Tăng trưởng GRDP của TP HCM rơi vào nhóm thấp nhất cả nước

Google News

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, thế nhưng GRDP quý I/2023 của TP HCM lại nằm trong nhóm thấp nhất cả nước, xếp hạng 56 trên tổng số 63 địa phương.

Sáng 1/4, UBND TP HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ giải pháp quý II năm 2023.
Theo số liệu của UBND TP HCM, GRDP của Thành phố quý I/2023 ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng 2,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,07%; thuế sản phẩm tăng 1,14%.
Đáng chú ý, trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu (chiếm 60,4% GRDP), thì có tới 4/9 ngành có mức tăng trưởng âm. Cụ thể, ngành vận tải kho bãi giảm 0,63%, thông tin và truyền thông giảm 2,7%, kinh doanh bất động sản giảm 16,2%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.
Với kết quả trên, TP HCM là địa phương có mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, và nằm trong danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.
Tang truong GRDP cua TP HCM roi vao nhom thap nhat ca nuoc
 Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại phiên họp.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, năm 2021, Thành phố phải chiến đấu với đại dịch Covid-19 và vượt qua trong điều kiện ngặt nghèo. Năm 2022 là năm phục hồi, địa phương dự tính sẽ lấy lại những gì đã mất.
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, thành phố đã dự tính được năm 2023 có nhiều khó khăn, thử thách. Do đó, năm 2023, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP từ 7,5 đến 8%, thấp hơn năm ngoái.
“Nhưng sự thật chúng ta không ngờ đến là các chỉ số thấp ở mức sâu như thế. Những khó khăn đã được dự tính trước, nhưng các chỉ số giảm sâu hơn điều được dự đoán”, ông Nên nhìn nhận.
Phát biểu tại phiên họp, TS Trần Du Lịch cho rằng, sau gần 40 năm, đây là lần đầu tiên TP.HCM nằm trong nhóm tăng trưởng thấp nhất cả nước. Dù các chuyên gia đã đưa ra dự báo kém khả quan vào quý IV/2022, kết quả thực tế còn xấu hơn.
Nhìn toàn cảnh tình hình thế giới lẫn trong nước, rất không may cho kinh tế cả nước và Thành phố trong quý IV/2022 vừa chịu tác động lớn từ bên ngoài là biến động thị trường tài chính thế giới và bên trong với những bất ổn về ngân hàng, tín dụng, thị trường bất động sản. “Hai yếu tố này cộng hướng làm chúng ta cực kỳ khó khăn và Thành phố là địa bàn chịu tác động của 2 yếu tố này mạnh nhất cả nước”, ông Lịch nhìn nhận.
Tang truong GRDP cua TP HCM roi vao nhom thap nhat ca nuoc-Hinh-2
 TS. Trần Du Lịch phát biểu tại phiên họp.
Tuy nhiên, qua quý 1/2023, tình hình trong cả nước đã dễ chịu hơn, kiểm soát được lạm phát, tỷ giá và ứng phó thị trường tài chính thế giới. Phân tích nguyên nhân tăng trưởng quý I/2023 của TP HCM lại thấp như vậy, ông Trần Du Lịch cho rằng, có 3 động lực mà Chính phủ và Thành phố đã thống nhất đề ra để kéo nền kinh tế trở lại nhưng thành phố chưa làm được.
Một là giải ngân vốn đầu tư công, đây là yếu tố rất quan trọng để vực dậy nền kinh tế. Thế nhưng, TP HCM bỏ lỡ công cụ này khi quý 1/2023 chỉ giải ngân đầu tư công được 2%.
Thứ hai, về tháo gỡ điểm nghẽn thể chế cho vốn, ông Lịch đề nghị, cần khẩn trương công khai, minh bạch toàn bộ các dự án; làm rõ dự án nào làm, dự án nào không làm để tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Thứ ba, về phát triển thị trường nội địa. Theo ông, chưa bao giờ, tổng doanh thu dịch vụ và bán hàng của TP.HCM thấp hơn cả nước. Vừa qua, nếu loại trừ yếu tố giá, cả nước tăng khoảng 10,3% còn TP.HCM chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ quý I/2022, đây là việc chưa bao giờ xảy ra.
“Như vậy, cả 3 trụ cột - 3 liều thuốc để kinh tế tiếp tục phục hồi thì TP HCM vẫn chưa tận dụng được. Đây là nguyên nhân gốc khiến tăng trưởng chậm hơn so với cả nước,” ông Lịch phân tích.
>>> Mời độc giả xem thêm video TP HCM bảo tồn biệt thự cổ:

(Nguồn: VTV24)

Bình Minh