Phao áo cứu sinh là điều quan trọng sống còn để bảo đảm an toàn, tính mạng của người dân và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn trong cơn bất trắc mưa lũ, tuy nhiên, theo phản ánh dư luận, cả 03 gói thầu mua 301.200 chiếc phao áo cứu sinh do Tổng cục Dự trữ Nhà nước làm bên mời thầu đã chủ động thay đổi một số nội dung quan trọng trong hồ sơ mời thầu (HSMT) khác với thông lệ dẫn đến tình trạng “quân xanh quân đỏ” và nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước tại những gói thầu này.
|
Thông báo kết quả trúng thầu mua 301.200 phao áo cứu sinh được Tổng cục Dự trữ Nhà nước đăng tải trên website ngày 05/01/2017. |
Theo đó, ngày 05/01/2017, thông tin kết quả lựa chọn nhà thầu được Tổng cục Dự trữ Nhà nước (số 343 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) phát đi cho thấy, gói thầu số 01: mua 122.000 chiếc phao áo cứu sinh nhập kho dự trữ quốc gia thuộc các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực (Cục DTNNKV): Hà Nội, Tây Bắc, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hà Bắc, Hải Hưng, Đông Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh; gói thầu số 02: mua 129.200 chiếc phao áo cứu sinh nhập kho dự trữ quốc gia thuộc các Cục DTNNKV: Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, Cửu Long, Tây Nam Bộ; gói thầu số 03: mua 50.000 chiếc phao áo cứu sinh nhập kho dự trữ quốc gia thuộc các Cục DTNNKV: Hà Nội, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hải Hưng, Đông Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nam Bộ, đều nằm gọn trong tay của một đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Dệt may Nam Việt, có địa chỉ tại 203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
|
Gói thầu mua phao áo cứu sinh sử dụng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước. |
Từ kết quả thông báo được Tổng cục Dự trữ Nhà nước đưa ra, sự việc chẳng có gì đáng nói nếu đơn vị trúng thầu khiến ai cũng phải tâm phục, khẩu phục bằng năng lực và kinh nghiệm của mình, nhưng trớ trêu thay, đơn vị trúng thầu này lại vấp phải nhiều ý kiến hoài nghi về kết quả đấu thầu, cũng như hàng loạt các nghi vấn bên mời thầu có vẻ đã “đặt gạch” trước cho nhà thầu “ruột” dễ dàng trúng thầu khi thay đổi nhiều điều kiện bắt buộc khác với thông lệ trong HSMT.
|
Năm 2013, gói thầu mua phao áo cứu sinh của Tổng cục Dự trữ Nhà nước có nhiều quy định chặt chẽ đảm bảo chất lượng của hàng hóa. |
Cụ thể, tại một gói thầu cung cấp phao áo cứu sinh vào năm 2013, hồ sơ mời thầu của Tổng cục Dự trữ Nhà nước đưa ra các điều kiện bắt buộc nhà thầu phải có tài liệu chứng minh sự phù hợp (đáp ứng) của hàng hóa là “… phải kèm theo 2m2 mẫu vải bọc ngoài và 1m2 ruột xốp, có chữ ký và đóng dấu của đơn vị dự thầu và đơn vị kiểm tra thử nghiệm mẫu. Phiếu kiểm tra phải được người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ký tên, đóng dấu”. Bên cạnh đó, HSMT còn yêu cầu “Bản chính Giấy chứng nhận kiểu sản phẩm (hoặc sản phẩm mẫu) do Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, thử và cấp còn hiệu lực tối thiểu tính đến thời điểm đóng dấu kèm theo 01 chiếc phao áo cứu sinh mẫu có xác nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam (đóng dấu hoặc dán tem)”. Đây là những điều kiện để bên mời thầu có thể đánh giá và kiểm soát được chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày từ khâu dự thầu, cũng như tính minh bạch của gói thầu khi được một cơ quan chuyên môn có tư cách pháp nhân độc lập đánh giá khách quan về kiểu cách sản phẩm.
