Khó tập luyện trong nhà thi đấu bởi kinh phí lớn
Liên quan đến công trình Nhà thi đấu TDTT đa năng tỉnh Thái Bình (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) được đầu tư lên đến gần 650 tỷ đồng nhưng mới đưa vào sử dụng từ tháng 7/2014 đến nay đã phải treo biển “khu vực nguy hiểm, không nhiệm vụ miễn vào” mà báo điện tử Kiến Thức có loạt bài phản ánh, nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, tường bong tróc, mái bị tốc 1/3 công trình... Nói như ông Vũ Nam Dương - Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình - thì nhà thi đấu bị hư hỏng là do ảnh hưởng của bão số 1 (?). Tuy nhiên dư luận cho rằng, nếu công trình có chất lượng tốt thì với sức gió của bão số 1 khi đổ bộ vào Thái Bình sẽ không hư hỏng nhiều hạng mục đến như vậy.
Để làm rõ một số thông tin liên quan đến công trình Nhà thi đấu TDTT đa năng tỉnh Thái Bình, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với ông Đinh Bá Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao tỉnh Thái Bình (trực thuộc Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình) - đơn vị được giao quản lý, duy tu, bảo dưỡng và khai thác công trình thể thao Nhà thi đấu tỉnh Thái Bình.
|
Hiện trạng nhà thi đấu tỉnh Thái Bình hư hỏng nghiêm trọng. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về việc sử dụng nhà thi đấu TDTT đa năng từ khi đưa vào hoạt động (tháng 7/2014) đến nay, ông Đinh Bá Phượng cho biết, nhà thi đấu chủ yếu phục vụ cho việc tổ chức các giải đấu cấp quốc gia, cấp tỉnh và cho một số ngành đóng trên địa bàn thuê để tổ chức giải. Còn việc tập luyện của các vận động viên trung tâm tại đây rất hạn chế do vấn đề kinh phí.
“Hiện nay, các vận động viên Thái Bình tập luyện chính ở trung tâm cũ bên này. Còn tại Nhà thi đấu TDTT đa năng tỉnh Thái Bình, một tuần chỉ có đội bóng chuyền trẻ sang tập bên đó 3 buổi thôi. Hai môn khác là Teakwondo và Karatedo tập luyện ở phòng dưới gầm cầu thang của nhà thi đấu. Dù điều kiện tập luyện của nhà thi đấu khi đưa vào sử dụng rất là tốt nhưng để đủ các điều kiện mà tập luyện thì kinh phí không đủ đáp ứng được. Nhà thi đấu lớn, bật hệ thống điện lên để tập luyện rất tốn kém. Hàng năm, tỉnh cũng chỉ cấp cho đơn vị kinh phí ổn định thôi chứ để mà phát sinh nhiều kinh phí, đơn vị cũng không biết lấy đâu ra. Bởi thế, hiện nhà thi đấu TDTT đa năng tỉnh Thái Bình chủ yếu là nơi tổ chức các giải của ngành, giải tỉnh, giải quốc gia. Như năm ngoái tổ chức giải bóng chuyền quốc gia. Năm nay mới đầu có các giải của các ngành ngân hàng họ thuê họ thi đấu”.
|
Nhà thi đấu hàng trăm tỷ buộc phải treo biển nơi nguy hiểm miễn vào. |
“Tuy nhiên, các giải quốc gia được tổ chức tại nhà thi đấu TDTT đa năng tỉnh Thái Bình rất ít. Bởi giải quốc gia có hình thức thi đấu của giải quốc gia. Quy định chung là đơn vị mình đăng cai thì mình phải lo toàn bộ kinh phí để đăng cai tổ chức giải. Với địa phương, để tổ chức giải, ví dụ như giải vô địch Wushu, để phục vụ cho giải thì phải mất khoảng 100 triệu. Để phục vụ các giải mình đăng cai thì mình phải lo. Trung ương không hỗ trợ nhiều kinh phí. Để đăng ký đăng cai nhiều giải quốc gia thì rất khó bởi tỉnh Thái Bình không cấp kinh phí đó. Một năm dự kiến đăng cai hai giải, ví dụ như năm nay giải cầu lông tháng 9 định thi đấu bên đó nhưng do nhà thi đấu như thế phải tố chức ở nhà cũ bên này.
Hơn nữa, để có kinh phí đăng cai hai giải quốc gia một năm, chúng tôi phải huy động kinh phí từ tổng kinh phí của trung tâm, kể cả từ tiền sự nghiệp, tiền lương cán bộ công chức, viên chức, tiền ăn, tiền công của HLV, VĐV Các khoản tiền mình đi thi đấu tỉnh ngoài mình phải cắt bớt, tinh gọn lại. Ví như giải có 5 VĐV, 10 VĐV mình phải cắt lại để lấy kinh phí đó đăng cai giải quốc gia”, ông Đinh Bá Phượng cho hay.
