Sớm đưa luật vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội

Google News

Các đại biểu đề nghị cần nhanh chóng, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành 51 nội dung của các lĩnh vực: xây dựng pháp luật; giám sát tối cao; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trao đổi bên hành lang Quốc hội với PV Tri thức và Cuộc sống, các đại biểu đều khẳng định ý nghĩa quan trọng của Kỳ họp này và đề nghị nhanh chóng, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết được thông qua vào cuộc sống.
Tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” giải phóng nguồn lực
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đánh giá, Kỳ họp thứ 8 có rất nhiều các dự án luật đã được các cơ quan chuẩn bị hết sức tích cực, khẩn trương, công phu, các dự án mà Chính phủ trình cũng như ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền cũng rất kịp thời. Do vậy, việc thông qua các hoạt động về lập pháp đã kết thúc đúng như kế hoạch đề ra. Cùng với đó, tại kỳ họp thứ 8, ngoài vấn đề lập pháp ra cũng có rất nhiều các nội dung liên quan đến quá trình giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.
“Tôi rất ấn tượng về chất lượng tại kỳ họp này. Nhiều dự án luật có tính chất phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng cũng đã được Quốc hội xem xét một cách thấu đáo, tập trung tháo gỡ nhiều vướng mắc được đề cập, đó là điểm nghẽn về mặt thể chế, “điểm nghẽn của điểm nghẽn” như Tổng Bí thư cũng đã từng đề cập”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu ý kiến.
Som dua luat vao cuoc song, thuc day phat trien kinh te, xa hoi
 Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trao đổi với PV về đánh giá về kỳ họp. Ảnh: Mai Loan.
Theo đại biểu, việc tháo gỡ điểm nghẽn để giải phóng nguồn lực ở một thời điểm nhất định là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ là thí điểm và giải quyết ở thời điểm này. Điểm nghẽn do hệ thống pháp luật cần phải sửa luật để mang tính dài hạn hơn.
Thời điểm này cũng là một trong những năm cuối để chuẩn bị cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng sắp tới. Vì vậy, việc tháo gỡ về mặt thể chế, nghị quyết, đặc biệt là những điều khoản dẫn đến việc khó thực thi trong pháp luật là cần thiết và Quốc hội cũng đã thông qua nhiều nội dung này ở kỳ họp này. Đây cũng là cách làm mới và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không hẳn chỉ là Quốc hội mà có thể từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho đến Quốc hội và đặc biệt là việc trình của Chính phủ thì cần phải kỹ lưỡng hơn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, kỳ họp này thông qua rất nhiều luật và cho ý kiến nhiều luật. Có ý kiến là một luật sửa 7 luật, một luật sửa 4 luật mà mới gửi hồ sơ nên các đại biểu Quốc hội lúng túng trong chuyện nghiên cứu để tham gia thảo luận. Bởi vậy, có những dự luật là đại biểu đăng ký phát biểu rất nhiều nhưng có những luật là đại biểu đăng ký rất ít.”
Som dua luat vao cuoc song, thuc day phat trien kinh te, xa hoi-Hinh-2
 Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá Kỳ họp thứ 8 rất tích cực và quyết liệt. Ảnh: Mai Loan.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá cao tinh thần của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp này. Tại hội trường, với năng lực và sự hiểu biết của mình các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho những vấn đề quan trọng của đất nước... Bên hành lang Quốc hội cũng rất tích cực thông qua cơ quan báo chí giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm.
“Tôi cho rằng đánh giá rất cao tại kỳ họp này, ngoài điều hành của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội thì trách nhiệm Thường vụ Quốc hội họp liên tục, thậm chí ngày nghỉ giữa kỳ cũng họp liên tục, chương trình bổ sung rất nhiều nhưng thời gian họp lại không thay đổi nên tôi đánh giá đây là kỳ họp rất tích cực và quyết liệt,” Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Đề nghị bảo đảm đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho hay, điểm nhấn đáng chú ý tại Kỳ họp này là công tác lập pháp. Quốc hội đã thông qua 18 Luật, 04 Nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Có thể nói, đây là kỳ họp có số lượng nội dung cần cho ý kiến và thông qua nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.
Som dua luat vao cuoc song, thuc day phat trien kinh te, xa hoi-Hinh-3
 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nghĩa Đức.
Số lượng luật lớn, nhưng công tác chuẩn bị đã được thực hiện kỹ lưỡng và tương đối đảm bảo chất lượng. Hồ sơ các dự án luật cơ bản được Chính phủ trình đầy đủ, có căn cứ lý luận và thực tiễn, Cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị các dự thảo văn bản hướng dẫn luật kèm theo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra nghiêm túc, sâu sắc, chỉ ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu kỹ, đánh giá sâu tác động. Các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận đóng góp, phản biện nhiều ý kiến với trách nhiệm cao, nhất là với 18 Luật được thông qua tại Kỳ họp này.
Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết, được cử tri và Nhân dân cả nước rất quan tâm. Đại biểu quan tâm tới Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật Địa chất và Khoáng sản là các dự án luật có tác động nhiều đến địa bàn tỉnh Quảng Ninh được cử tri và nhân dân quan tâm.
Tham gia ý kiến vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu đã kiến nghị cần có biện pháp, cơ chế xử lý những bất cập trong quy định về người đại diện, tổ chức được giao quản lý sử dụng di tích có địa bàn phân bố từ 2 tỉnh trở lên; đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền quyết định giao mặt nước, khu vực biển tại di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt; quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...
Tham gia ý kiến vào Luật Địa chất và Khoáng sản, các ĐBQH đoàn Quảng Ninh nghiên cứu sâu, phát biểu, tham gia tại Kỳ họp thứ 7, 8 và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Cá nhân tôi quan tâm tới quy định, quản lý, phân loại khoáng sản đi kèm, các loại khoáng sản thông thường (như đất, đá trong khai thác than); phân nhóm khoáng sản, quy trình, thủ tục xử lý và đổ thải; quy định điều chỉnh kết quả thăm dò khoáng sản; đề án Cải tạo phục hồi môi trường tích hợp trong Đề án đóng cửa mỏ; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với việc công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng nhóm III…
Những ý kiến, nội dung tham gia của đại biểu và nhiều ĐBQH đã được Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi lần này.
“Ngay sau kỳ họp Quốc hội, tôi đề nghị UBTVQH sẽ sớm tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền về các Luật được thông qua; đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành các văn bản dưới luật được Quốc hội giao; Chính quyền địa phương cần chủ động rà soát, đề xuất, xây dựng tiêu chí, ban hành Nghị quyết thực hiện thuộc thẩm quyền của cấp mình”, đại biểu nói.
Đại biểu Thu Hà cho hay, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng có kế hoạch tổ chức Hội nghị nhằm quán triệt sâu và làm rõ hơn về những điểm mới của các Luật, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương, cử tri và Nhân dân nắm trách nhiệm được giao, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV:


Mai Loan