KT3 là sổ tạm trú dài hạn ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi đăng ký thường trú. Những người dân ngoại tỉnh đang tạm trú ở Hà Nội hiểu rõ giá trị của KT3 hơn ai hết, bởi lẽ cá nhân hoặc hộ gia đình sở hữu KT3 có đủ điều kiện được sinh hoạt và hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như một công dân thường trú nơi họ sinh sống.
|
Khách đưa tiền đặt cọc cho "cò" để làm sổ KT3. (Ảnh: Nhóm PV) |
Mức lệ phí cấp mới sổ tạm trú khá dễ chịu, không quá 20.000 đồng/lần cấp. Nhưng con số này đã bị nhân lên gấp 100 lần tại "chợ đen”. Dĩ nhiên tiền nào của nấy, khách hàng lựa chọn dịch vụ này sẽ được xác nhận tạm trú sau khi khai báo những thông tin cá nhân trước… các đối tượng “cò” trong khoảng thời gian siêu ngắn: Sáng nộp tiền, chiều cầm sổ. Chỉ cần đặt cọc tiền, để lại 2 ảnh và tờ giấy chứng minh thư photo, mọi thứ sẽ được “cò” lo chu đáo!
Theo thông tin PV báo điện tử Người đưa tin thu thập được, “đường dây” làm giấy tờ nhanh tại bãi gửi xe tòa nhà B4 đường Phạm Ngọc Thạch (Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa bị một cơ quan chức năng nào phát hiện và xử lý. Đáng lưu ý, mọi giao dịch ở đây đều được thực hiện qua hình thức… miệng. “Không cần giấy tờ gì cả, mình làm rất uy tín” – đặt trong bối cảnh lòng tin là thứ mỏng manh, dễ vỡ nhất hiện nay, lời đảm bảo của “cò” dễ khiến người nghe sinh nghi và cảm thấy bất an khi đưa tiền cho người lạ.
Tuy nhiên vì muốn rút ngắn thời gian làm thủ tục, nhiều người đã đặt niềm tin nơi “cò”, dù bản thân không dám chắc giấy tờ được mua ở “khu chợ” này hay thậm chí người làm giấy tờ cho họ là thật hay giả.
Việc phóng viên dễ dàng nhận được một cuốn sổ tạm trú ghi rõ thông tin của mình, có dấu đỏ, chữ ký tươi của một vị Phó công an xã, với ngày cấp lùi hơn 1 tháng so với thời điểm cầm sổ trên tay là trái với những quy định về đăng ký tạm trú trong Luật Cư trú. Nó còn cho thấy sự buông lỏng, gian dối ở một khâu nào đó trong quy trình cấp, phát sổ tạm trú.
Trong câu chuyện này, những đối tượng kinh doanh sổ tạm trú rõ ràng là những nhà ảo thuật đại tài. Họ chẳng những “thiết kế” được sổ trong thời gian siêu ngắn mà còn có khả năng kéo lùi thời gian được cấp sổ của khách hàng về quá khứ; dẫu địa chỉ được xác nhận trên sổ là một mảnh đất lạ hoắc lạ huơ mà khách hàng chưa từng đi qua hay thậm chí, xác định được vị trí chính xác trên Google Maps.
Đây rõ ràng là hành vi gian dối, lừa đảo chính quyền, cơ quan chức năng để trục lợi từ những người lười biếng, không tuân thủ các bước nộp hồ sơ theo đúng quy định. Song, vẫn còn những nút thắt giúp những đối tượng xấu vẫn nhởn nhơ nằm ngoài vòng pháp luật. Chẳng hạn như chữ ký trong hợp đồng thuê nhà và phiếu khai báo tạm trú không phải của chủ hộ, vị phó công an cấp sổ cho người không tạm trú trên địa bàn thì khẳng định mình làm đúng quy trình, với đầy đủ hồ sơ tiếp nhận từ công an viên…
Không biết do “cò” gan to tày trời, dám giả mạo được chữ ký, dấu đỏ của cơ quan chức năng hay do con sâu nào đang nhảy múa trong nồi canh, sử dụng dấu của công an để đút tiền vào túi riêng.
Chỉ biết rằng ở một nơi nào đó trong thành phố này, những quyển sổ tạm trú còn thơm màu mực mới đã, đang và sẽ được “sản xuất”, đem đến cho bao người cơ hội tìm được nơi để “tạm trú”, để mua nhà, để xin học cho con… dù bản thân và gia đình họ không sống ở nơi ấy một khắc nào!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo Trương Chi/Người Đưa Tin