Nảy lửa tranh cãi duy trì hay xóa bỏ tục đâm trâu

Google News

Tục đâm trâu là nét văn hóa, tín ngưỡng đậm đà bản sắc dân tộc của một số vùng, miền trên cả nước, song những năm qua, nhiều ý kiến cho rằng nên xóa bỏ tập tục này bởi không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện thời.

Tục đâm trâu bắt nguồn từ đâu?
Hàng năm, cứ sau mỗi mùa rẫy bà con dân tộc thiểu số ở các buôn làng thuộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên và một số vùng khác lại tổ chức lễ hội thần N'du và các vị thần khác nhằm tạ ơn các vị thần đã phù hộ, độ trì cho bà con dân làng trong một năm qua, bà con làm ăn được mùa, con cháu khoẻ mạnh.
Đó chính là lễ “Sa-rơpu” (ăn trâu) mà người miền xuôi thường gọi là tết Thượng hay lễ Đâm Trâu được tổ chức từ tháng 12 cho đến tháng 3 âm lịch.
Lễ hội đâm trâu góp phần làm nên bản sắc Tây nguyên. Từ người Stiêng, Bahnar, Cơ tu, Êđê, Xê đăng, Yẻh, Xeđrá đến người Brâu đâu cũng có lễ hội đâm trâu, dù nghi thức lễ hội mỗi nơi tuy có khác nhau nhưng mục đích thì giống nhau.
Lễ hội đâm trâu có từ lâu đời nhưng nguồn gốc như nào thì chưa ai biết, chỉ biết, đây được xem là lễ hội lớn phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa con trâu - SapaKô - cây lúa - sự ấm no - an vui - ước vọng của người Tây Nguyên.
Đây còn là lễ hiến sinh, là sự "thông quan" giữa con người với giàng (trời) và thần linh, là lời cảm ơn giàng, cảm ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hoà, đã giúp cho dân làng ngăn cản muông thú, chim chóc không phá hoại rẫy nương, cho mùa màng tươi tốt, dân làng sống hoà thuận, vui vẻ, không xảy ra dịch bệnh...
Nay lua tranh cai duy tri hay xoa bo tuc dam trau
Tục đâm Trâu đã có từ lâu đời.
Đây cũng là lễ thể hiện sức mạnh, tinh thần thượng võ của cộng đồng, và vì thế những người được chọn ra đâm trâu phải là trai tráng, khoẻ mạnh, biết cách đâm làm sao để sau vài ba nhát giáo con trâu đã có thể ngã gục...
Nơi tổ chức thường là trước nhà rông, nhà cộng đồng, hoặc dưới một tán cổ thụ, trong ánh lửa hồng hừng hực, trong lời cúng vừa vang vọng, vừa u trầm, trong vẻ mặt nhuộm hồng ánh lửa đầy trang trọng của dân làng... 
Tranh cãi việc giữ hay bỏ tục đâm trâu
Hiện nay không ít ý kiến cho rằng những lễ hội đâm trâu có nhiều yếu tố bạo lực, man rợ, như: trâu sẽ bị đập đầu, đâm, chém,... cho đến chết. Những hành vi này được xem là thiếu tính nhân đạo và có thể không phù hợp với quy định của Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực từ 01/01/2020).
Theo đó, mục 2 Chương V Luật Chăn nuôi 2018 quy định về việc đối xử nhân đạo đối với động vật, cụ thể:
- Trong chăn nuôi, vận chuyển: Không đánh đập, hành hạ vật nuôi (Khoản 4 Điều 69, khoản 3 Điều 70);
- Trong giết mổ: Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ (khoản 2, 3 Điều 71).
Như vậy, trong hoạt động chăn nuôi, chủ vật nuôi không được đánh đập, hành hạ, phải đối xử một cách nhân đạo với vật nuôi. Những lễ hội như đâm trâu, chém lợn có yếu tố bạo lực, tàn nhẫn với vật nuôi là không phù hợp với quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi tại Luật Chăn nuôi 2018.
Giáo sư Trần Lâm Biền (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho rằng: Việc tiếp tục duy trì hay loại bỏ những lễ hội, nghi thức này, hãy tôn trọng ý kiến của cộng đồng dân cư bản địa. Các phong tục, nghi thức cũng không phải là những điều bất biến.
“Theo thời gian, nếu nhận thức, tư duy của người dân những địa phương này thay đổi (tức là họ cảm thấy không cần và không nên duy trì những nghi thức như vậy trong lễ hội nữa) thì họ sẽ tự chấm dứt. Bởi thực tế, cộng đồng dân cư đó - những người lưu giữ, thực hành lễ hội qua hàng trăm năm tồn tại mới là chủ nhân thực sự của lễ hội” - ông Biền phân tích.
Bên cạnh đó, PGS Nguyễn Văn Huy (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho rằng: Thay vì việc chỉ nhìn một chiều rằng những nghi thức như đâm trâu, chém lợn là cách hành xử bạo lực, phản cảm và đề nghị loại bỏ chúng, hãy đặt vấn đề về khâu tổ chức lễ hội.
“Lễ hội ra đời nhằm đáp ứng nhu văn hóa tinh thần của người dân địa phương, là một trong những thành tố quan trọng của đời sống văn hóa cơ sở. Mỗi lễ hội đều mang ý nghĩa riêng gắn với truyền thống, đời sống tinh thần của địa phương đó. Bởi vậy, chúng ta không thể đặt vấn đề loại bỏ lễ hội” -  ông Huy nhấn mạnh.
Nay lua tranh cai duy tri hay xoa bo tuc dam trau-Hinh-2
