Sóc Trăng chi cả tỷ lắp camera nhà lãnh đạo và những “lùm xùm“

Google News

(Kiến Thức) - Trước vụ việc chi cả tỷ đồng lắp camera tại nhà lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, địa phương này cũng từng vướng vào nhiều "lùm xùm"gây xôn xao dư luận.

Việc tỉnh Sóc Trăng chi gần 1 tỷ đồng từ ngân sách lắp camera an ninh cho nhà riêng các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khiến dư luận xôn xao những ngày qua.
Tỉnh đã nhận sai, thu hồi quyết định và tiền về ngân sách nhưng cũng chưa thể làm dịu bức xúc của dư luận. Bởi ai cũng nhìn thấy nếu sự việc không bị phát hiện, báo chí không phản ánh thì hơn 10 người trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ nghiễm nhiên hưởng những đặc quyền, đặc lợi từ ngân sách của Đảng, của Nhà nước. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan kiểm tra Đảng vào cuộc làm rõ trách nhiệm.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng nói: "Không thể thu hồi quyết định, thu hồi tiền là xong.”
Trước đó, Phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum đã ký quyết định về việc cấp kinh phí lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của các cán bộ trong Ban Thường vụ theo tờ trình của Văn phòng Tỉnh ủy. Kinh phí thực hiện dự án gần 982 triệu đồng được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách đảng cho Văn phòng Tỉnh ủy.
Theo ông Sum, dự toán kinh phí của việc lắp camera là gần 1 tỷ đồng vì ngoài camera còn có màn hình, đầu thu... Tất cả đều được thẩm định giá.
Trước vụ việc lắp camera tại nhà các cán bộ nói trên, tỉnh Sóc Trăng cũng vướng vào nhiều vụ lùm xùm khiến dư luận bàn tán.
Soc Trang chi ca ty lap camera nha lanh dao va nhung “lum xum“
Camera lắp đặt trước nhà của một cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân.  
Tháng 7/2019, dư luận liên tục xôn xao về thông tin hạ điểm chuẩn nghi để con Phó Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng đỗ vào lớp 10. 
Cụ thể, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết so với kế hoạch được duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 của trường này tăng 28 học sinh. Trong số này có con gái của ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng trả lời với Tuổi trẻ rằng không hề biết trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Hoàng Diệu có con của ông Ngô Hùng.
"Hội đồng làm việc khách quan. Thấy nhiều em thi điểm cao mà không vào được Trường Hoàng Diệu thì tiếc quá nên hội đồng mới đề xuất hạ điểm" -bà Hà nói.
Trong năm 2018, trường THPT Hoàng Diệu cũng vướng vào bê bối khác khi Thanh tra tỉnh Sóc Trăng công bố kết luận thanh tra tại trường này và kiến nghị xử lý sai phạm tài chính.
Trong giai đoạn 2015-2017, hiệu trưởng Phạm Ngọc Phụng chịu trách nhiệm quản lý tài chính đã để xảy ra vi phạm trên 1,2 tỷ đồng, trong đó có duyệt chi sai gần 530 triệu đồng.
Ngoài ra, Phó hiệu trưởng Quách Tố San chịu trách nhiệm tham mưu nguồn tiền văn nghệ mừng xuân trên 140 triệu đồng và nguyên Phó hiệu trưởng Trần Công Lý chịu trách nhiệm về việc tham mưu vi phạm trong dạy tăng cường, nguồn dạy thêm học thêm gần 540 triệu đồng.
Soc Trang chi ca ty lap camera nha lanh dao va nhung “lum xum“-Hinh-2
Trường THPT Hoàng Diệu, nơi hạ điểm chuẩn để lấy thêm học sinh đỗ vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, trong đó có con của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.
Tháng 6/2019, công an lật tẩy cả đường dây sản xuất xăng giả tinh vi liên quan đến đại gia Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng – tỉnh Sóc Trăng). Hàng triệu lít xăng giả, kém chất lượng của đại gia này được sản xuất rồi bán ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước suốt một thời gian dài.
Trong vụ việc liên quan đến Trịnh Sướng, nhiều quan chức tại tỉnh Sóc Trăng được cho có ít nhiều liên quan. Năm 2017, ông Trịnh Sướng cho gia đình ông Nguyễn Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng mượn tiền. Thời điểm này, ông Trung đang kiêm nhiệm chức Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng cho rằng ông Trịnh Sướng là bà con bên vợ của ông Trung. Khi phát hiện vụ việc, Sở này đã kiểm điểm rút kinh nghiệm cá nhân ông Trung.
Theo ông Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Văn Sum - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh này từng làm trưởng đoàn đưa các cán bộ hưu trí đi Nhật tham quan, du lịch. Kinh phí chuyến đi do chính Trịnh Sướng tài trợ.
"Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành từng đi nước ngoài cùng ông Trịnh Sướng, đây là chuyến đi học tập dành cho các cán bộ về hưu do doanh nghiệp đài thọ.
Khi doanh nghiệp ngỏ ý, lãnh đạo tỉnh cũng thành lập đoàn, chủ yếu là cán bộ hưu trí và phân công Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn" - ông Hiểu nói.
