Với thủ đoạn này, chỉ trong thời gian ngắn, có ít nhất 19 nạn nhân trong cả nước đã dính bẫy lừa đảo, với số tiền chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng.
Ngày 10-1, Thiếu tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Hà Tĩnh xác nhận, Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ 3 đối tượng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Cán bộ điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh làm việc với các đối tượng trong đường dây lừa đảo. |
Danh tính các đối tượng lừa đảo được xác định gồm Sylvester Zazy Nlemonwu (SN 1983), Quốc tịch Nigeria, hiện trú tại căn hộ A18-12, chung cư 12 View Tín Phong, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh; Đinh Thị Thu Thủy (26 tuổi); trú tại xóm Tiên Hội, xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định và Lê Thị Mai Trâm (SN 1994), trú tại số 44/11E, đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Giả mạo đại gia nước ngoài để lừa đảo các cô gái Việt
Trước đó, vào trung tuần tháng 12-2017, Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận được đơn trình báo của chị Nguyễn Thị M. (45 tuổi), trú tại Thị xã Kỳ Anh, tố giác về việc chị bị một tài khoản facebook kết bạn, lừa đảo rồi chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng.
Cụ thể, đầu tháng 11-2017, tài khoản facebook cá nhân của chị M. được một tài khoản mang tên "John Kenneth" chủ động kết bạn nên chị đã chấp nhận. Thời gian sau đó, hai người đã nói chuyện qua lại để làm quen, người kia tự giới thiệu là Việt kiều ở Australia, hiện đang muốn tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam để gửi tiền về tham gia kinh doanh vào lĩnh vực bất động sản.
Sau khoảng 10 ngày nhắn tin qua lại, John Kenneth ngỏ ý muốn gửi tặng chị M. món quà để làm quen, đồng thời không quên chụp hình và gửi cho chị M. biết giá trị của những món quà đắt tiền mà chị này sẽ được gửi tặng. Ít ngày sau đó, chị M. nhận được thông báo quà đã được gửi đi, khoảng 5 - 7 ngày sau sẽ về đến Hà Tĩnh.
Đến ngày 4-12-2017, chị Nguyễn Thị M. nhận được cuộc gọi của một người phụ nữ, tự xưng là nhân viên Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất. Người này thông báo với chị Q. có một kiện hàng được gửi từ nước ngoài về, trong đó, có nhiều đồ vật có giá trị và một lượng tiền mặt lớn. Tuy nhiên, để nhận được hàng, chị Q. phải nộp một khoản tiền về chi phí vận chuyển và thuế Hải quan qua tài khoản ngân hàng.
Tưởng thật, chị M. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của người này.
Tuy nhiên, số tiền yêu cầu chuyển lần sau luôn nhiều hơn lần trước, và trong thời gian 20 ngày, chị M. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của người lạ, với số tiền lên đến 1,230 tỷ đồng.
Chờ mãi vẫn không thấy quà chuyển về, đến lúc người tự xưng nhân viên hải quan tiếp tục gọi điện yêu cầu chị M. chuyển thêm tiền thì chị này mới sực tỉnh, biết mình bị lừa nên tới cơ quan chức năng trình báo.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã cử trinh sát có kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm liên quan đến lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, nhanh chóng vào cuộc để điều tra, xác minh.
Theo Thiếu tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Hà Tĩnh, thì cái khó lớn nhất việc lần tìm ra chân tướng của thủ phạm trong vụ việc này là tất cả các hoạt động của đối tượng cũng như phương thức, thủ đoạn đều được thực hiện qua thế giới ảo. Nạn nhân hoàn toàn không hề biết bất cứ một thông tin gì liên quan đến thủ phạm.
Với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm sớm đưa kẻ giấu mặt ra trước ánh sáng, các trinh sát được giao nhiệm vụ đã lần tìm dấu vết của đối tượng, manh mối duy nhất chỉ bắt đầu từ nickname trên mạng xã hội facebook "John Kenneth", ngoài ra không có thêm bất cứ thông tin nào khác.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã phát hiện ra một ổ nhóm tội phạm bao gồm có người nước ngoài, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và người Việt Nam ở trong nước, cấu kết với nhau lợi dụng mạng xã hội, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.
Thủ đoạn của ổ nhóm tội phạm này hoạt động rất tinh vi và có tính chuyên nghiệp cao, mọi hành vi lừa đảo đều diễn ra trong thế giới ảo, sau khi chiếm đoạt được số tiền lớn của các nạn nhân, chúng đã xóa sạch dấu vết và cao chạy xa bay, không để lại bất cứ manh mối nào.
