18h ngày 29/12, dãy trọ nơi có nhiều công nhân khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc) vắng bóng người, phần vì trời lạnh và mưa lất phất, phần vì công nhân vẫn đang cố ngủ cho đủ giấc sau những giờ tăng ca đêm mệt mỏi.
"Công nhân làm ca ngày thì phải 8 giờ tối mới về còn ca đêm thì chúng nó ngủ 7 giờ tối mới dậy. Giáp tết nên chúng nó tăng ca nhiều chứ bình thường 5 giờ chiều công nhân tan ca là khu này đông đúc nhộn nhịp lắm”, bà bán hàng tạp hóa ở đầu ngõ nói.
|
18h, dãy trọ công nhân vắng tanh không một bóng người.
|
Chị Phạm Thanh Khiết (sinh năm 1992, quê ở Tuyên Quang, công nhân công ty Bhflex tại khu công nghiệp Khai Quang) là vị khách duy nhất của quán tạp hóa thời điểm này.
Trong căn phòng chật hẹp, đồ đạc tối giản nhất, chị Khiết cho biết: “Đợt cuối năm công ty có nhiều đơn hàng nên chúng tôi phải tăng ca liên tục, làm cả thứ bảy, chủ nhật. Ngày nào cũng làm 12 tiếng xuyên đêm, ngồi mỏi nhừ cả lưng, tay thì lạnh cóng. Lúc nào tôi cũng trong tình trạng thiếu ngủ nên đi làm về là ngủ một mạch từ 9h sáng đến 7h tối mới dậy nấu cơm. Nhiều hôm ốm, sốt vì lạnh nhưng vẫn phải cố để có thêm tiền về quê sắm Tết".
May mắn hơn nhiều công nhân khác, chị Khiết thi thoảng có chồng ở bên cạnh giúp đỡ. "Chồng làm xây dựng ở Hà Nội nhưng cuối tuần nào cũng về nên cũng đỡ tủi phần nào, còn tôi mấy tháng mới được về nhà vì bận quá, nghỉ thì tiếc tiền lương. Tết dương này tôi cũng không về quê, để Tết âm về một thể, vừa thêm tiền tăng ca, vừa đỡ tốn kém!”, chị Khiết chia sẻ.
Chị Đào Thị Phượng (sinh năm 1990, quê Phú Thọ) ở cùng dãy trọ chị Khiết nhưng làm khác công ty cũng tranh thủ tăng ca dịp Tết Dương lịch này để lấy tiền về quê ăn Tết cổ truyền sắp tới.
Công ty chị Phượng có lô hàng lớn nên chị từng đăng ký làm thông ca. Chị làm thông ca một ngày từ 8h sáng hôm trước đến 8h sáng hôm sau những khi về nhà "lăn ra ốm", phải nhập viện 1 tuần. tốn mất nửa tháng lương mà lại mất 7 ngày công nữa.
|
Chồng chị Khiết được nghỉ Tết, phụ nấu cơm để chị kịp giờ tăng ca.
|
Giờ vẫn chưa khỏe hẳn nên chị Phượng chỉ cố gắng tăng ca thêm giờ. ”Cả dãy trọ hầu hết đợt gần tết này công nhân đều làm ca. Bình thường làm 8 tiếng chỉ được hưởng lương cơ bản từ 4 đến 5 triệu nhưng tăng ca đủ một tháng không nghỉ thì lương lên đến 9 - 10 triệu một tháng. Nếu làm thông ca như chị Phượng thì được lương 1 triệu một ngày nhưng không nhiều người dám làm vì sợ ốm như chị lại "lỗ".
Nguyễn Thị H. (sinh năm 1997, quê Tam Đảo, Vĩnh Phúc) là mẹ đơn thân khi mới 21 tuổi. Sinh xong H. phải để con cho bà ngoại chăm để đi làm công nhân cách nhà 30 cây số. Hằng ngày cô theo xe đưa đón công nhân đi về. Dịp Tết Dương lịch, H. tăng ca để kiếm thêm thu nhập nuôi con.
Cô gái trẻ giãi bày: “Là mẹ đơn thân nên lúc nào em cũng khao khát kiếm tiền để lo cho con cái ăn, cái mặc. Con mình đã thiếu cha nên em cố gắng để con mình không thiệt thòi thêm. Ngày nào em cũng tăng ca 3 đến 4 tiếng đồng hồ, tính cả thời gian đi lại thì mất 14 tiếng nên không có thời gian để chăm con. Thời gian đầu do thiếu bàn tay mẹ nên em bé quấy nhưng sau con cũng quen và ngoan lắm!”.
H. cho biết, khi công ty không có đơn hàng gấp thì H. nhập mỹ phẩm về để bán thêm, lấy tiền mua bỉm sữa cho con. Giáp Tết công ty nhiều việc nên H. không có thời gian để làm các việc khác nữa. Thời gian ở công ty nhiều nên về nhà H. chỉ ôm con ngủ để lấy sức đi làm tiếp.
Theo Hà Hạnh / Báo Pháp Luật