Những tình huống bất ngờ trong kế hoạch phản gián CM 12

Google News

Trong suốt quá trình được Ban chỉ đạo kế hoạch CM12 bố trí xâm nhập bên trong đầu não của địch, Đại tá Trần Phương Thế đã phải đối mặt vô số những tình huống bất ngờ, khó khăn.

Trong chuyến công tác về nguồn tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vào ngày 14-4 vừa qua, chúng tôi được Đại tá Trần Phương Thế (bí danh Tám Thậm), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau kể về những khó khăn, vất vả cùng sự mưu trí, dũng cảm, quyết đoán của các cán bộ C­ông an tham gia kế hoạch phản gián CM12, đập tan tổ chức phản động lưu vong với danh xưng: “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.
Trong suốt quá trình được Ban chỉ đạo kế hoạch CM12 bố trí xâm nhập vào hoạt động bên trong đầu não cơ sở tổ chức của địch để nắm tình hình, Đại tá Trần Phương Thế đã phải đối mặt vô số những tình huống bất ngờ, khó khăn, nhưng với sự khôn khéo, tỉnh táo của mình, ông lần lượt hóa giải đượctất cả...
Theo lời kể của Đại tá Trần Phương Thế, sau chiến thắng lịch sử 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các thế lực thù địch và nhất là bọn phản động lưu vong luôn rình rập tìm mọi cách chống phá nhằm tiến tới lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, trong đó có tổ chức phản động do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Phương Thế. 
Năm 1981, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh đã tổ chức cho một toán biệt kích gián điệp lấy tên là “Minh Vương 1” từ mật cứ tại Thái Lan đi bằng đường bộ qua lãnh thổ Campuchia thâm nhập vào Việt Nam qua tuyến biên giới đường biển tỉnh Kiên Giang.
Tuy nhiên, khi vừa đến khu vực rừng U Minh Thượng, toán biệt kích này bị lực lượng quân sự địa phương phát hiện. Sau cuộc nổ súng kéo dài nhiều giờ, một số tên biệt kích bị tiêu diệt, một số khác bị bắt sống và số ít còn lại cuống cuồng băng rừng tháo chạy trở về mật cứ.
Thất bại cay đắng đã làm cho Túy, Hạnh không thể nuốt trôi và cả hai đã bàn thảo âm mưu mới bằng kế hoạch “Minh Vương 2”. Lần này chúng không di chuyển bằng đường bộ nữa mà thâm nhập bằng đường biển.
Toán này có nhiệm vụ luồn sâu vào rừng U Minh Thượng lập mật cứ kháng chiến để tiếp nhận vũ khí, thuốc men, lương thực, tiền bạc từ các chuyến tàu biển chuyển đến sau đó.
Ngoài ra, nhóm này còn một nhiệm vụ khác là nghiên cứu lập ra những biệt đội ám sát, dùng chất nổ phá hoại những mục tiêu quan trọng ở các tỉnh, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh để gây tiếng vang rồi từng bước đưa cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” ra công khai nhằm lật đổ chính quyền cách mạng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Ban chỉ đạo kế hoạch phản gián CM12 quyết định cử đồng chí Thượng úy Trần Phương Thế (Tám Thậm) - Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Ty Công an tỉnh Minh Hải lúc bấy giờ thâm nhập vào tổ chức đầu não của địch để hoạt động.
Những ngày đầu khi phải lặn lội dọc tuyến biển để khảo sát tình hình, đồng chí Trần Phương Thế không có thời gian cạo râu, quần áo cũng rách lỗ chỗ nên khi trở về báo cáo tình hình với Ban chỉ đạo, hình ảnh đồng chí Tám Thậm gắn với bộ râu dài và được mọi người gọi bằng biệt danh “Hai râu”.
Tuy bộ râu dài cùng quần ống loe, áo vạt bầu đã giúp đồng chí Thế tạo được dáng vẻ của một tay “ăn chơi, hư hỏng…” để có thể dễ dàng thâm nhập sâu vào lòng địch, nhưng nó cũng gây nhiều phiền toái cho đồng chí bởi trong một lần trở về Ty Công an tỉnh Minh Hải, đồng chí đồng đội, người thân, gia đình phản đối dữ dội...
