Phạm nhân làm việc ở “biệt phủ” sông Kinh Thầy: Lãnh đạo Tổng cục VIII nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - Trả lời về việc phạm nhân làm việc tại "biệt phủ" sông Kinh Thầy, lãnh đạo Tổng cục VIII cho biết do một số trại giam quá tải thì được phép đưa phạm nhân ra cơ sở sản xuất ngoài trại. 

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc "biệt phủ" sông Kinh Thầy thách thức dư luận nhiều năm qua, Kiến Thức đã phát hiện việc Trại giam Hoàng Tiến đưa khoảng 100 phạm nhân đến ở, lao động tại cơ sở sản xuất hương – một trong những công trình được cho là vi phạm Luật đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão tại thôn Cậy Sơn (xã Hoành Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).
Dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng Cục VIII – Bộ Công an) lại có Quyết định số 04/C81-C85 cho phép trại giam Hoàng Tiến tổ chức giam giữ, quản lý lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại cơ sở tư sản xuất tư nhân ngoài trại giam?
Trao đổi với PV việc phạm nhân làm việc tại "biệt phủ" sông Kinh Thầy, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng – Tổng cục trưởng -Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Bộ Công an), việc trại giam Hoàng Tiến đưa một số phạm nhân đến học tập, lao động sản xuất tại cơ sở sản xuất hương đã được Tổng cục cho phép.
Pham nhan lam viec o
Một phần khuôn viên "biệt phủ" nằm trên hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy. 
“Một số trại giam quá tải, ví dụ như một m2 mà 2 phạm nhân quá tải thì được cho phép đưa phạm nhân ra cơ sở sản xuất ngoài trại giam. Tuy nhiên, tinh thần là ra học nghề và lao động với điều kiện cơ sở ấy phải xây dựng khu giam giữ như trại giam”, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng cho hay.
Khi PV đề cập đến việc, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm – Giám thị trại giam Hoàng Tiến cho biết, hiện Tổng cục VIII khoán cho trại giam Hoàng Tiến một năm phải phải nộp một số tiền. Nếu không hoàn thành là không được thi đua nên dù cao vẫn phải phấn đấu. Bởi vậy, trại giam Hoàng Tiến có phương châm, bất biết ai thuê, mang hàng đến là làm hết, nếu đưa phạm nhân ra ngoài làm thì phải xin ý kiến Tổng cục, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng nói rằng: “ Không phải như thế mà đây thực ra là tổ chức lao động, dạy nghề ở điểm đó. Đó là việc liên doanh giữa trại giam với công ty”.
Trước đó, đại tá Nguyễn Hữu Ấm - Giám thị Trại giam Hoàng Tiến khi làm việc với Kiến Thức cho biết, việc đưa các phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Hoàng Tiến xuống làm việc tại cơ sở sản xuất hương đã được Tổng cục VIII (Bộ Công an) cho phép. Trại giam Hoàng Tiến cũng đã có hợp đồng với Công ty TNHH Phương Thúy để đưa phạm nhân xuống làm việc tại cơ sở sản xuất hương này.
Theo những văn bản và tài liệu PV được Giám thị trại giam Hoàng Tiến cho tiếp cận thể hiện, ngày 16/5/2015, Trưởng khu sản xuất tại Kinh Môn thuộc Trại giam Hoàng Tiến đã có giấy đề xuất. Ngày 25/12/2015, Trại giam Hoàng Tiến có công văn đề nghị Tổng cục VIII cho tổ chức phạm nhân lao động tại điểm lẻ ngoài trại giam.
Ngày 4/1/2016, Tổng cục VIII có Quyết định số 04/C81-C85 cho phép trại giam Hoàng Tiến tổ chức giam giữ, quản lý lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại cơ sở Phương Thúy (theo lời đại tá Ấm thì công ty Phương Thúy với Công ty Sơn Nga tuy 2 mà 1 – PV).
Đại tá Nguyễn Hữu Ấm cũng cho hay: “Trước đây, chúng tôi cho phạm nhân đi làm thuê tại toàn bộ các khu lò vôi, than dọc bến sông đó. Tuy nhiên, đến năm 2010, 2011 nhận thấy công việc đó nguy hiểm, vất vả nên chúng tôi không cho đi làm than, làm vôi thuê nữa mà cho các phạm nhân làm trong nhà xưởng. Do vậy, chúng tôi vận động các công ty, cơ sở sản xuất ai có hàng thì mang đến cho phạm nhân làm thuê hoặc ai có nhà xưởng thì chúng tôi đưa phạm nhân đi làm thuê".
Theo ông Ấm, đơn vị hiện có hơn 100 hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong đó có hợp đồng đưa phạm nhân đến làm tại cơ sở sản xuất hương, vàng mã tại cơ sở tại thôn Cậy Sơn (xã Hoành Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) - nơi tồn tại "biệt phủ" trên hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy.
Nhóm PV