Mới đây, trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 trình Chính phủ để gửi tới kỳ họp Quốc hội sắp tới, Thanh tra Chính phủ cho biết, đã có 9 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị 4,172 tỷ đồng, trong đó, có 2 trường hợp nhận quà tặng không đúng quy định. Cụ thể, một cán bộ tại tỉnh Cao Bằng nhận tài sản là ôtô trị giá 3,7 tỷ đồng.
Dư luận đặt câu hỏi về việc “quan” Cao Bằng nhận quà có trị giá tài sản lên đến 3,7 tỷ đồng có được coi là nhận hối lộ hay không?
|
Năm 2017, UBND tỉnh Cà Mau đã trả lại 2 chiếc xe ô tô lexus do doanh nghiệp tặng. Nguồn Vietnamnet. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trường hợp cơ quan chức năng làm rõ chiếc ô tô gần 4 tỷ đồng đó đã có tổ chức, cá nhân nhận từ người dân hoặc doanh nghiệp để thực hiện một công việc theo yêu cầu của họ thì sẽ có căn cứ để xử lý hình sự về tội nhận hối lộ và xử lý người tặng chiếc xe đó về tội đưa hối lộ.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, phòng chống tham nhũng là một trong những “cuộc chiến” rất gian nan ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Từ khi Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 ra đời, sửa đổi năm 2012 (trên cơ sở thay thế Pháp lệnh phòng chống tham nhũng năm 1998), có hiệu lực thi hành thì công cuộc phòng chống tham nhũng được đẩy cao. Các quy phạm pháp luật trong việc phòng chống tham nhũng làm cơ sở để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và là căn cứ để xử lý các hành vi tham nhũng.
Hiện nay, nước ta đang áp dụng Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2018, có hiệu lực từ 1/7/2019, trong đó có một số nội dung thay đổi quan trọng như: Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
Theo đó, tài sản, thu nhập phải kê khai gồm quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong các đơn vị sự nghiêp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Phương thức kê khai gồm kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ.
Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, nhận hối lộ là một trong những hành vi tham nhũng cơ bản. Hành vi nhận hối lộ thể hiện đa dạng, biến tướng, nhiều hình thức che giấu tinh vi rất khó phát hiện và xử lý. Nhiều đối tượng đã lợi dụng truyền thống tốt đẹp của dân tộc là tặng quà nhân dịp lễ tết để thực hiện hành vi đưa hối lộ. Bởi vậy, trước đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2007/NĐ-CP để quy định về nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Hiện nay, quy định về vấn đề này được áp dụng theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; trong đó quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn.
Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định trên, việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Về việc nhận quà tặng, Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.
Nghị định quy định rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định. Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nhận quà tặng trái quy định và nhận hối lộ khác nhau ở chỗ: Nhận quà tặng là hành vi vi phạm quy định về nhận quà sẽ bị thu hồi và kỷ luật còn nhận hối lộ là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự.
Cụ thể, nhận quà tặng trái quy định là nhận lợi ích vật chất nhưng không có sự thỏa thuận về việc nhận lợi ích đó thì phải thực hiện yêu cầu nào đó của người tặng quà.
Còn nhận hối lộ thì có thể là nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần, có thể là nhận trực tiếp hoặc nhận qua khâu trung gian để thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hành vi nhận hối lộ làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, giảm sút uy tín của cán bộ, tổ chức, của nhà nước với nhân dân. Bởi vậy, hành vi này hết sức nguy hiểm cho xã hội do đó hình phạt cao nhất của tội nhận hối lộ có thể lên đến mức cao nhất là tử hình (Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015).
Từ đó, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong những trường hợp nhận quà mà Thanh tra Chính phủ phát hiện nêu trên cũng cần làm rõ động cơ, mục đích nhận quà?
“Việc nhận quà có gắn với một nhiệm vụ, công vụ nào đó của cán bộ, công chức hay không? động cơ, mục đích của người tặng quà là gì? Người tặng quà được hưởng lợi gì khi tặng món quà đó, động cơ nào thúc đẩy việc họ tặng món quà lớn như vậy? Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp hết sức khó khăn, mức thu nhập và đời sống của nhân dân chưa cao, số tiền gần 4 tỷ đồng là rất lớn. Vậy, động cơ nào khiến cá nhân hay doanh nghiệp lại tặng chiếc ô tô hạng sang đó cho cơ quan nhà nước, họ có mối liên hệ như thế nào?”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, trường hợp cơ quan chức năng làm rõ chiếc ô tô gần 4 tỷ đồng đó đã có tổ chức, cá nhân nhận từ người dân hoặc doanh nghiệp để thực hiện một công việc theo yêu cầu của họ thì sẽ có căn cứ để xử lý hình sự về tội nhận hối lộ và xử lý người tặng chiếc xe đó về tội đưa hối lộ.
Còn trong trường hợp không chứng minh được động cơ mục đích của việc tặng chiếc xe ô tô sang đó là vì vụ lợi (một sự thỏa thuận giữa người có chức vụ quyền hạn với người khác để thực hiện công việc theo yêu cầu của người tặng quà) thì không đủ căn cứ xử lý hình sự. Tuy nhiên, hành vi nhận quà tặng này cũng sai quy định, cần phải kỷ luật và thu hồi qua tặng giống như những vụ chiếc xe Lexus ở hậu Giang, hay chiếc xe Avalon ở Đà Nẵng thời gian gần đây.
Ngoài ra, trong trường hợp này cần làm rõ mối liên hệ giữa người tặng xe và bên nhận xe để thực hiện các giải pháp phòng ngừa và chống tham nhũng.
“Trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thì kê khai tài sản và phát hiện những trường hợp tặng tài sản, nhận quà trái quy định là một trong những căn cứ để phát hiện, xử lý tham nhũng. Bởi vậy, cần phải thực hiện triệt để, nghiêm túc tất cả các giải pháp phòng chống tham nhũng và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm thì mới kiểm soát được tình hình loại tội phạm này”, Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Hải Ninh