Có lần khi đồng chí Tám Thậm về dự đám giỗ đã bị người thân, dòng họ kịch liệt phản đối. Cho rằng dòng họ Trần luôn ngẩng cao đầu vì trong hai cuộc kháng chiến chưa bao giờ có một người chịu làm tay sai cho giặc dù bị tra tấn dã man và cũng là tấm gương trong cuộc sống đời thường với bà con chòm xóm vì không có ai hư hỏng, sống buông thả.
Để bảo vệ thanh danh cho gia đình, dòng họ, đa số những bậc cao niên đòi khai trừ đồng chí Tám Thậm và không bao giờ nhìn mặt nữa. Cũng vì bộ râu và cách ăn mặc này mà vào tháng 6-1982, trong lúc di chuyển từ An Giang lên Đồng Nai, khi đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long, đồng chí Thế bị đau bụng dữ dội nên được anh em trong đoàn đưa vào trạm y tế thị xã cấp cứu.
Tuy nhiên các y bác sỹ tại đây đã từ chối chữa bệnh vì cho rằng ông giống thổ phỉ. Sau đó đồng chí Thế còn 4 lần bị từ chối chữa bệnh trên tuyến đường từ Vĩnh Long lên TP. Hồ Chí Minh.
Đồng chí Trần Phương Thế (thứ hai từ phải qua) trong một lần bàn thảo kế hoạch với Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh. 
Trong quá trình xâm nhập hoạt động trong lòng địch, đồng chí Trần Phương Thế cũng phải xử lý rất nhiều những tình huống bất ngờ. Mặc dù trước khi “vào vai” này, ông đã kinh qua rất nhiều công tác, thường xuyên tiếp cận với đời sống thực tế của bà con nhân dân trong vùng để đúc kết được kinh nghiệm sống của người dân ở từng địa phương, nhưng vẫn gặp nhiều tình huống mà nếu không nhanh trí xử lý kịp thời có thể làm hỏng cả một kế hoạch lớn.
Để tạo lòng tin đối với Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cùng đám tay chân của chúng, ông đã xây dựng cơ sở tại nhà một người thân ở ven bờ Kênh Sáng, huyện Bạc Liêu (nay là tỉnh Bạc Liêu). Tuy nhiên khi Mai Văn Hạnh về lần đầu tiên và chuẩn bị đưa đối tượng này bằng xe gắn máy đi một số nơi theo “kịch bản”, ông đã đưa Mai Văn Hạnh về nhà của cơ sở và cũng là nhà của người thân ở Kênh Sáng, Bạc Liêu.
Mặc dù đã căn dặn rất kỹ, nhưng thời điểm ấy vùng này là nơi các đối tượng vượt biên trái phép thường tập kết để lên tàu, hằng ngày, hằng giờ lực lượng dân quân, du khích địa phương thường tiến hành các cuộc tuần tra kiểm soát hết sức gắt gao nên chủ nhà đã lên xã trình báo việc nhà mình có chứa vượt biên.
Xác định chắc chắn sẽ có cuộc kiểm tra bất ngờ, đồng chí Trần Phương Thế phải vừa cõng Mai Văn Hạnh, vừa dìu Mai Quốc Túy chạy cắt ngang cánh đồng hoang ngập nước gần ngang thắt lưng để đến một cơ sở khác.
Sau chuyến này, Đại tá Trần Phương Thế đã tạo dựng thêm lòng tin khá cao trong lòng Túy và Hạnh, nhưng để có lòng tin tuyệt đối, hai tên này đã chuẩn bị kế hoạch thử đồng chí Thế thêm một lần nữa.
Đó là ngày 18-4-1982, trong lúc đang đưa hai tên này về một mật cứ (do Ban chỉ đạo kế hoạch cho xây dựng để dẫn dụ địch) trong khu rừng ở huyện Trần Văn Thời thì bất ngờ đồng chí Thế nghe tiếng quát lớn: “Hai râu đứng im, không được động đậy. Mày có phải là Cộng sản không?”. Ngay sau đó là tiếng lên đạn của khẩu AK do một đối tượng có biệt danh Z46 thực hiện rồi dí nòng súng vào sau gáy.