Về phía người bị hại, cũng không có ràng buộc và nhận diện nào về người đã chiếm đoạt tài sản của mình để cung cấp cho cơ quan công an, không biết được đối tượng là ai, ở đâu. Điều tra ban đầu cho thấy, số tiền bị chiếm đoạt đều được chuyển vào các tài khoản ở nước ngoài.
Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện có rất nhiều cô gái trẻ nhẹ dạ cả tin đã trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng này. Không chỉ trên địa bàn Hà Tĩnh mà ở nhiều địa phương trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Kon Tum, Đồng Nai…
Sau một thời gian củng cố hồ sơ, ngày 3-1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành bắt giữ thành công 3 đối tượng Sylvester Zazy Nlemonwu, Đinh Thị Thu Thủy và Lê Thị Mai Trâm, là những đối tượng liên quan đến vụ án, khi chúng đang có mặt tại TP Hồ Chí Minh để ăn chia chiến lợi phẩm khi vừa chiếm đoạt được của một nạn nhân.
Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, để con mồi đễ dàng sập bẫy, chúng đã liên kết, phân công nhiệm vụ rất rõ ràng với nhau để phối hợp trong việc lừa đảo.
Theo đó, Sylvester Zazy Nlemonwu đóng vai trò là Việt kiều thành đạt, hoặc các nhà đầu tư mang Quốc tịch Mỹ, Anh, Đức… lập ra các mickname khác nhau để gửi kết bạn với các cô gái nhẹ dạ, cả tin trên khắp cả nước.
Sau đó, Sylvester Zazy Nlemonwu tán tỉnh, giả vờ muốn kết hôn với các cô gái Việt Nam để về nước tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau khi tạo được lòng tin từ các cô gái, các đối tượng này cho biết sẽ gửi những món quà tặng đắt tiền để làm quen, đồng thời không quên gửi hình ảnh về các món quà là trang sức, mỹ phẩm hàng hiệu, điện thoại đắt tiền rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để gửi quà.
Khi có được thông tin cá nhân, khoảng 5 - 7 ngày sau, Đinh Thị Thu Thủy và Lê Thị Mai Trâm sẽ đóng giả là nhân viên Hải quan hoặc nhân viên vận chuyển hàng hóa sân bay gọi điện cho người bị hại yêu cầu đóng tiền thuế, "tiền phạt", "tiền làm luật" vì đã gửi tiền ngoại tệ trong hàng với số lượng lớn để nhận quà vào tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp.
Với thủ đoạn này, chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhóm đối tượng này đã gây ra 19 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng chục nạn nhân với số tiền lên đến 9 tỷ đồng. Hiện, vụ án đang được các đơn vị nghiệp vụ của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp để mở rộng điều tra.
Theo Thiếu tá Nguyễn Phi Hải, thủ đoạn của nhóm tội phạm này thực ra không hề mới, bởi trước đó tại nhiều địa phương trong cả nước, đã có nhiều người trở thành nạn nhân của chiêu trò này.
Đơn cử như trường hợp của chị Đặng Thị M. (50 tuổi), trú tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Bị vỡ nợ do chơi phường hụi, sau khi trốn sang Malaysia, đối tượng Trần Thị Bích Tuyền (36 tuổi, trú tại ấp Bình Ninh, xã Bình Phú, Gò Công Tây, Tiền Giang) đã giả mạo tài khoản facebook là "Patrick Paul", tự xưng quân nhân Mỹ đóng tại Afghanistan, được cơ quan an ninh Mỹ cho 1,2 triệu USD và nhờ chị nhận hộ tại Việt Nam để tránh thuế, đồng thời mong muốn sử dụng số tiền này để kết hôn với chị. Với thủ đoạn tương tự như nhóm đối tượng trên, Trần Thị Bích Tuyền đã chiếm đoạt của chị M.số tiền 2,2 tỷ đồng.
Cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, hiện nay Hà Tĩnh là một trong những tỉnh xảy ra tình trạng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, cùng với việc kêu gọi những ai là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này đến khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo người dân cần nâng cao lời không nhẹ dạ cả tin để sập bẫy chiêu lừa đảo có tổ chức của tội phạm công nghệ cao…
Theo Cảnh sát toàn cầu