Chấp nhận vất vả
Chúng tôi đến các xóm trọ quanh khu công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội khi mà nơi nơi đã bắt đầu rộn rịch không khí ngày 8-3. Dù đã chọn thời điểm cuối giờ chiều, nhưng khi đến, hầu hết cánh cửa của các phòng trọ đều đóng im ỉm. Lòng vòng trong làng Ngọc Hồi một lúc, đến hơn 18 giờ, các gian phòng trọ mới dần hé cửa, đồng nghĩa với việc chủ nhân đã trở về sau một ngày làm việc.
|
Chị Vũ Thị Huê chuẩn bị cơm tối cho chồng con, dù công việc vất vả nhưng chị thấy tạm ổn với cuộc sống hiện tại. |
Người đầu tiên chúng tôi gặp là chị Vũ Thị Huê, 31 tuổi, quê ở Ninh Bình, là công nhân thuộc công ty chuyên về đồng hồ treo tường. Chị Huê đã làm công nhân được 10 năm và hiện đang làm ở bộ phận đóng hàng của công ty. Hằng ngày, người phụ nữ tảo tần này phải đi làm sớm, từ hơn 5 giờ sáng, làm đủ tám tiếng thì được về. Mức lương chị nhận được khoảng 6-7 triệu một tháng. Chị may mắn được sống cùng chồng và cậu con trai tám tuổi trong một phòng trọ rộng chừng hơn 20m2. Chồng chị cũng làm công nhân cùng công ty với vợ.
Chị Huê chia sẻ, vì phải vào ca làm sớm, còn chồng làm theo giờ hành chính nên mọi việc buổi sáng đưa đón con đi học đều phải nhờ chồng, đến buổi chiều thì chị lo. Lương của hai vợ chồng được khoảng 13-14 triệu một tháng nhưng chi phí sinh hoạt cao. Bao khoản tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống rồi tiền cho con ăn học,… ngốn quá nửa số tiền trên. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, công việc lại khá vất vả nhưng ở quê thì không có việc làm. Vì kinh tế gia đình, anh chị phải chấp nhận đi làm xa. Cũng may, ông bà nội ngoại ở quê vẫn đi làm được nên anh chị không phải chu cấp, hằng tháng ông bà lại gửi đồ quê lên cho. Bởi vậy, tuy vất vả nhưng anh chị vẫn cảm thấy tạm ổn với cuộc sống hiện tại.
|
Góc phòng trọ rộng chừng gần 10m2 ngổn ngang những đồ đạc của cô Mai Thị Lan. |
Rời xóm trọ của chị Huê, chúng tôi đến một xóm trọ khác với gần chục phòng trọ hầu hết là các cặp vợ chồng công nhân thuê trọ. Cô Mai Thị Lan, 50 tuổi, quê ở Thái Bình, đang chuẩn bị bữa cơm chiều khi chúng tôi đến. Trong căn phòng trọ chừng gần 10m2, cô Lan kể trước kia cô làm ruộng ở quê, chồng làm lái xe cho Giám đốc một công ty trong nước chuyên sản xuất tôn lạnh. Một lần lên thăm chồng nhận được lời đề nghị của Giám đốc nên cô lên làm tạp vụ và nấu cơm cho công ty với mức lương 6,5 triệu/tháng.
Cô Lan chia sẻ thật lòng: “Lên Hà Nội làm dễ hơn ở quê, mặc dù phải làm suốt ngày nhưng không phải lội ruộng lại có thu nhập". Đến nay, cô Lan đã làm công nhân được ba năm. Chồng cô, sau một lần bị tai nạn cũng chuyển sang làm công nhân với mức lương 6 triệu/tháng nhưng chú phải làm tăng ca rất vất vả, nhiều hôm chồng cô phải làm tăng ca đến 1 giờ sáng. Hai con trai của cô Lan cũng làm trên Hà Nội nhưng không sống cùng bố mẹ.
“Với mức thu nhập của hai vợ chồng hiện tại so với ở quê là tạm ổn rồi. Nói dư giả thì không có vì phải nuôi con ăn học. Nếu có sức khỏe thì vẫn cứ làm thôi, khi nào doanh nghiệp họ không thuê nữa thì đành vậy”, cô Lan nói. Dẫu vậy, cô vẫn chia sẻ rằng, dù đã quen công việc trên này nhưng cô vẫn nhớ về quê, nhất là những khi nhà có công việc nhưng vì công việc và vì chồng con đều làm trên Hà Nội nên cô cũng đành phải xa quê.
