TAND TP Hà Nội vừa có quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị cáo Nguyễn Huy Khang (65 tuổi, trú huyện Tân Yên, Bắc Giang) do xét thấy không cần thiết sau 13 năm bị cáo này bị bắt tạm giam.
Trước khi bị bắt tạm giam (ngày 21/2/2011), ông Khang là giám đốc Công ty phát triển công nghệ Thuận An. Ông Khang bị điều tra, truy tố, xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty TNHH Công nghiệp Trường Sinh.
|
Ông Nguyễn Đình Bang (phải) và ông Nguyễn Huy Khang tại phiên tòa sơ thẩm.
|
Vụ án được khởi tố từ năm 2010, trải qua 2 lần xét xử sơ thẩm và đều bị cấp phúc thẩm hủy án. Hiện, TAND TP Hà Nội đang thụ lý và giải quyết sơ thẩm lần 3.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, đây là vụ án hình sự phức tạp, liên quan đến nhiều bị cáo, thời gian giải quyết vụ án kéo dài, còn quan điểm khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng nên đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trong vụ án trên, về thủ tục và nội dung vụ án đều là những vấn đề đáng được quan tâm. Bởi vụ án kéo dài đến 13 năm vẫn chưa kết thúc, tạm giam bị can đến 13 năm, đó là kỷ lục chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Bên cạnh đó, căn cứ để buộc tội đối với các bị can trong vụ án này cũng là những vấn đề tranh cãi, đến nay các bị can vẫn tiếp tục kêu oan và tòa án sẽ phải thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án.
Thủ tục tố tụng hình sự Việt Nam thực hiện qua các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm nếu có). Mỗi giai đoạn tố tụng đều quy định về thẩm quyền, về thời hạn và thủ tục đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đều có những quy định về thời hạn điều tra, thời hạn truy tố, thời hạn xét xử đối với từng loại tội phạm.
Các văn bản tố tụng này không có quy định là thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, thời hạn tạm giam tới 13 năm mà chỉ quy định thời hạn điều tra, thời hạn gia hạn điều tra, thời hạn truy tố, thời hạn gia hạn truy tố, thời hạn xét xử, gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử và các thời hạn tạm giam trong quá trình tố tụng trên cho đến khi xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm. Cộng tất cả không quá 3 năm.
Tuy nhiên, có một khoảng trống pháp lý, nếu trường hợp xét xử mà tòa án phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại hoặc tòa án giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bỏ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại thì lại không có quy định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử lại này là bao lâu. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn căn cứ vào “quy định chung” về thời hạn tạm giam, thời hạn điều tra, thời hạn truy tố, thời hạn xét xử để tính lại thời hạn từ đầu, gọi là “quay vòng” tố tụng, dẫn đến tình trạng vụ án có thể kéo dài nhiều năm mà không có hồi kết.
Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can, bị cáo, không đảm bảo được nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc xác định sự thật mà Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định.
Trong vụ án trên, các cơ quan tiến hành tố tụng đang điều tra, truy tố, xét xử đối với các bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 139 BLHS 1999, nay là khoản 4, điều 174 BLHS 2015 với hình phạt cao nhất có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân nên đây thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn điều tra trong vụ án hình sự như sau: Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện Kiểm sát gia hạn điều tra.
Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn quyết định việc truy tố được quy định, trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện Kiểm sát phải ra một trong các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện Kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra một trong các quyết định quy định nêu trên, Viện Kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Thời hạn tạm giam cũng được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định đối với từng giai đoạn tố tụng nhưng theo một nguyên tắc là không không được vượt quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử kể cả thời hạn gia hạn cũng không quá 3 năm nhưng lại không có quy định cụ thể là hết thời hạn này mà không chứng minh được tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng phải tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc đình chỉ vụ án mà lại có quy định về hủy bản án để điều tra, truy tố, xét xử lại.
Khi kết thúc một quy trình tố tụng (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử) mà bản án bị hủy bỏ để điều tra lại từ đầu thì thủ tục, thời hạn thực hiện thủ tục lại tính lại từ đầu…
Đây là vấn đề tồn tại trong tố tụng hình sự Việt Nam cần phải được sửa đổi trong thời gian tới để đảm bảo nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ chứng minh tội phạm.
Pháp luật quy định trong một thời hạn nhất định cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải chứng minh tội phạm, nếu hết thời hạn đó mà không chứng minh được thì nghi phạm được coi là không phạm tội. Như thế, quy định về thời hạn trong tố tụng hình sự mới có ý nghĩa và đề cao được trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định các nguyên tắc cơ bản, trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội tại điều 13, nguyên tắc về nghĩa vụ chứng minh tại điều 15 và nguyên tắc tranh tụng tại điều 26 của Bộ luật này. Những quy định này đòi hỏi phải tuân thủ về thời hạn chứng minh, hết thời hạn chứng minh mà không chứng minh được bị can, bị cáo phạm tội thì phải tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể là cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng thời hạn để chứng minh bao nhiêu lần. Vì vậy mỗi khi bản án hình sự bị tòa án cấp trên hủy bỏ để điều tra, truy tố, xét xử lại thì “thời hạn chứng minh” lại được tính lại từ đầu, dẫn đến thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, thời hạn tạm giam lại tính lại từ đầu theo kiểu “quay vòng” mà không có hồi kết …
Thực tế đã có những vụ án kéo dài nhiều năm khiến cho bị cáo mệt mỏi, chán nản mà từ bỏ việc kêu oan, chấp nhận nhận tội để giảm thời gian chấp hành hình phạt khiến cho vụ án kết thúc trong ấm ức, không đảm bảo được mục đích mà pháp luật hình sự để ra.
Vụ án này là điển hình để chứng minh cho vấn đề bất cập trong tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay về thời hạn điều tra, thời hạn truy tố, thời hạn xét xử và thời hạn tạm giam để thực hiện các thủ tục tố tụng này.
Luật sư Cường cho rằng, cần phải quy định một thời hạn tối đa cho từng loại tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thời hạn tạm giam để thực hiện các thủ tục tố tụng này. Cần phải quy định cụ thể là kể cả trường hợp bản án của tòa án bị tòa án cấp trên hủy bỏ để điều tra, truy tố, xét xử lại, thời hạn cũng không quá một khoảng thời gian nhất định, nếu qua thời điểm đó mà không chứng minh được tội phạm, phải tuyên bố bị can, bị cáo không phạm tội, đình chỉ vụ án. Không để một vụ án hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng phải mất 13 năm để chứng minh tội phạm như vụ án này.
Việc quy định thời hạn tối đa để tạm giam, để chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự kể cả trong trường hợp điều tra truy tố xét xử lại là rất cần thiết để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đảm bảo trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong chứng minh tội phạm, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc xác định sự thật và nguyên tắc tranh tụng đã được hiến pháp và pháp luật ghi nhận.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xem video "Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga sau khi tại ngoại".
Hải Ninh