Người nước ngoài sống trong nhà ở xã hội, trách nhiệm thuộc về ai?

Google News

Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ việc người nước ngoài sống trong nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Qua sự việc này, nhiều độc giả đặt câu hỏi trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Bộ Xây dựng vừa ban hành 2 công văn gửi UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện quy định pháp luật về nhà ở xã hội. Theo Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua, báo chí phản ánh nhiều người nước ngoài thuê và sinh sống lâu dài trong các dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Bắc Ninh - nơi vốn dành cho công nhân, người thu nhập thấp. Căn cứ Khoản 15 Điều 75 Nghị định số 100 (ngày 26/7/2024) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ và giải quyết, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật và báo cáo kết quả giải quyết về Bộ Xây dựng trước 3/10/2024.
Nguoi nuoc ngoai song trong nha o xa hoi, trach nhiem thuoc ve ai?
Khu nhà xã hội Evergreen với gần 1.000 căn mới bàn giao cho cư dân từ tháng 3/2024 bị phản ánh có nhiều người nước ngoài sinh sống. Ảnh: UBND tỉnh Bắc Giang
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, người nước ngoài không phải là chủ thể sử dụng nhà ở xã hội, bởi vậy nếu xuất hiện hàng loạt nhà ở xã hội có người nước ngoài cư trú dài hạn thì cần xem xét trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.
Luật nhà ở cũng quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: Có sự kết hợp giữa Nhà nước, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách; Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cộng đồng dân cư; Bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định của Luật này; Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì được hưởng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất; trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện thì đối tượng là người khuyết tật, nữ giới được ưu tiên hỗ trợ trước; Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng một chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình.
Nguoi nuoc ngoai song trong nha o xa hoi, trach nhiem thuoc ve ai?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)  
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định của Luật Nhà ở, nhà ở xã hội cũng có thể thuộc diện cho thuê hoặc Nhà nước bán nhà ở xã hội cho đối tượng đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Trong trường hợp nhà ở xã hội được sử dụng để cho thuê thì phải tuân thủ các quy định. Nhà xã hội là loại hình nhà ở đặc biệt phải phục vụ cho nhu cầu an sinh xã hội, không phải ai cũng có thể được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội. Bởi vậy, trường hợp hàng loạt nhà ở xã hội có người nước ngoài ăn ở sinh sống dài hạn thì cơ quan chức năng cần làm rõ dự án nhà ở xã hội đó được xây dựng, bán, cho thuê, thuê mua được thực hiện như thế nào? Cần làm rõ pháp lý của dự án, xác định chủ đầu tư là đơn vị, tổ chức nào, mục đích sử dụng của tòa nhà đó là bán, cho thuê hay thuê mua? Nếu người nước ngoài thuê để sử dụng làm nơi cư trú thì cần làm rõ chủ thể nào đang cho thuê, việc cho thuê có đúng quy định pháp luật hay không?
Trường hợp chủ đầu tư xây dựng lên để cho thuê thì cần làm rõ pháp lý của dự án này để xác định đối tượng thuê loại nhà ở đây có bao gồm người nước ngoài hay không? Trường hợp người cho thuê là các hộ gia đình cá nhân đã được mua nhà ở xã hội trước đó thì cần làm rõ vì sao họ không có nhu cầu sử dụng nữa? Làm rõ những người này mua nhà ở xã hội để cho thuê có đúng đối tượng hay không, có đáp ứng mục tiêu giải quyết vấn đề nhà ở theo các chương trình về an sinh xã hội hay không? Trong trường hợp tổ chức, cá nhân cho người nước ngoài thuê nhà ở xã hội sai đối tượng, không đúng mục đích sử dụng thì cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý để xác định pháp lý dự án cũng như xác định đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội, trường hợp người mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng thì việc mua bán đó có thể bị hủy bỏ, người thuê nhà ở không thuộc trường hợp được thuê nhà ở xã hội thì hợp đồng cũng có thể bị cơ quan chức năng đình chỉ thực hiện.
Theo luật sư Cường, nhà ở xã hội là loại hình nhà ở đặc biệt phục vụ cho mục đích an sinh xã hội. Hiện nay, số người mong muốn được mua nhà ở xã hội rất lớn, tuy nhiên số lượng nhà ở xã hội có hạn, nhiều địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở xã hội. Bởi vậy nếu người có nhu cầu thực sự lại không được mua, không được thuê, lại cho người nước ngoài thuê để ở lâu dài nhà ở xã hội là không đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, làm việc, học tập luôn được Nhà nước Việt Nam chào đón. Chính sách đối với người nước ngoài về nhà ở cũng được quy định cụ thể, theo đó người nước ngoài hoàn toàn có thể thuê nhà để lưu trú ở các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê. Tuy nhiên, để người nước ngoài ở trong các khu nhà ở xã hội là điều rất bất cập và cần xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý của các cơ quan, tổ chức cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
>>> Xem thêm video: Toàn cảnh Khu nhà ở thương mại đường sắt Dĩ An
  
Gia Đạt