Thẩm phán vụ Nguyễn Khắc Thủy: "Tôi trong sạch"

Google News

Theo thẩm phán phụ trách phiên tòa xét xử phúc thẩm Nguyễn Khắc Thủy dâm ô, trước ông một số thẩm phán từng được dự kiến phân công làm chủ tọa phiên tòa đều có quan điểm là chứng cứ buộc tội bị cáo rất yếu.

Chiều 18/5, trả lời PV Pháp Luật TP.HCM, thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em) nói đã nhận được quyết định đình chỉ công tác xét xử để kiểm điểm. Ông cũng đã có báo cáo giải trình gửi lãnh đạo.
“Nhiều thẩm phán nhận định chứng cứ buộc tội yếu”
Theo ông Thiện, trước ông một số thẩm phán từng được dự kiến phân công làm chủ tọa phiên tòa đều có quan điểm là sau khi nghiên cứu hồ sơ thì thấy chứng cứ buộc tội bị cáo rất yếu, khó kết tội… Sau đó vụ án mới được phân công cho ông. Về phần mình, thấy vụ án phức tạp, bị cáo kêu oan ngay từ đầu nên ông Thiện đã tập trung nghiên cứu vụ án và báo cáo quan điểm lên Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
 Bị cáo Thủy tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: K.LY
Ở vụ VKS xác định bị cáo Thủy có hành vi dâm ô với cháu AD (sinh năm 2008) cuối tháng 4/2014, quan điểm ông Thiện như sau: “Vụ việc xảy ra gia đình bị hại không tố cáo đến cơ quan chức năng giải quyết ngay mà đến đầu năm 2017 mới tố cáo. Lúc cháu D. bị xâm hại là sáu tuổi, khi các điều tra viên ghi lời khai thì cháu chín tuổi... Lý do tôi nghi ngờ là cháu khai quá chi tiết, tôi xin trích nguyên văn cáo trạng và bản án sơ thẩm… Theo quan điểm của tôi, không thể nào cháu D. có trí nhớ siêu việt, nhớ từng chi tiết và nhớ nguyên văn để đến ba năm sau trình bày trước cơ quan điều tra (CQĐT) nếu không có sự chỉ dẫn, nhắc tuồng của người lớn”.
Ở vụ VKS xác định bị cáo Thủy có hành vi dâm ô với cháu HA cuối tháng 5/2014, ông Thiện đặt vấn đề: “Cháu A. thời điểm bị xâm hại khoảng 11 tuổi, cháu không kể lại cho gia đình nghe, đến cuối năm 2016, khi cháu A. cung cấp lời khai đầu tiên tại CQĐT đã sau 30 tháng. Theo tôi, rất có khả năng cháu A. và cháu N. (nhân chứng) trình bày lời khai theo hướng buộc tội ông Thủy là có sự chỉ bảo của người lớn”.
Cạnh đó, theo ông Thiện, khó có việc cháu A. bị ông Nguyễn Khắc Thủy dâm ô suốt thời gian 10-15 phút trong tình trạng đang quỳ trên giường nệm như trình bày của cháu A. và cháu N. Ngoài ra, cháu A. đang bưng tô cơm để ăn và trong tư thế quỳ trên nệm ở giường kê bên trong sát cửa sổ, ông Thủy từ bên ngoài cho tay qua cửa sổ sờ vào người thì cháu A. chắc chắn phải có phản ứng rụt người lại hoặc ngồi thụp xuống hoặc lùi lại phía sau và có thể làm rơi tô cơm và bị cáo không thể từ bên ngoài thực hiện hành vi dâm ô.
“Cá nhân tôi và các thành viên HĐXX trong sạch”
Theo ông Thiện, ý kiến đề xuất của ông là hủy án để điều tra lại do ngoài lời khai của người bị hại một cháu sáu tuổi, một cháu 11 tuổi trong khi có sự tác động của người lớn thì không có tài liệu, chứng cứ nào khác kết tội bị cáo.
Tuy nhiên, nếu hủy án để điều tra lại thì vụ án có khả năng rơi vào bế tắc do sau lần làm việc cuối cùng với CQĐT, đại diện những người bị hại có văn bản đề nghị các cơ quan tố tụng không triệu tập người bị hại và đại diện đến để làm việc hoặc xét xử. Họ không có bất cứ yêu cầu gì trong vụ án, chỉ muốn các cháu có tâm lý ổn định để tiếp tục học tập. Ngoài ra, bị cáo kêu oan, thà chết không nhận tội; không thể thu thập được thêm tài liệu, chứng cứ nào mới để có thể làm căn cứ kết tội… Sau khi thảo luận, Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh và các thành viên dự họp xét thấy có căn cứ kết tội bị cáo ở vụ cháu AD do có bốn lời khai phù hợp (dù đều là một bên) và không có căn cứ kết tội bị cáo ở vụ cháu HA.
Về lý do cho bị cáo hưởng án treo, theo ông Thiện, bị cáo là người già phạm tội, có bệnh, sức khỏe yếu, có các bệnh ảnh hưởng đến khả năng nhận thức; có nơi cư trú rõ ràng, lần đầu phạm tội, không có tình tiết tăng nặng, nhiều tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 nên đủ điều kiện cho hưởng án treo theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Lý do thứ hai là tâm lý của HĐXX. “Cá nhân tôi và các thành viên HĐXX hoàn toàn trong sạch nên đủ dũng cảm để đi đến quyết định trên. Bị cáo Thủy kêu oan, thà chết không nhận tội. Bị cáo đã có ý định tự thiêu tại phiên tòa sơ thẩm. Do vậy trong phương án bảo vệ có xe cứu hỏa túc trực đề phòng bị cáo tự thiêu. Tại phiên tòa phúc thẩm cũng vậy, có bác sĩ túc trực nhưng tôi vẫn yêu cầu công an kiểm tra nước uống của bị cáo đề phòng pha sẵn thuốc độc... Do đó, nếu kết tội bằng hình thức phạt tù, bị cáo bị đẩy đến bước đường cùng tìm đến cái chết để bảo vệ danh dự và lấy cái chết để làm áp lực cho các cơ quan trung ương vào cuộc… Rất có khả năng các cơ quan trung ương nhận thấy chứng cứ để kết tội bị cáo rất mong manh và kết luận bị cáo không phạm tội. Khi đó, HĐXX do tôi làm chủ tọa chắc chắn nhận hậu quả khủng khiếp hơn bây giờ” - ông Thiện giải trình.
Theo Trùng Khánh/ PLO