Theo phán quyết của TAND TP Hà Nội, đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn "Ngày Xưa", Công ty Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu của vở diễn, công ty DS của Việt Tú phải giao quyền sở hữu kịch bản cho Tuần Châu Hà Nội. Tòa cũng tuyên bố không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường dân sự giữa hai bên.
|
Đạo diễn Việt Tú (trái) và đại diện Công ty CP Tuần Châu Hà Nội tại tòa. |
Sự việc bắt đầu từ năm 2015, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (công ty con của tập đoàn Tuần Châu) ký hợp đồng sáng tác vở diễn "Ngày xưa" với Công ty DS của đạo diễn Việt Tú. Đến tháng 8/2016, đạo diễn Việt Tú đăng ký quyền tác giả với vở diễn, còn công ty DS của anh này là chủ sở hữu quyền tác giả.
|
Vở diễn "Ngày xưa". |
Theo công ty Tuần Châu Hà Nội, đơn vị đã chuyển tiền thanh toán cho đạo diễn Việt Tú. Nhưng đến hơn nửa năm sau, vào tháng 6/2017, là thời gian công chiếu vở diễn "Ngày xưa", dù đã trao tiền đầy đủ cho phía đối tác nhưng công ty Tuần Châu lại không nhận được sản phẩm. Đến thời điểm đấy, công ty con của tập đoàn Tuần Châu không còn cách nào khác, ký hợp đồng với Công ty TMCP Sen Vàng, cho ra đời vở "Tinh hoa Bắc Bộ".
Gần 2 tháng sau, Công ty CP Tuần Châu đơn phương chấm dứt hợp đồng với đạo diễn Việt Tú, cùng với sự ra mắt của "Tinh hoa Bắc Bộ". Sau đó, vụ việc được đưa ra tòa vào tháng 3/2018.
Cụ thể, Công ty Tuần Châu Hà Nội kiện Việt Tú do vi phạm hợp đồng, chiếm giữ tác phẩm, đòi bồi thường hơn 6 tỷ đồng. Tháng 5/2018, Việt Tú phản tố, kiện lại Tuần Châu và đòi bồi thường số tiền tương tự. Vụ việc chính thức được đưa ra xét xử vào tháng 3/2019.
Đại diện công ty Tuần Châu Hà Nội cho rằng, phải nhờ cái bắt tay của Tuần Châu Hà Nội với đạo diễn Việt Tú thì tác phẩm "Ngày xưa" mới có cơ hội được ra đời. Lợi ích thì được chia đều cho cả hai bên: doanh nghiệp thì bỏ tiền ra mua tác phẩm nghệ thuật, còn nghệ sĩ thì khẳng định được tên tuổi mà không cần phải đặt hàng từ Nhà nước.
"Phải có lý do thì Tuần Châu HN mới bỏ cả đống tiền để đầu tư vào việc sáng tạo nghệ thuật - một lĩnh vực nhạy cảm và rủi ro. Có rất nhiều doanh nghiệp đang cố để đóng góp vào nền nghệ thuật Việt Nam. Song, có lẽ đạo diễn Việt Tú thì không nghĩ đơn giản như vậy" - đại diện công ty cho biết.
Công ty Tuần Châu Hà Nội cho biết thêm, đạo diễn Việt Tú dường như đã lên ý tưởng nhiều hơn nữa sau khi bắt tay với Tuần Châu Hà Nội. Công ty DS và đạo diễn Việt Tú lần lượt trở thành chủ sở hữu và quyền tác giả của "Ngày xưa" mà trong khi đó, đáng lẽ Tuần Châu Hà Nội mới mà đơn vị nắm giữ các quyền này. Nhiều lần trên các kênh thông tin, Việt Tú khẳng định mời Tuần Châu Hà Nội cùng đăng ký quyền tác giả. Đó là điều đáng lý ra phải là lẽ đương nhiên.
|
Màn "ăn mừng cảm xúc" của đạo diễn Việt Tú sau phiên tòa. |
Sau phiên tòa, đạo diễn Việt Tú nói: "Tôi đến tòa vì đạo đức nghề nghiệp, đó là điều rất kinh khủng trong giới nghệ thuật giờ, nhiều ông 'cầm nhầm', thậm chí trắng trợn đoạt của người khác".
Nhiều người yêu nghệ thuật, theo dõi sự việc đặt câu hỏi liệu một tác phẩm nghệ thuật sẽ ra sao nếu xung quanh nó là một đống lùm xùm phía sau hậu trường?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vừa có những bày tỏ thẳng thẳn về sự việc tranh chấp bản quyền giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú: "Nghệ sĩ cũng có tiền. Nên người đầu tư mà nhiều tiền không phải cái tội. Nghệ sĩ cũng có công ty. Nên không lo đây là chuyện nghệ sĩ đơn thương độc mã chống lại tập đoàn. Nghệ sĩ kí hợp đồng nhận đủ thù lao như thỏa thuận. Nên cũng không sợ chuyện ai quỵt tiền của ai.
Sáng tạo là một cách gọi. Tác phẩm là một cách gọi. Đặt hàng cũng là cách gọi. Dự án kinh doanh ăn chia cũng là cách gọi. Ở các góc độ khác nhau muốn cảm tính thế nào thì cảm tính nhưng đừng cứ nhất định đã nghệ sĩ là cao quý và còn lại thì con buôn mạt hạng xấu xa”.
|
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. |
Đạo diễn phim “Đập cánh giữa không trung” nhấn mạnh, vấn đề của sự việc này nằm ở chỗ công ty của đạo diễn Việt Tú đã đi đăng ký bản quyền tác phẩm mà trong hợp đồng ký với công ty đầu tư tác phẩm đó đã được coi là tài sản hợp pháp của nhà đầu tư (công ty Tuần Châu Hà Nội).
“Vở diễn “Ngày Xưa” mất. “Tinh Hoa Bắc Bộ” mất. Và mình, chúng mình cũng mất nhiều đấy, chẳng ít đâu. Những điều mình tin, chúng mình tin, hoá ra bị dẫm bẹp lâu rồi!”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhìn nhận.
Không phải lúc nào nghệ sĩ cũng bị ức hiếp và doanh nghiệp cứ phải là con buôn, mạt hạng xấu xa.
Quý An