Clip về "robot dắt người qua đường" ở Đà Nẵng:
Cuối tháng 3 vừa qua, nhóm sinh viên gồm Nguyễn Công Tín, Võ Thành Nghĩa và Hà Kim Tùng (Sinh viên năm 3 ngành Điện tử viễn thông, thuộc lớp K18EVT, khoa Điện – Điện tử, trường ĐH Duy Tân, TP Đà Nẵng) đã tiến hành thử nghiệm thành công “Robot dắt người qua đường” mặc đồng phục áo xanh tình nguyện tại ngã 4 Phan Đăng Lưu – Lê Thanh Nghị.
|
Sản phẩm "robot dắt người qua đường" và nhóm thực hiện, sinh viên, thầy cô ĐH Duy Tân. |
Sau khi đưa vào thử nghiệm thành công, sản phẩm này đã đón nhận sự hưởng ứng tích cực từ xã hội nhằm hưởng hứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị của TP Đà Nẵng 2015”. Đây cũng là công trình khoa học kĩ thuật được sự động viên của quận đoàn Hải Châu (TP Đà Nẵng), sự quan tâm của trường ĐH Duy Tân, và sự hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất của chính quyền địa phương.
Theo đó, ý tưởng về mô hình “robot dắt người qua đường” được nung nấu trong một dịp tham gia giao thông ở TP HCM hè 2014 của bạn Nguyễn Công Tín. Tín cho biết, ý tưởng này đến với mình khá tình cờ và bất chợt. Khi đó, Tín đang đi trên vỉa hè của một con đường đông đúc TP HCM thì nhìn thấy cảnh người già, trẻ em, người khuyết tật, khách du lịch nước ngoài rất ái ngại mỗi khi băng qua đường trong dòng người đông nghẹt, tạo tâm lý miệt mỏi cho người tham gia giao thông.
|
"Tôi là robot dắt người qua đường" |
Theo nhóm sinh viên này, linh kiệt để làm nên con robot này hầu hết là sử dụng sản phẩm phế thải. Thân hình robot được bao bọc chủ yếu bằng chất liệu nhựa manocang. Phần đế làm trụ đỡ di chuyển robot là inox. Bên trong con robot điều khiển này là hệ thống chip, bộ linh kiện điều khiển để giúp robot xử lí tự động định vị điểm đến, quay đầu, báo hiệu…
Trọng lượng con robot này nặng tầm 30kg, chiều cao 1.9m, chiều rộng tối đa 40cm. Ngoài những linh kiện được nhà trường hỗ trợ, 3 bạn sinh viên đã tự bỏ tiền túi ra 7,5 triệu để mua trang thiết bị lắp ráp robot. Để hoàn thành sản phẩm này, 3 bạn sinh viên phải bỏ ra khoảng 40 ngày ròng rã vừa học, vừa thi, vừa làm sản phẩm cho kịp tiến độ. Ngoài thời gian học, trên trường về nhà khi nào rãnh rỗi là 3 bạn lại hẹn nhau tập trung lại để hoàn thiện sản phẩm.
“Cũng kỳ công và sắp xếp lịch lắm đó anh ạ! Chúng em làm trúng y mùa thi nữa. Nếu như không có sự phân bổ thời gian hợp lý, sự động viên của thầy cô, đặc biệt TS. Hà Đắc Bình (Trưởng khoa Điện – Điện tử) hỗ trợ về chuyên môn, có khi chúng em đã bỏ cuộc. Giờ xong rồi cũng cảm thấy nhẹ cả người…” – Hà Kim Tùng hồ hởi nói.
|
Sinh viên (mặc ảo đỏ) Hà Kim Tùng, Nguyễn Công Tín và Võ Thành Nghĩa (từ phải qua). |
Robot được lắp hệ thông xử lí, cảm nhận, phản ứng tự động hóa. Khi muốn robot dắt qua đường, người đi đường chỉ cần bấm nút tự động thì robot sẽ tự động di chuyển một khoản cách tương ứng. Robot sẽ dừng lại khi gặp một vật cản (lề đường) và tự động quay đầu ngược lại. Mỗi ngày robot có thể hoạt động liên tục, khoảng 70 lượt. Đây là sản phẩm đầu tay của nhóm sinh viên ĐH Duy Tân đưa vào thử nghiệm mang nhiều tính ứng dụng nhất.
Với mô hình này sau khi thử nghiệm thành công, nhóm sinh viên này tỏ ra rất hào hứng. Nói về những ước mơ, kỳ vọng, các bạn rất khiêm tốn. “Tụi em chỉ mong đóng góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng thành phố này ngày càng văn hóa, văn minh, tuyên truyền ý thức tham gia giao thông trong người dân, nhất là giới trẻ, sinh viên. Đồng thời, muốn thử sức mình với chân trời nghiên cứu khoa học, làm những sản phẩm mang lại lợi ích cộng đồng.” – Hà Kim Tùng chia sẻ.
Bên cạnh sản phẩm này, trước đây 3 bạn sinh viên đã từng có những công trình khoa học kỹ thuật khác tiêu biểu như: “hệ thống cảnh báo sạt lở đất”, “ máy đo nồng độ cồn”, “điều khiển ti vi bằng cử chỉ”,…
Nói về những dự định trong tương lai, 3 chàng trai này cũng không ngần ngại bật mí về những ý tưởng ấp ủ sau khi thử nghiệm thành công “robot dắt người qua đường”. Các bạn muốn có thời gian, kiến thức cũng như sự ủng hộ, quan tâm của xã hội để tiếp tục cho ra những con robot tử tế như “robot bồi bàn”, “robot điều dưỡng”, “robot chăm sóc bệnh nhân”,…
Hà Kiều