Thầy giáo ở Hà Nội nói về giáo viên "tình ngang trái" với học sinh?

Google News

Gần đây, dư luận xã hội quan tâm các vụ việc giáo viên ở Thái Bình nhắn tin “gạ tình” nữ sinh lớp 10, nữ giáo viên ở Bình Thuận bị tố giác có quan hệ với học sinh.
 

Xung quanh vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) - người thầy khá nổi tiếng đối với học sinh Hà Nội và có nhiều tiếng nói tâm huyết với ngành giáo dục.
- Từ vụ việc cô giáo ở Bình Thuận được cơ quan chức năng kết luận ban đầu là có tình cảm yêu đương, thầy nghĩ sao về trường hợp giáo viên có gia đình, nhưng có quan hệ tình cảm với học sinh tuổi vị thành niên và là học trò của mình?
- Theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT về “Đạo đức nhà giáo”, điều 4 nói về đạo đức nghề nghiệp, nhấn mạnh: Giáo viên tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo, có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học.
Nếu cơ quan chức năng kết luận có quan hệ yêu đương với học sinh như đã thông báo, có thể khẳng định cô đã vi phạm đạo đức nhà giáo. Giáo viên có đủ nhận thức chín chắn, gương mẫu nhưng lại có quan hệ không trong sáng với học sinh tuổi vị thành niên. Quan hệ yêu đương này là sai trái và cần lên án.
- Thầy có thể cho biết hậu quả của mối tình “ngang trái” giáo viên - học sinh có những hệ lụy gì?
- Theo tôi, hệ lụy để lại là rất lớn, nhất là đối với các em học sinh. Các em học sinh chưa trưởng thành, tâm sinh lý còn non nớt, trước hết các em khó tập trung học hành, quan hệ thầy - trò không còn được vô tư, trong sáng. Nếu sự việc đi quá xa, hậu quả còn có thể ảnh hưởng đến cả tương lai của các em sau này.
Quan hệ “không gương mẫu” giữa thầy và trò cũng tạo ra nhiều dị nghị trong giới học sinh, ảnh hưởng xấu đến môi trường và hiệu quả giáo dục. Trước hết, bản thân giáo viên đã vi phạm đạo đức của ngành, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh giáo viên nói chung trước học sinh, trước phụ huynh và dư luận xã hội. Nếu đi quá giới hạn, giáo viên còn có thể bị xử lý hình sự về tội “giao cấu với người chưa thành niên”.
Thay giao o Ha Noi noi ve giao vien
 Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Kinh Tế Đô Thị.Xử lý nghiêm để răn đe, tránh tiền lệ xấu
- Những giáo viên có quan hệ yêu đương với học trò, cần bị xử lý như thế nào?
- Ở mức độ nhẹ, tình cảm “yêu đương” của thầy trò mới chớm nở, có thể xử lý khéo léo, nhẹ nhàng để không ảnh hưởng quá lớn đến người trong cuộc. Với học sinh, cần cùng với nhà trường và gia đình phân tích để các em hiểu và tập trung hơn cho học tập, gần gũi các em để tránh các suy nghĩ và hành động tự phát, dại dột. Với giáo viên thì có thể nhắc nhở, phê bình, cam kết không tái phạm, bố trí dạy lớp khác.
Ở mức độ nặng hơn, là vi phạm đạo đức nhà giáo, theo điều 52 - Luật cán bộ, công chức, viên chức thì tùy mức độ, có các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo hoặc buộc thôi việc. Nếu vi phạm của giáo viên ở mức độ hình sự thì căn cứ theo các quy định của pháp luật để xử lý.
Cho dù ở mức độ nào, hành vi yêu đương của giáo viên với trẻ chưa thành niên là đáng lên án và cần có các biện pháp nghiêm khắc để răn đe, tránh tạo tiền lệ xấu trong ngành giáo dục, nhất là trong bối cảnh xã hội đang ngày càng cởi mở hơn.
- Là giáo viên dạy học nhiều năm, thầy có suy nghĩ, trăn trở thế nào đối với đạo đức nhà giáo hiện nay?
- Trước hết, phải khẳng định rằng, tình cảm thầy - trò hiện nay là tích cực, vẫn kế thừa và phát huy được truyền thống tôn sư trọng đạo hàng nghìn năm nay. Cả nước có 1,2 triệu giáo viên với khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên. Các vi phạm về đạo đức nhà giáo thời gian qua là cá biệt, thiểu số trong hàng triệu tấm gương sáng của các thầy, các cô tâm huyết.
Tuy nhiên, các vi phạm vừa qua xảy ra liên tục trong một thời gian ngắn chứng tỏ có sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận các nhà giáo.
Các câu chuyện vừa qua khiến tôi thấy buồn và lo lắng. Tôi buồn vì hình ảnh tốt đẹp của người thầy bị ảnh hưởng. Tôi lo lắng vì nơi an toàn là nhà trường lại có thể trở nên mất an toàn, nơi được phụ huynh, xã hội tin tưởng, giao phó con, em mình lại có thể gây huy hiểm cho các em bởi một số thầy cô thiếu tư cách đạo đức.
- Trước thực trạng như vậy, cần phải làm gì để giữ vững hình ảnh nhà giáo, trong sáng tình thầy trò xưa nay?
- Để khắc phục điều này, cần rất nhiều việc và cần có thời gian. Với các nhà trường, trước mắt cần làm ngay các việc như tổ chức các buổi sinh hoạt chung với giáo viên để rút kinh nghiệm các sự việc vừa rồi, để phổ biến, học tập các quy định của ngành, của pháp luật có liên quan; coi đánh giá về đạo đức, lối sống của giáo viên là một tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá cán bộ, viên chức.
Mỗi giáo viên cần không ngừng học hỏi, rèn luyện để hoàn thiện hơn bản thân mình, trở thành tấm gương sáng về cả chuyên môn và tư cách đạo đức, hành vi ứng xử và lối sống; các tường cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường hoạt động độc lập với nhà trường, thành viên là các chuyên gia tâm lý (không phải là giáo viên trong trường).
Cần tổ chức cho các em học tập về các quyền của trẻ em, quyền của học sinh, các hành vi chuẩn mực của học sinh trong nhà trường cũng như tăng cường các kênh nhận thông tin của học sinh, tăng tính dân chủ trong trường học. Ngoài ra, mỗi Sở GD&ĐT nên có đường dây nóng để phản ánh các vi phạm về đạo đức nhà giáo.
Theo Quang Anh/ Gia đình & Xã hội