Tình cảnh của Nhà thi đấu TDTT đa năng tỉnh Thái Bình như lời ông Đinh Bá Phượng nói trên dường như đã được cảnh báo từ khi xây dựng nhà thi đấu này. Bởi nhà thi đấu TDTT đa năng tỉnh Thái Bình xây dựng quá hoành tráng đến mức vượt quá quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, "Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 quy định rõ quy mô được phép xây dựng đối với các nhà thi đấu tỉnh, thành... Quyết định của Thủ tướng quy định rõ quy mô của các trung tâm thể thao trọng điểm, vùng trọng điểm, tỉnh, thành, ngành phải đáp ứng được yêu cầu về diện tích xây dựng, số lượng công trình, quy mô của từng công trình. Trong đó, đối với các nhà thi đấu thuộc các trung tâm thể thao trọng điểm làm chức năng trung tâm vùng như Nam Định là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng phải có tổng diện tích xây dựng trung tâm từ 40-50ha. Các trung tâm vùng được xây dựng một nhà thi đấu đạt tiêu chuẩn thi đấu ở cấp quốc gia, quốc tế với khán đài có sức chứa 3.000-4.000 chỗ ngồi. Trong khi đó Thái Bình không phải trung tâm vùng vẫn quyết tâm xây dựng nhà thi đấu lên tới 5000 chỗ ngồi đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, trong khi theo quy hoạch thì chỉ cần đạt tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia.
Mất thời gian dài để sửa chữa
Hiện trạng của nhà thi đấu TDTT đa năng tỉnh Thái Bình buộc phải treo biển “Khu vực nguy hiểm, không nhiệm vụ miễn vào” do nhiều hạng mục công trình có dấu hiệu hư hỏng như phần các tấm lợp trên mái đã bị hư hỏng 1/3. Những tấm ốp tường đã bị bong tróc, ngay tấm biển ở cổng nhà thi đấu cũng trong tình trạng chữ còn, chữ mất. Đặc biệt, trụ tường bao xung quanh nhà thi đấu đã xuất hiện bong gạch ốp, thậm chí đổ cả mảng tường. Phía sau nhà thi đấu là sân bóng đá nhưng cột thép đổ ngổn ngang, từng mảng tấm lợp vứt vương vãi khắp nơi.
Nói về việc này, ông Đinh Bá Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao tỉnh Thái Bình, cho biết: “Từ hôm nhà thi đấu bị hư hỏng do bão số 1, chúng tôi đã phải thường xuyên huy động lực lượng túc trực bên đó. Bởi Trung tâm được giao cho quản lý nhà thi đấu đa năng tỉnh. Bản thân Trung tâm phải mất một khoản kinh phí nhất định. Toàn bộ hệ thống cây đổ ngoài đường, do trong khu Liên hiệp thể thao của tỉnh nên không phải của bên đô thị, chúng tôi phải thuê máy múc để múc sâu xuống đất để trồng lại. Nhà thi đấu bị tốc 1/3 mái bị dột hết nên phải huy động cán bộ, VĐV sang đó để tháo dỡ hết bảng điện tử to, loa, rèm... Mình phải bảo vệ các tài sản còn sử dụng được”.
|
Tường bao nhà thi đấu bị đổ sập một mảng lớn. |
|
Bong tróc gạch ốp ở trụ cột. |
|
Nhiếu mảnh ốp tường bị hư hỏng. |
Ông Đinh Bá Phượng cũng cho biết: “Hiện tỉnh Thái Bình có chủ trương thẩm định, sửa chữa lại nhưng để sửa chữa rất khó bởi đó không phải là cái nhà nhỏ mà là hệ thống công trình lớn. Nếu sửa theo hướng chắp vá chỗ bị tốc mái thì cơn bão sau chắc chắn không đảm bảo được. Không thể một tháng hoặc vài tháng có thể khắc phục được. Nếu sửa phải tháo hết ra mà mùa bão như thế này không thể tháo dỡ được. Để sửa lại hoàn toàn hệ thống mái, nhà tư vấn cũng phải thiết kế lại hai đầu hồi để đảm bảo không lùa gió vào. Việc kiến nghị tỉnh giao các cơ quan chức năng thẩm định, sửa chữa nhà thi đấu là do Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình bởi Sở là chủ đầu tư của công trình”.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Vũ Nam Dương, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình cho biết: “Về việc nhà thi đấu TDTT đa năng tỉnh Thái Bình xuống cấp, chúng tôi cũng đã có cuộc họp theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Nội dung cuộc họp về việc chuẩn bị tu sửa lại mái của nhà thi đấu bị lật một phần. Vẫn chưa kết luận được nguyên nhân vì nó liên quan đến nhiều vấn đề. Chất lượng công trình như thế nào đấy thì tôi cũng chưa nắm được. Chúng tôi cũng đã thống nhất mời một đơn vị thứ 3 độc lập để người ta kiểm tra các hạng mục của nhà thi đấu xong mới lên phương án sửa chữa được”.
Trao đổi với PV Kiến Thức qua điện thoại, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết: “Sở mới có báo cáo thiệt hại do một công ty tư vấn thiết kế họ đo kiểm, người ta báo cáo nhưng họ vẫn chưa ký. Khi họ ký và báo cáo tỉnh, chúng tôi sẽ công bố. Chúng tôi phải thuê một đơn vị vào kiểm định, đánh giá thiệt hại xem là chất lượng hay do thiên tai. Nên giờ tôi không thể nói là do chất lượng công trình hay do thiên tai. Phải đợi cơ quan chuyên môn họ công bố được nguyên nhân”.
PV Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề trên.
Hải Ninh