Hạnh phúc giản đơn
Tiếp chúng tôi khi vừa bắt đầu bữa cơm tối, chị Nguyễn Thị Trang, 27 tuổi, quê ở Nghệ An cho biết, chị là công nhân thêu vi tính của một công ty Hàn Quốc. Với mức lương 5-6 triệu/tháng, chị phải làm việc đứng 12 tiếng mỗi ngày, tuỳ theo ca làm, từ 7 giờ sáng đến 19 giờ hoặc từ 19 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Chị chia sẻ, trước kia làm may cho một doanh nghiệp may mặc, ngày 8-3 cũng chẳng khác gì ngày thường, vì công ty không hề có chế độ ưu đãi gì. Với công ty hiện tại, chị mới vào làm từ tháng 5 năm ngoái. Ngày 20-10, công ty tặng quà 200 nghìn đồng nhưng chưa biết 8-3 năm nay có được tặng gì không, bởi gần tới ngày đó rồi mà công ty vẫn chưa thông báo kế hoạch gì.
|
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Trang bên mâm cơm chiều, anh chị bảo hôm nay là một trong những ngày bữa cơm của anh chị được chuẩn bị thịnh soạn. |
Chồng chị, anh Ngọ Văn Trung, 32 tuổi, cũng làm công nhân, tranh thủ lúc có khách đến chơi mang chiếc quạt điện ra sửa, tâm sự, thường thì 8-3 chỉ có hai vợ chồng, con gửi ở quê cho ông bà nội chăm. Hai vợ chồng chở nhau đi ăn uống, đi lòng vòng chơi gọi là cho có không khí vậy thôi. Với ngày 8-3 năm nay, cả hai chưa có dự định gì, bởi vợ phải đi làm ca đêm, chồng thì làm ban ngày. Hồi còn yêu nhau mỗi người một nơi, anh bắc - em nam nên những ngày 8-3 cũng không có có niềm vui gì đặc biệt dành cho nhau.
Khi được hỏi nếu có thể, chị mong muốn ngày 8-3 của mình diễn ra như thế nào, chị Trang trả lời: “Em cảm thấy bình thường, có quà động viên thì cũng vui nhưng không có cũng chẳng sao. Ngày lễ đa số đều trùng vào thời gian làm đêm của chúng em nên đi làm hết, không có thời gian ở nhà. Giờ em chỉ mong đi làm có tiền nuôi con”.
Ở ngay sát phòng trọ vợ chồng chị Trang, chị Nguyễn Thị Phú, 23 tuổi, đến từ huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng chẳng mong được nhận gì đặc biệt trong ngày 8-3. Chị đã kết hôn và có hai con sinh đôi nhưng vợ chồng, con cái không ở cùng nhau. Làm việc cho doanh nghiệp chuyên về gỗ ván ép, chị thuê trọ cùng với em gái ở làng Ngọc Hồi, người chồng làm việc và ở khu Mỹ Đình. Hai con chị gửi về ông bà ngoại ở Ba Vì chăm. Với mức lương 8 triệu đồng một tháng, chị phải làm việc từ 7 giờ đến 18 giờ 30 phút hằng ngày, nhiều khi phải làm tăng ca buổi tối đến 22-23 giờ đêm mới được về. Mọi năm, công ty chị thường tặng quà cho các chị em khoảng 100-200 nghìn đồng nhưng riêng năm nay, lần đầu tiên công ty tổ chức cho các chị em đi Ninh Bình nhân dịp 8-3. Chị chia sẻ mong ước giản đơn, trong ngày của phụ nữ được ở gần chồng, gần con, chỉ cần như thế đã là hạnh phúc rồi.
|
Chị Nguyễn Thị Phú ngắm ảnh hai cô con gái nhỏ của mình đang ở quê với ông bà ngoại, chị chia sẻ chỉ cần được ở bên chồng con đã là hạnh phúc. |
Với hầu hết chị em phụ nữ, cứ mỗi dịp ngày 20-10 hay 8-3, ai cũng háo hức, mong đợi được nhận sự quan tâm về cả vật chất lẫn tinh thần từ một nửa còn lại hoặc từ người thân. Thế nhưng, niềm mong đợi ấy không phải ai cũng giống nhau. Trong khi nhiều chị em muốn nhận những món quà đắt tiền, đi ăn, đi chơi ở những nơi sang trọng, vẫn có nhiều người như cô Lan, chị Huê, chị Trang, chị Phú lại mong mỏi những niềm vui rất đỗi giản đơn, thậm chí còn chưa có kế hoạch gì cho ngày 8-3.
Với cô Lan, ngày 8-3 cũng như bao ngày bình thường khác. Còn với chị Huê, chị chỉ muốn được chồng quan tâm hơn một chút và chỉ mong chồng con lúc nào cũng ở bên mình. Vợ chồng cứ đồng lòng, ngày nào cũng như ngày nào, tuy công việc vất vả nhưng về nhà có sự chia sẻ công việc, lúc nào cũng yêu thương nhau.
“Đi làm công nhân chỉ mong công ty có chế độ ưu đãi tốt thì mình có động lực để làm việc. Giờ còn sức khỏe, công việc bây giờ không thể dám chắc trước điều gì, chỉ mong con cái không phải thiệt là được”, chị Huê nói.
Theo Nhân dân