Liên quan đến vụ việc, ông Huỳnh Văn Sum cho biết bản thân đi nước ngoài với tư cách cá nhân. Ông có xin phép chi bộ đến Đảng ủy, toàn bộ chi phí cho chuyến đi do bản thân ông chi trả, có phiếu thu của công ty lữ hành, hoàn toàn không liên quan đến Trịnh Sướng. Mặt khác, mọi trình tự, thủ tục của chuyến đi của ông Sum đều được thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định. Còn việc chuyến đi du lịch của ông lại trùng khớp với chuyến du lịch của một nhóm cán bộ hưu trí do ông Trịnh Sướng tài trợ thì đó là trùng hợp ngẫu nhiên.
Soc Trang chi ca ty lap camera nha lanh dao va nhung “lum xum“-Hinh-3
Ông Huỳnh Văn Sum (thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm tại Nhật Bản, trong đó có Trịnh Sướng (thứ 5 từ phải qua).  
Vào tháng 4/2019, tỉnh Sóc Trăng cũng vướng vào lùm xùm về chuyến đi Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) của cán bộ quản lý các trường THPT trực thuộc ngành giáo dục tỉnh này, xuất phát từ việc Phó Giám đốc sở GD-ĐT Sóc Trăng cùng trên 30 hiệu trưởng xuống tàu cao tốc đi Côn Đảo vào sáng 29/3.
Cụ thể, lịch công tác của các trường có nội dung: “Hiệu trưởng dự hội nghị tại Côn Đảo, thời gian 2 ngày (29-30/3)”. Lịch công tác của sở GD&ĐT Sóc Trăng ngày 29/3 ghi: “PGĐ Châu Tuấn Hồng, PGĐ Nguyễn Việt Mười dự hội nghị tại huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu đến hết ngày 30/3”.
Sau đó, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng đa có tường trình rằng, lãnh đạo sở này nhận thấy việc tổ chức đoàn đi Côn Đảo là chưa đúng yêu cầu theo nội dung hội thảo “Nâng cao năng lực cán bộ quản lý trường THPT đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay”, mà chủ yếu mang tính chất giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Mặt khác, bản thân Giám đốc sở sẽ nhận trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bộ GD&ĐT do chưa kiểm tra sâu sát và nhận trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND tỉnh do chưa kịp thời báo cáo và xin ý kiến trong việc tổ chức chuyến đi. "Bản thân sẽ kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo cũng như tham mưu với UBND tỉnh, để quyết định đối với những chuyến công tác phù hợp trong thời gian tới” - tường trình nêu rõ.
Soc Trang chi ca ty lap camera nha lanh dao va nhung “lum xum“-Hinh-4
 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng.
Giữa năm 2018, một vụ việc khác cũng liên quan đến Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng được dư luận quan tâm: Phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng yêu cầu Trường Tiểu học Hùng Vương tiếp tục tái ký hợp đồng với doanh nghiệp Ẩm thực 36 dù phụ huynh của trường này đã có ý kiến phản đối do đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh không đảm bảo chất lượng.
Ông Lâm Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương cho biết: “Trường đủ năng lực tự nấu ăn và đủ thời gian xây dựng kế hoạch tổ chức đấu thầu công khai nhưng không được chấp thuận. Trong khi đó, doanh nghiệp Ẩm thực 36 cung cấp phần ăn cho học sinh, nhưng tự nấu ở nhà rồi mang vào, nhà trường và phụ huynh không quản lý được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Để có ý kiến từ lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng, PV đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với bà Dương Thị Ngọc Diễm, Trưởng phòng nhưng không có tín hiệu liên lạc. Đến cơ quan thì được một người ở đây cho biết “Trưởng phòng đi công tác”.
Soc Trang chi ca ty lap camera nha lanh dao va nhung “lum xum“-Hinh-5
Trường Tiểu học Hùng Vương (TP Sóc Trăng) - nơi được Phòng GD-ĐT chỉ đạo tái ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp suất ăn. 
Năm 2017, Theo Kết luận Thanh tra Nhà nước, kế toán trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng đã nghiên cứu và vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính chưa tốt nên việc tham mưu cho lãnh đạo chưa đúng quy định. Hiệu trưởng thiếu kiểm tra, giám sát trong việc quản lý tài chính dẫn tới nhiều sai sót.
Theo đó, với vai trò là chủ đầu tư dự án xây dựng công trình giảng đường và phòng học giai đoạn 2014-2015 nhưng lãnh đạo trường này thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình điều hành, quản lý dự án. Các đơn vị tư vấn, nhà thầu, thi công thực hiện chưa tốt vai trò, trách nhiệm, lập dự toán thừa khối lượng, thi công thiếu khối lượng, nghiệm thu cao hơn thực tế dẫn tới tổng sai phạm hơn 6,1 tỷ đồng.
Trước những vụ việc vừa qua diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng, dư luận đang đặt ra dấu hỏi lớn về công tác quản lý tại tỉnh này.
>>> Xem thêm: Sóc Trăng: Gần 1 tỷ đồng lắp camera cho cán bộ

Nguồn: VTC.

Quý An (TH)