Ở một số xã ngoại thành Hà Nội như xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ), xã Phương Đình, xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) tục thờ chó đá cũng đã có từ rất lâu đời. Và, cho đến ngày nay, người dân vẫn thờ cúng chó đá với mong muốn cầu phúc, cầu tài, cầu lộc và trừ tà…
Để hiểu rõ hơn về tục thờ chó đá ở làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, chúng tôi đã tìm về tận địa phương gặp cụ Chu Bá Đàm, thủ từ đình làng Địch Vĩ. Tại đây, cụ đã kể lại nguồn gốc tục thờ chó đá cho chúng tôi nghe.
|
Cụ Chu Bá Đàm thắp hương Đức Hoàng Thạch. |
Cụ Đàm kể: Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, ngày xưa ở vùng cửa sông Hát có 2 anh em nhà nọ. Anh trai tên là Ngọc Tri, quan viên triều đình còn em trai là Hoàng Thạch.
Một lần anh trai ra trận đánh giặc, giao lại công việc nhà cửa, ruộng đồng cho người em trai ở nhà trông nom. Ở nhà chỉ có em trai với chị dâu. Ngăn buồng của chị dâu và em trai là một vách đất thủng một lỗ to bằng nắm tay.
Đêm đêm, khi ngủ, người em thường thò tay qua bức vách đặt lên bụng chị dâu vì sợ chị ngoại tình. Thế nhưng, khi tan giặc trở về nhà người anh trai thấy vợ có bầu nên nghi ngờ cho người em trai ở nhà làm điều bất chính. Không kìm được lòng ghen tức, người anh giận giữ chém chết người em trai và mang xác chết vứt xuống sông rồi mắng rằng đồ “chó má”.
Người em chết oan, báo mộng cho người làng nỗi khổ của mình và mong muốn được dựng một bức tượng. Bức tượng ấy phải thả xuôi theo dòng sông và rồi bức tượng đã hóa thành chó đá. Tượng chó đá trôi đến địa phận làng Thọ Xuân, nằm đối diện làng Địch Vĩ, được ngăn cách bởi con sông Hồng.
Dân làng Thọ Xuân đổ ra xem pho tượng lạ. Nghĩ là tượng quý nên người Thọ Xuân cử hàng trăm thanh niên trai tráng ra khiêng nhưng không nhấc nổi. Điều lạ thay, bấy giờ bốn người làng Địch Vĩ hò nhau ra khiêng thử thì pho tượng nhẹ bẫng.
Biết tượng đã chọn làng mình, dân Địch Vĩ mang tượng chó đá về hương khói thờ phụng và sau này tôn làm quan lớn Hoàng Thạch, thờ cúng cho đến nay. Đôi mắt tượng được dựng hướng về Hát Môn cũng vì lẽ đó.
“Từ đó, chó đá phù hộ cho dân làng Địch Vĩ làm ăn ngày một ấm no, thịnh vượng. Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết, ngày khai hạ mồng 7 tháng Giêng nhân dân làng Địch Vĩ mang lễ vật lên phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì (xã Hát Môn, Phúc Thọ) thì mới hội tế ở làng”, cụ Đàm cho biết thêm.
Kể xong câu chuyện về tục lạ này, cụ Đàm dẫn chúng tôi đi tham quan nơi thờ cúng chó đá. Từ lâu, người dân Địch Vĩ không gọi là chó đá mà gọi là “Quan lớn Hoàng Thạch” hoặc “Đức Hoàng Thạch”. Bởi ngài đã đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho dân làng.
Ngài được dân làng Địch Vĩ thờ cúng trên bệ cao, đặt ở giữa làng, bên cạnh đình và chùa Địch Vĩ. “Trước đây, người dân thờ ngài ở mô đất thấp. Sau này, họ xây bệ thờ và rước ngài lên, không xây cổng, tường bao quanh để ngày lễ, đầu tháng, ai cũng có thể thắp hương cầu bình yên, may mắn”, cụ Đàm bộc bạch.
Theo cụ Đàm, Đức Hoàng Thạch cao gần 1,5m; xung quanh dưới chân Đức Hoàng Thạch là đàn chó con (15 con) với nhiều dáng vẻ khác nhau. Tất cả hai chân trước đều đứng, chân sau như sắp nhổm lên sủa, mắt hướng về xã Hát Môn, như hướng về cội nguồn, nơi ngài đã sinh ra.
Cách làng Địch Vĩ 2km, tại làng Phù Trung (xã Thượng Mỗ) cũng có tục thờ chó đá. Tượng chó đá đặt trên bệ thờ ở góc bên trái của sân đình. Bệ thờ xây bằng gạch, trát xi măng. Tượng chó tạc bằng đá xanh ở tư thế ngồi, hai chân sau áp sát xuống đất. Thần thái tượng chó linh hoạt, mắt nhìn xa xăm, toàn thân cao khoảng 1m.
Dân Phù Trung cũng gọi chó đá là quan Hoàng Thạch, họ chăm lo hương khói, thường xuyên như lễ Thánh trong đình và lễ Phật ở chùa. Nhân dân trong làng coi việc thờ chó đá cũng như thờ Thành hoàng là âm phù, bảo trợ cho dân khang vật thịnh, công việc làm ăn may mắn tốt lành…
Theo cụ Hà Văn Gia, cao niên làng Phù Trung, mỗi khi làng có việc, các chủ tế xướng tên vị thành hoàng làng rồi sau đó là xướng đến thần cẩu. Nhiều đời nay, vị thần cẩu này cùng với các vị thành hoàng làng được dân thờ cúng cẩn thận, không dám lơ là.
Chúng tôi ngược lên phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ), cách làng Địch Vĩ gần 8km. Nơi đây, trước và sau phủ đều thờ cúng chó đá. Theo người dân nơi đây, chó đá đã được các cụ cao niên trong làng thờ tự rất lâu rồi, với mong muốn bảo vệ phủ quận công cũng như làng xóm được yên bình.
Theo Mai Chiến/NNVN