Ổ dịch Kim Liên: Lây nhiễm cộng đồng, trách nhiệm của ai?

Google News

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương phê bình lần thứ hai đối với Bí thư, Chủ tịch huyện Kim Thành do lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát cơ sở, dẫn đến không phát hiện được ca nhiễm, để xã Kim Liên trở thành ổ dịch lớn.

Ổ dịch tại xã Kim Liên (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) là ổ dịch mới. Ngày 19/2, ghi nhận ca nhiễm đầu tiên là bệnh nhân L.V.C. (BN 2352). Ca nhiễm này có liên quan đến BN 2332 (thị xã Kinh Môn). Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 ngày, thêm 6 ca nhiễm liên quan ổ dịch này. Đến nay, ổ dịch này ghi nhận 10 ca nhiễm. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương đã yêu cầu huyện Kim Thành phong tỏa ngay 4 thôn của xã Kim Liên để khoanh vùng và xét nghiệm toàn bộ dân cư.
Việc để xã Kim Liên trở thành ổ dịch lớn khiến dư luận cho rằng do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo huyện Kim Thành chưa sâu sát cơ sở, dẫn đến không phát hiện được ca nhiễm, đồng thời đặt ra trách nhiệm của người đứng đầu liên quan ổ dịch này?
O dich Kim Lien: Lay nhiem cong dong, trach nhiem cua ai?
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng 2 lần phê bình lãnh đạo huyện Kim Thành. 
Tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương ngày 22/2, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng yêu cầu thiết lập ngay buổi họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để trực tiếp chỉ đạo về hoạt động của tổ "COVID cộng đồng".
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo huyện Kim Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu lãnh đạo huyện xem xét trách nhiệm khi để các ca bệnh trong cộng đồng chậm được phát hiện.
“Trách nhiệm thuộc về Bí thư, Chủ tịch huyện, hay trách nhiệm của dân, của tổ "COVID cộng đồng"? Đây là yếu kém trong chỉ đạo, điều hành. Xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng do giám sát chưa tốt, nếu không chấn chỉnh ngay sẽ đuổi theo dịch bệnh” - ông Thăng chất vấn.
Chủ tịch UBND huyện Kim Thành Phạm Quang Hưng thừa nhận, trước tết dịch đã xảy ra tại huyện ở quy mô nhỏ nên có tình trạng chủ quan của lãnh đạo và nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng thẳng thắn chỉ ra tình trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt, một số lãnh đạo cấp huyện còn tư tưởng chủ quan, chưa sâu sát kiểm tra xử phạt, lúng túng trong chỉ đạo, điều hành.
“Một lần nữa tôi phê bình Cẩm Giàng, từ Bí thư đến Chủ tịch thiếu sát sao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê bình lần thứ hai đối với Bí thư, Chủ tịch huyện Kim Thành do lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát cơ sở, dẫn đến không phát hiện được ca nhiễm, để xã Kim Liên trở thành ổ dịch lớn” – ông Thăng chỉ đạo và giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương kiểm tra dấu hiệu vi phạm ở những nơi chấp hành chưa tốt, đặc biệt với người đứng đầu.
Đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo huyện Kim Thành bị phê bình. Trước đó, ngày 19/2, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch COVID-19 tại huyện Kim Thành.
Quá trình kiểm tra thực tế việc chấp hành các quy định phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại thị trấn Phú Thái, các xã Cổ Dũng, Kim Đính (Kim Thành) vẫn còn nhiều hộ kinh doanh bày bán các mặt hàng không thiết yếu, sai quy định như: nội thất, quần áo, hoa, giày dép... Đặc biệt, tại khu vực chợ Giống, xã Cổ Dũng, người dân vẫn ra, vào chợ khá tự do. Nhiều người đi ra đường không có lý do thực sự cần thiết.
Ông Phạm Xuân Thăng đã phê bình nghiêm khắc ông Nguyễn Kim Diện, Bí thư Huyện ủy Kim Thành; ông Phạm Quang Hưng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành vì lãnh đạo, chỉ đạo chưa nghiêm túc trong thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đồng thời yêu cầu lãnh đạo huyện Kim Thành, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh uỷ Hải Dương đã có thông báo ý kiến phê bình lãnh đạo huyện Kim Thành.
Tại cuộc họp ngày 22/2, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Triệu Thế Hùng cũng chỉ ra một thực trạng, qua kiểm tra đã phát hiện có tình trạng huyện ngại xuống xã, xã ngại xuống thôn, thôn ngại xuống địa bàn. Do đó, cần có hình thức xử lý kỷ luật ngay đối với cán bộ lơ là chống dịch.
Hiện nay, Hải Dương đang bước vào giai đoạn quyết định để khống chế dịch COVID-19. Nói như Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: “còn 8,5 ngày sẽ là giai đoạn tổng phản công, tổng tiến công và đóng vai trò quyết định đến sự thành công của chiến dịch. Cả hệ thống chính trị cần nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chạy đua với thời gian, tận dụng tùng phút, từng giờ để chạy nhanh hơn dịch”.
Do đó, không cho phép bất kỳ sự lơ là, chủ quan đặc biệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo cấp cơ sở. Dư luận cho rằng, cùng với việc chỉ ra những sai sót của các cán bộ lãnh đạo cấp huyện cũng cần có hình thức xử lý kỷ luật, không thể chỉ có phê bình, rút kinh nghiệm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Từ vùng dịch Covid-19 đến TP.HCM phải khai báo y tế

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh