Phê chuẩn Anh gia nhập CPTPP: Nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam

Google News

Ngày 8/6. Quốc hội đã thảo luận về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Ngày 8/6, tại phiên thảo luận về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc này sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong hợp tác với nước bạn.
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho biết ông đồng tình với báo cáo thẩm tra, đánh giá cao Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã làm việc với phía Anh để thương thảo, thống nhất một số nội dung quan trọng.
Phe chuan Anh gia nhap CPTPP:  Nang cao hinh anh, vi the cua Viet Nam
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM). Ảnh: QH 
 Đại biểu cho hay, Anh là thành viên của các cơ chế chính trị, an ninh ở tầm khu vực và toàn cầu, là một Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên nhóm G7, có GDP đứng thứ 6 trên thế giới, do đó, việc đồng ý để Anh sớm gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm cơ hội cho 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam, tiếp cận thị trường, góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, Anh đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam nên theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, điều này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến quyết định của Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, năm 2020, Việt Nam và Anh đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, Việt Nam xuất siêu vào thị trường Anh. Các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu ở thị trường Anh là hàng nông nghiệp, gạo, rau củ quả, thủy sản, dệt may, da giày; trong khi đó, Việt Nam chủ yếu nhập máy móc, thiết bị nên không là đối thủ cạnh tranh.
Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, sớm thông qua việc phê chuẩn sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong hợp tác với nước bạn.
Tuy nhiên, để phát huy hết những tiềm năng từ việc Anh gia nhập CPTPP, đại biểu Trần Hoàng Ngân khuyến nghị, Chính phủ cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ cần có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi xanh, thân thiện với môi trường, tăng năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa...
Phe chuan Anh gia nhap CPTPP:  Nang cao hinh anh, vi the cua Viet Nam-Hinh-2
 Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình). Ảnh: QH.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cũng đánh giá cao việc sớm trình Quốc hội về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
“Nếu Quốc hội thông qua thì chúng ta sẽ nằm trong nhóm sớm nhất đồng ý với hiệp định này cho Vương quốc Anh gia nhập CPTPP”, đại biểu nhấn mạnh.
Trước quan điểm cho rằng, việc thị trường các nước châu Âu, trong đó có Anh, là những thị trường rất khó tính, tạo ra thử thách đối với các doanh nghiệp cũng như mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng, qua các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, nhiều địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp có sự chuyển đổi về công nghệ rất nhanh sau khi có các hiệp định như EVFTA và CPTPP, từ đó góp phần làm tăng giá trị sản phẩm. Đại biểu Nguyễn Văn Thân đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa nhằm tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp tiếp tục tận dụng thời cơ, lợi thế để chuyển đổi công nghệ...
Cho ý kiến về sự cần thiết phê chuẩn, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, bên cạnh Hiệp định CPTPP, Việt Nam và Vương Quốc Anh có Hiệp định thương mại tự do UKVFTA và hiệu lực từ ngày 1/5/2022. Trong hiệp định thương mại tự do này cũng có nhiều nội dung liên quan trong nội dung của Hiệp định CPTPP.
Vì vậy, sau khi được Quốc hội phê chuẩn hiệp định này, đại biểu đề nghị đẩy mạnh việc thông tin, đặc biệt là thông tin về những điểm khác biệt giữa Hiệp định CPTPP và Hiệp định UKVFTA để doanh nghiệp biết và lựa chọn những lợi thế nhất để áp dụng trong thực tiễn.
Mai Loan