Một người dân tộc Giẻng Triêng, xã Phước Thành dùng giáo đâm trâu. (Ảnh: Nông nghiệp)
Đứng ở một góc độ khác, GS.TS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian) cho rằng: Lễ hội là của người dân, được cộng đồng lưu giữ nên phải do người dân đứng ra tổ chức, vận hành.
“Tuy nhiên, không thể phó mặc tất cả cho cộng đồng. Các nhà quản lý, giới chuyên môn nên có những khuyến nghị, tuyên truyền cụ thể để cộng đồng hiểu và thực hành đúng. Cùng với đó, các địa phương cũng cần có những chế tài nghiêm khắc để đảm bảo an ninh trong những dịp lễ hội” - ông Thịnh nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đình Tân - Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết cơ quan này đã giao các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ lễ hội; tham vấn ý kiến các nhà khoa học về nguồn gốc, bản sắc và ý nghĩa của các lễ hội. Trên cơ sở đó, bộ sẽ đưa ra những tiêu chí, khuyến nghị cụ thể với việc thực hành những tục lệ này.
“Ví dụ như, để vừa đảm bảo giữ được nguyên gốc ý nghĩa văn hóa của lễ hội vừa không gây nên những dư luận trái chiều, ban tổ chức lễ hội nên hạn chế số lượng người xem trực tiếp nghi thức hiến sinh. Việc này có thể thực hiện ở khu vực riêng” - ông Tân nói.
Thay đổi hình thức để tránh phản cảm
Huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có 95% người dân tộc Cơ Tu sinh sống. Cũng giống như các dân tộc khác ở Quảng Nam, người Cơ Tu thực hiện đâm trâu mỗi khi có người đau ốm, mất mùa, thiên tai, dịch bệnh... đều cho đó là do trời, thần linh nổi giận. Họ tổ chức cúng trâu và hình thức buộc vào cây nêu rồi dùng cây giáo nhọn hoắt đâm nhiều nhát, máu chảy lênh láng cho đến lúc trâu chết.
Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, phong tục tồn tại có nhiều người dân lạm dụng việc đâm trâu để khoe của, nhà nghèo khổ nhưng vẫn vay mượn tiền để tổ chức. Không ít hộ dân bám lấy nghèo đói, đặc biệt là nghi thức đâm trâu rất dã man. Quá trình đâm trâu có vài vụ người dân bị trâu tấn công do đứt dây buộc trong khi tổ chức, hay trong lúc đâm cây giáo văng ra ngoài lao vào đám đông đứng xem” - ông Blúi cho biết.
Những năm gần đây, chính quyền huyện Tây Giang nhận thấy nghi thức đâm trâu không còn phù hợp, dư luận phản ứng nên lên kế hoạch loại bỏ. Huyện đưa ra chủ trương thay vì đâm trâu, sau khi tổ chức xong lễ thì dẫn trâu đến nơi khác giết thịt. Cách làm này vẫn thực hiện các nghi thức cúng bái truyền thống, vừa văn minh lại không gây phản cảm.
Để triển khai thực hiện, chính quyền huyện Tây Giang mời già làng có uy tín, trưởng bản của 90 làng Cơ Tu đến hỏi ý kiến và đưa ra cách thức thực hiện. Sau đó, huyện mời người dân về dự lễ hội truyền thống. Tại đây, một con trâu được cột vào cây nêu, các hoạt động diễn ra theo phong tục. Tuy nhiên, khi làm lễ xong, con trâu đưa đi nơi khác vào giết thịt mà không đâm như ngày trước.
“Sau khi xem xong người dân thấy được việc không đâm trâu vẫn diễn ra bình thường. Máu trâu lấy làm lễ cúng không ảnh hưởng đến phong tục” - ông Blúi kể và cho biết, bộ máy chính quyền từ huyện đến xã, thôn ra sức vận động theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”.
Nay lua tranh cai duy tri hay xoa bo tuc dam trau-Hinh-3
Lễ hội chọi Trâu cũng đang bị chê trách vì sự bạo lực khi đều bị giết sau trận đấu. Thậm chí, là đấu giá thịt Trâu chiến thắng.
Cuối cùng người dân hiểu và loại bỏ nghi thức thọc giáo vào trâu mà chuyển qua giết thịt. Đồng thời Huyện ủy Tây Giang ban hành nghị quyết xây dựng nông thôn mới gồm năm không, trong đó có nội dung không tổ chức đâm trâu, giết bò khi cưới vợ gả chồng. Để giám sát việc người dân tổ chức lén lút, huyện kiểm soát vật nuôi bằng cách đánh số. Người dân mua hoặc bán trâu, bò đều phải báo cho chính quyền, vậy nên khó có ai lén lút tổ chức đâm trâu sẽ bị bại lộ.
Nhờ cách thức này, từ năm 2016 đến nay đã có 90 làng trên địa bàn huyện Tây Giang không tổ chức đâm trâu mà chuyển qua giết thịt.
Cũng như huyện Tây Giang, đồng bào Cơ Tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng không còn giữ tục đâm trâu trong các lễ hội dịp năm mới, lễ mừng lúa mới và cưới hỏi. Bên cạnh đó, trong lễ cúng nhà mồ một số gia đình, bản làng, đồng bào cũng không tổ chức đâm trâu như ngày trước mà chỉ làm thịt trâu để cúng khi có điều kiện.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Nhiều thay đổi tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017

Nguồn: THVL


Hiểu Lam