Với nhiều năm được huấn luyện bài bản để trở thành một sỹ quan Công an chống phản động, chỉ cần một thế võ đơn giản cũng có thể hất văng khẩu súng ra xa, nhưng chợt nghĩ nếu làm như vậy sẽ lộ tẩy và đặc biệt là làm hỏng cả một kế hoạch lớn, đồng chí Thế cất giọng bảo: “Cháu theo hai chú đã nhiều năm, làm nhiều việc tốt, mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức mà sao các chú lại nghi ngờ. Nếu là Cộng sản thì với 7 lần đưa đoàn của các chú ra vào nội địa, cháu đâu có để các chú được an toàn…”.
Có vẻ thấm đòn nên ngay sau đó, Hạnh và Túy đã chủ động đến bên đồng chí Thế vỗ vai: “Anh Hai thông cảm nhé, lúc nãy tụi mình căng thẳng dữ, anh Hai đừng để bụng nhé…”. Tiếp đó đồng chí Thế cũng đáp lời: “Thiệt tình lúc thấy hai chú hùng hổ quá, cháu cứ nghĩ bụng rằng hai chú là… Cộng sản…”.
Một lần khác, khi đang đưa Túy và Hạnh đến một địa điểm bí mật bằng xe gắn máy theo yêu cầu của chúng thì bất ngờ một người bạn cũ đứng bên đường nhận ra và gọi lớn: “Tám Thậm… Tám Thậm… ghé nhà uống rượu”.
Nghĩ Túy và Hạnh có thể nghe mang máng về những lời gọi của bạn mình, Đại tá Trần Phương Thế đã bình tĩnh cho xe chạy qua một đoạn dài rồi mới vòng xe quay lại, nhưng vẫn kịp quay sang bảo hai đối tượng: “Hai chú đứng lại đây cho an toàn, để con quay lại xem sao”.
Lát sau, ông quay lại bảo: “Con không phải người vùng này và cũng chưa từng đến vùng này nên không quen biết ai cả. Chỉ có một người dân nhìn nhầm người…”. Tin lời ông, Túy và Hạnh thúc giục tăng ga cho xe chạy nhanh hơn để kịp giờ đến điểm hẹn.
Lần khác xảy ra vào tháng 5-1982, khi ấy Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy đã xâm nhập nội địa và được Đại tá Trần Phương Thế bố trí cho ở nhà ông Sáu Tiệp (cơ sở gây dựng trước đó).
Đến đêm, Đại tá Thế bí mật cùng K61 sang khu vườn ở nhà kế bên điện đài cho Ban chỉ huy kế hoạch CM12 nắm tình hình. Đang trong lúc đánh điện đài thì bị ông Sáu Tiệp ra vườn đi vệ sinh nhìn thấy ánh đèn màu của máy điện đài nên la lớn…
“Ai làm gì trong rẫy của tôi đó… làm gì nói mau…”. Ngay sau đó, một đồng chí ấp đội phó xách súng chạy đến. Trước tình thế này, Đại tá Thế lập tức bảo K61 thu dây điện rồi chạy đến giải thích với ông Sáu Tiệp và đồng chí ấp đội phó rằng đang đi vệ sinh chứ không có chuyện gì, nhưng ông Sáu Tiệp vẫn không tin và liên tục la lớn.
Nhận thấy việc này có thể gây sự chú ý cho Túy và Hạnh đang ẩn nấp trong nhà ông Sáu, Đại tá Thế buộc lòng phải kéo ông Sáu Tiệp và đồng chí ấp đội phó lại nói cho họ biết về thân phận và nhiệm vụ của mình, đồng thời cảnh báo không được để lộ nếu không sẽ bị xử lý trước pháp luật.
Ngay sau đó, Đại tá Thế quay trở vào trong nhà nơi Túy và Hạnh đang ngồi giả vờ nói chuyện xem hai đối tượng này có nghe được những tiếng la của ông Sáu Tiệp hay không và ông chỉ yên tâm khi biết cả hai đều không nghe được gì.
Như vậy, sau hơn 3 năm từ 1981 đến ngày 9-9-1984, kế hoạch phản gián CM12 của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã thành công rực rỡ. Cơ quan Công an đã bắt được 189 tên phản động lưu vong, thu giữ 143 tấn vũ khí, 90 tấn đạn dược, 1,2 tấn chất nổ, 14 tấn tiền giả.
Và cũng từ lời khai của những tên phản động lưu vong này, Công an Việt Nam đã tiếp tục bóc gỡ thêm 10 tổ chức phản cách mạng, bắt hàng ngàn tên phản động khác lén lút hoạt động trong nội địa.
Theo Đức Cương/CAND