Dự án hợp phần kênh bắc sông Chu - nam sông Mã (thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt) do Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư với tổng dự toán hơn 4.300 tỷ, được khởi công từ năm 2011.
Tháng 3/2015, gói thầu số 22 thuộc dự án thi công qua xã Nguyệt Ấn, với chiều dài khoảng 7km. Khi thi công, do gặp đá ngầm lớn, nhà thầu phải nổ mìn.
Hậu quả, 349 nhà dân ở các thôn Minh Thạch, Liên Cơ 1, Liên Cơ 2, Liên Cơ 3, Nán, Tường, Khe Ba bị rạn nứt, hư hỏng. Thậm chí nhiều nhà có nguy cơ đổ sập, không thể ở được.
|
Hàng trăm hộ dân xã Nguyệt Ấn bị nứt nhà do nổ mìn thi công kênh |
|
Chân tường nứt toác |
Ông Nguyễn Hữu Tư (thôn Liên Cơ 1) cho biết, trong số 349 hộ dân bị ảnh hưởng, thì UBND huyện Ngọc Lặc đã đền bù trước cho 3 hộ gồm: Quách Trọng Đính 2,1 tỷ; Hà Sĩ Sơn 1,4 tỷ và Nguyễn Văn Đức 1,2 tỷ.
Người dân ở đây cho biết, việc chi trả trên có dấu hiệu bất thường. Như nhà ông Đính, nhà 1 tầng, ở trên có 1 tum bắn tôn, nhà cửa tôn. Nhưng sau khi kiểm kê đền bù lại thành nhà 2 tầng kiên cố, hệ thống cửa gỗ…
|
Nhà ông Tư bị nứt toác, không thể ở |
Không những thế, nhà quán cấp 4 cạnh gia đình ông Đính được cho là nơi an toàn, diện tích khoảng 90m2 nhưng vẫn được đền bù gần 400 triệu để làm mới.
Nhà ông Hà Sĩ Sơn, ông Nguyễn Văn Đức cũng được bồi thường với giá trị lớn bất thường.
Theo ông Tư, trong số 349 hộ nói trên có 9 hộ thuộc diện không thể ở, trong đó có gia đình ông.
“Nhà tôi xây 2 tầng kiên cố từ năm 2016 với giá hơn 600 triệu đồng. Khi đơn vị thi công nổ mìn làm kênh thì nhà bị nứt, gãy, cơ quan chức năng đánh giá không thể ở được phải di dời, xây lại. Tuy nhiên nhà tôi chỉ được hỗ trợ hơn 300 triệu, trong khi 3 nhà nói trên được hỗ trợ tiền tỷ”, ông Tư nói.
Cũng như nhà ông Tư, nhà ông Lê Đình Minh nhà 2 tầng kiên cố rộng hơn 200m2, nằm trong diện phải di dời nhưng chỉ được hỗ trợ hơn 170 triệu; nhà anh Nguyễn Văn Tứ được 97 triệu..., khiến người dân bức xúc.
Sẽ kiểm tra lại, xử lý nghiêm
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó chủ tịch UBND xã Nguyệt Ấn cho biết, còn nhiều hộ dân chưa đồng tình với phương án đền bù thiệt hại nhà ở, vật kiến trúc do ảnh hưởng từ dự án.
“Nhiều lần UBND huyện, các ngành chức năng có liên quan đã về tổ chức họp dân, kiểm tra, thông kê mức độ thiệt hại, lên phương án đền bù nhưng chưa được. Chính quyền địa phương cũng rất mong muốn sự việc này được sớm giải quyết dứt điểm để người dân ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất”, ông Đức nói.
Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc Ngô Tiến Ngọc cho biết, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện và các phòng, ban liên quan tổ chức họp dân, kiểm tra, thống kê lại những công trình của người dân bị thiệt hại để có hướng xử lý dứt điểm.
Huyện sẽ thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Những công trình nào thuộc diện không thể sửa chữa mà phải tháo dỡ thì phải tháo dỡ để người dân làm lại, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến sự an toàn tính mạng của người dân.
“Đối với 3 hộ đã nhận tiền đền bù mà người dân phản ánh thì huyện sẽ điều tra lại. Nếu phát hiện có sự sai phạm trong việc thống kê, bồi thường, sẽ xử lý dứt điểm. Cán bộ nào làm sai hay người dân nào cố tình khai báo không đúng, huyện sẽ cương quyết xử nghiêm”, ông Ngọc khẳng định.
Theo Lê Dương/Vietnamnet