Điều này cũng phù hợp với mục 4.2.1.4 của QCVN 07: 2012/BTC - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phao áo cứu sinh dự trữ quốc gia quy định: “Giấy chứng nhận kiểu sản phẩm do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp; Giấy chứng nhận và biên bản kiểm tra lô hàng do Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp (sau đây gọi là Đăng kiểm)”.
|
Ở cả 03 gói thầu mua 301.200 pháo áo năm 2016 không nhắc đến vai trò của Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận kiểu sản phẩm. |
Thay đổi các quy định chặt chẽ trên, tại 03 gói thầu mua 301.200 chiếc phao áo cứu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước áp đặt chỉ tiêu đánh giá kỹ thuật theo phương pháp chấm điểm trên cơ sở đề xuất kỹ thuật của nhà thầu và kết hợp đối chiều với các chỉ tiêu do nhà thầu trích dẫn tại các tài liệu chứng minh sự phù hợp của hàng hóa theo quy định tại Mục 11.4 Chương II của HSMT. Thế nhưng, tại mục chỉ dẫn nhà thầu 11.4, bên mời thầu chỉ yêu cầu nhà thầu phải nộp cùng hồ sơ dự thầu các tài liệu như: Nhà thầu nêu rõ từng chỉ tiêu kỹ thuật của phao áo cứu sinh theo các yêu cầu tại Chương V của HSMT; Nhà thầu đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng; Nhà thầu cam kết về việc cung cấp các tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa theo yêu cầu tại Mục 5.3 Chương này.
Tức là để chứng minh về tính hợp lệ của hàng hóa, nhà thầu chỉ cần cam kết trên giấy về việc cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (CO) hoặc tài liệu có giá trị tương đương và Giấy chứng nhận chất lượng (CQ) hoặc tài liệu có giá trị tương đương đối với hàng hóa do nhà thầu chào để chứng minh tính hợp lệ. Đến thời điểm giao nhận hàng hóa với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, nhà thầu cần cung cấp các tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nêu trên cho Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.
Như vậy, có thể thấy rõ, vai trò kiểm định chất lượng hàng hóa của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quy định tại mục 4.2.1.4 của QCVN 07: 2012/BTC - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phao áo cứu sinh dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Thông tư 131/2012/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính không hề được nhắc đến trong các gói thầu này.
Dư luận cho rằng, đây chính dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của Tổng cục Dữ trữ Nhà nước trong nguyên tắc quản lý hàng hóa dự trữ quốc gia, tạo kẽ hở pháp luật để doanh nghiệp có năng lực yếu kém có thể tham gia gói thầu dẫn đến nguy cơ chất lượng hàng hóa được cung cấp có phẩm chất kém được đưa vào lưu trữ, sử dụng, có thể làm thất thoát tài sản nhà nước ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng.
Cũng cần phải nói thêm, theo cam kết của Công ty Cổ phần Dệt may Nam Việt sẽ phải thực hiện 3 gói thầu cung cấp hơn 301.000 chiếc phao áo cứu sinh trong thời hạn 130 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Với áp lực thời gian như vậy, mỗi ngày, doanh nghiệp này đều phải sản xuất trên 2.000 chiếu phao áo, đây là thách thức rất lớn đối với bất cứ doanh nghiệp nào tham gia cung cấp áo pháo trên thị trường.
|
Tiêu chuẩn đánh giá của gói thầu do Tổng cục Dự trữ Nhà nước đưa ra. |
Gói thầu cung cấp 301.000 chiếc phao áo cứu sinh được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nói cách khác là từ tiền thuế của nhân dân. Nếu cuộc đấu thầu vì một lẽ nào đó lại sử dụng các sản phẩm kém chất lượng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật được mua gom trôi nổi trên thị trường, tuồn vào kho dự trữ quốc gia thì người chịu thiệt là người dân. Và càng không thể tưởng tượng được hậu quả nếu việc làm trên trở thành sự thật, bởi lẽ phao áo cứu sinh là các sản phẩm hàng hóa được sử dụng trong công tác cứu hộ, cứu người bị gặp nạn trong mùa bão lũ triền miền ở Việt Nam.
Để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, đã đến lúc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ cần sớm vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ những nghi vấn về kết quả mua 301.200 chiếc phao áo cứu sinh. Đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể nếu để xảy ra sai phạm trong đấu thầu, có như vậy nguồn vốn ngân sách được sử dụng từ tiền thuế của người dân dành mua sắm phao áo cứu sinh mới được đảm bảo sử dụng đúng mục đích mang ý nghĩa thiết thực.
Ánh Sáng