Đây là thông tin được ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh Văn Phòng Bộ GD&ĐT cho biết tại buổi cung cấp, trao đổi thông tin với các phóng viên phía Nam vào sáng ngày 29-9.
|
Ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT trao đổi thông tin với phóng viên báo chí vào sáng ngày 29-9. |
Cũng theo ông Lộc, trong tháng 10, theo quy trình về ban hàng văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư về chương trình khung giáo dục phổ thông mới. Sau đó, là một khối lượng công việc rất lớn mà Bộ GD&ĐT phải thực hiện.
Cụ thể, Vụ giáo dục trung học sẽ tổ chức chỉ đạo việc biên soạn một bộ sách giáo khoa đảm bảo công khai, minh bạch. Sau đó, Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ tổ chức thẩm định sách giáo khoa trong đó bao gồm sách giáo khoa do Bộ chỉ đạo và các bộ sách giáo khoa khác do tập thể và các cá nhân tổ chức biên soạn.
Sau khi thẩm định xong, Bộ sẽ làm hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Và phê duyệt cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia. Tiếp đến, Bộ sẽ hướng dẫn cơ sở giáo dục lựa chọn và sử dụng sách. Sau đó, ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên sư phạm, các chương trình đào tạo bồi dưỡng đi kèm và tổ chức đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Bên cạnh đó, Bộ còn phải hướng dẫn các địa phương thực hiện đề án cơ sở vật chất sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành.
“Với một khối lượng công việc như thế, sau khi ban hành thông tư về chương trình khung, Bộ sẽ báo cáo với Thủ tướng về lộ trình áp dụng chương trình sao cho phù hợp nhất. Làm sao phải đảm bảo chương trình có chất lượng, và khả thi. Và điều quan trọng, chúng ta phải đảm bảo thời hạn áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới mà quốc hội cho phép trong nghị quyết 51”, ông Lộc nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề trên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng cho biết, hiện nay các nhà chuyên môn, các ban soạn thảo chương trình đã hoàn thành việc sửa chữa, hoàn thiện chương trình theo ý kiến của hội đồng thẩm định quốc gia về chương trình giáo dục phổ thông mới.
|
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới trao đổi với báo chí. |
Theo GS Thuyết, hiện nội dung chương trình khung giáo dục phổ thông mới đã được chuyển sang các cơ quan của Bộ để ban hành thông tư và chắc chắn sẽ ban hành trong tháng 10. Trước khi ban hành thông tư, Bộ sẽ có văn bản kêu gọi các cá nhân có nguyện vọng viết sách giáo khoa đăng ký và tổ chức tập huấn cho các đơn vị, cá nhân tiến hành viết sách dựa trên nội dung chương trình đã công bố.
Ông Thuyêt cũng cho hay, hiện có một số đơn vị xuất bản có kinh nghiệm đã tiến hành biên soạn thử sách giáo khoa của một vài môn học khi Bộ GD&ĐT công bố chương trình các môn học vào tháng 1 vừa qua. Như vậy, đợi đến khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố chương trình thì họ sẽ đối chiếu, sửa chữa, hoàn thiện.
Trước câu hỏi của phóng viên, Bộ GD&ĐT chỉ đạo viết sách giáo khoa, đồng thời Bộ cũng là đơn vị tham gia phê duyệt sách giáo khoa như vậy có phải là vừa đá bóng, vừa thổi còi không?
Trả lời vấn đề này, GS Thuyết cho biết, trong nghị quyết 88 Quốc hội đã giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ. “Sở dĩ Quốc hội giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ riêng là để tránh rủi ro. Vì không có gì để đảm bảo đến khi triển khai chương trình mới thì sẽ có đủ sách cho tất cả các môn học, các cấp học. Do đó Nhà nước phải tiến hành biên soạn cùng, chủ động để tránh rủi ro”.
“Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các bộ của các Vụ đứng ra viết sách giáo khoa mà bộ tuyển chọn các cá nhân để giao nhiệm vụ viết sách giáo khoa. Mục đích đảm bảo có đầy đủ sách giao khoa khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ không trực tiếp viết do đó không có chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi”, GS Thuyết nói.
GS Thuyết chia sẻ thêm, quá trình tổ chức theo dạng đấu thầu, hoặc dựa vào các nhà xuất bản khác nhau để giao vai trò viết sách khác nhau hoặc lựa chọn các cá nhân khác nhau. Như vậy Bộ đứng ra lựa chọn các nhà chuyên môn viết sách đồng thời Bộ cũng đứng ra thành lập các hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định sách.
Bộ sách sẽ được công khai, công bằng như bộ sách của các cá nhân tổ chức khác và Hội đồng thẩm định sẽ làm công việc này một cách khách quan, công bằng. Trên cơ sở ý kiến của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng sẽ phê duyệt cho phép sử dụng sách giáo khoa.
Theo Nguyễn Quyên/PLO.VN