Lễ chào cờ, hát quốc ca sáng mùng 1 Tết là dịp để người dân nơi đây thể hiện tình yêu quê hương, Tổ quốc, cũng là cách để người lớn giáo dục con cái dù đi xa đâu nhớ đến cội nguồn. Buổi lễ kết thúc, bà con chúc tết, hỏi han nhau và gửi những lời tốt đẹp cho năm mới an lành, làm ăn phát đạt và chơi hội du xuân.
Theo Hoàng Hiền/VOV