Theo phản ánh của nhiều người dân thôn Khánh Thượng, xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc thì từ khi các nhà máy khai thác đá đi vào hoạt động, họ khoan nhiều giếng sâu để lấy nước cắt đá khiến cho hàng hoạt giếng của người dân xung quanh bị mất nước.
Không dám tắm vì sợ thiếu nước
Từ năm 2008 đến nay, nhiều gia đình thôn Khánh Thượng không những phải chịu cảnh bắn phá của đá do các vụ nổ mìn mà còn phải vật lộn với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Vào mùa khô, nhiều gia đình phải đi từ 1 – 3km để xin nước về uống, một số hộ dân trực tiếp đến mỏ đá xin nước sinh hoạt.
Chị Bùi Thị Dương, thôn Khánh Thượng dở khóc dở mếu kể về nỗi khổ thiếu nước: Thời gian đầu khi các nhà máy mới đi vào hoạt động, thấy lượng nước trong giếng giảm bất thường, thậm chí không đủ nước sinh hoạt, chị cùng với những hộ xung quanh vào thẳng nhà máy xin nước về dùng. Thời gian đó, giữa người dân và các nhà máy khai thác đá chưa xảy ra cãi cọ, mâu thuẫn nên phía các công ty khai thác đá chấp thuận cho người dân lấy nước sinh hoạt.
|
Một bể chứa nước lớn của Công ty Hoàng Quân ngay phía sau nhà của gia đình ông Đỗ Đinh Nhường. |
Sau vài năm hoạt động, nhiều hộ dân vì không chịu được cảnh tra tấn từ phía các công ty khai thác đá nên đã đến chính quyền địa phương báo cáo. Từ đó, các công ty khai thác đá không cho người dân lấy nước nữa. Để khắc phục khó khăn, người dân đi mua các ống dẫn nước nối với các giếng của hộ dân khác còn nước để chia nhau dùng, đồng thời xây dựng các bể chứa nước lớn để tích trữ nước vào mùa mưa.
“Lúc cao điểm, nhiều gia đình phải mua can nhựa loại lớn rồi rong xe máy đi 2km mới xin được nước về dùng. Nhiều hôm chúng tôi không dám tắm vì sợ thiếu nước ăn. Nếu tắm thì nước tắm, nước vo gạo, rửa rau sau đó cũng được tận dụng để tưới rau và cây cối trong vườn”, chị Dương cho biết.
Ông Phạm Văn Dưỡng, một hộ dân khác cùng chung nỗi khổ thiếu nước như gia đình chị Dương than thở: Giếng của gia đình ông cách mỏ đá khoảng hơn 100m. Trước khi các công ty khai thác đá hoạt động thì giếng nhà ông không có hiện tượng cạn nước. “Có thời điểm nắng hạn gay gắt nhưng giếng nước của gia đình tôi cùng những hộ dân xung quanh vẫn thoải mái nước dùng, chưa bao giờ phải xách can đi xin từng giọt nước như bây giờ”.
|
Người dân sống quanh các mỏ đá phải chắt chiu từng giọt nước |
Để tiết kiệm nước, gia đình ông Dưỡng phải để dành nước rửa rau, vo gạo vào một cái chậu lớn sau đó dùng nước đó nấu cám lợn, cho lợn ăn và rửa sân vườn... điều mà trước đây nhà ông chưa bao giờ phải làm.
Ông Dưỡng cho biết: “Vào mùa khô, tôi phải dậy từ 5h sáng đi xin nước từ để trưa đi làm về thì có nước nấu nướng, vo gạo. Còn buổi chiều khi đi làm về thì một người dọn nhà, người còn lại phải đi xin nước dùng. Nếu tắm rửa thì tùy từng ngày, có hôm thì gia đình ông đến nhà hàng xóm cách đó khoảng 1km tắm nhờ, nếu không thì xin nước về tắm. Chỉ cần xin được 1 can 10 lít nước là đủ cho một người tắm”.
|
Một số gia đình dùng can nhựa loại lớn đi xin nước dùng. |
Mỏ đá hút hết nước ngầm?
Ông Phạm Văn Dưỡng bày tỏ: “Việc Nhà nước cho các công ty đá đến đây khai thác chúng tôi không phản đối. Nhưng đổi lại, họ phải đảm bảo an toàn cho dân, không nổ mìn lung tung với khối lượng lớn bất kể giờ giấc. Phải khắc phục tình trạng đường sá xuống cấp, bụi bẩn ngập đầu. Phải đảm bảo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Thời gian gần đây, một số lái xe khi đến xưởng đá bốc hàng lúc 3 – 4 giờ sáng đã nhấn còi hơi kêu inh ỏi khắp làng, gây mất giấc ngủ của người dân, do đó, chúng tôi đề nghị chính quyền cùng các mỏ đá phải chấm dứt tình trạng này”.
Lý giải về nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, nhiều người dân thôn Khánh Thượng khẳng định: Do giếng khoan của mỏ đá sâu hơn giếng của người dân gấp nhiều lần, trong khi đó, khối lượng nước dùng tại các mỏ đá là rất lớn. Mỗi mỏ đá đều có một hồ chứa nước thải, cứ nhìn vào lượng nước chứa trong mỗi hồ thải lên đến hàng nghìn mét khối là biết lượng nước mà họ dùng để xẻ đá là nhiều đến mức nào.
Chị Bùi Thị Dương tiết lộ: “Như giếng nhà tôi chỉ sâu 20m, tất cả các hộ dân xung quanh thôn Khánh Thượng giếng sâu nhất thì cũng chỉ đạt 20 – 30m. Trong khi đó, mỗi giếng khoan của mỏ đá sâu từ 80 – 100m. Vì các nhà máy này hoạt động cần một lượng lớn nước để làm mát lưỡi cưa, trốn bụi... nên làm cho lượng nước ngầm sụt giảm, nhiều giếng cạn nước là đúng”.
|
Người dân dùng ống nhựa dẫn nước từ nơi khác về dùng. |
Để chúng tôi hình dung rõ hơn về lượng nước mà các mỏ đá phải dùng trong quá trình hoạt động, ông Đỗ Đinh Nhường phăng phăng dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, nơi có thể trông thấy một hồ thải lớn của Công ty Hoàng Quân. Hồ nước rộng cả trăm mét vuông và đang dần đầy lên do lượng nước thải ra mỗi ngày trong quá trình sản xuất. Mỗi công ty khai thác đá đều có một hồ chứa nước lớn như vậy, thế nên giếng của người dân xung quanh cạn là điều dễ hiểu.
Nhiều người dân thôn Khánh Thượng bày tỏ: Nếu muốn khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô thì chỉ có ba cách: Một là các công ty khai thác đá, chính quyền địa phương phải xây dựng hệ thống nước máy để dẫn nước sạch đến từng hộ dân, thứ hai là các công ty khai thác đá phải tạm dừng hoạt động vào mùa khô, thứ ba là các công ty đá phải tiếp tục để người dân lấy nước từ nhà máy về nhà dùng.
“Hiện chúng tôi đã báo cáo lên huyện một số sự cố liên quan đến mỏ đá Đông Tân, xã Cao Thịnh. Quan điểm của chúng tôi là không dung túng cho bên nào. Xã đã cử công an, địa chính đến thôn Khánh Thượng để kiểm tra tình hình thiệt hại, mất nước... để tiếp tục báo cáo lên huyện để tìm cách giải quyết, khắc phục”.
Ông Trịnh Ngọc Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã Cao Thịnh)
Quách Dương