Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, quy định “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là một trong những hành vi bị cấm được các đại biểu và nhân dân quan tâm.
|
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an |
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã có cuộc trao đổi với báo chí một số nội dung liên quan dự thảo luật, trong đó có nội dung về quy định trên.
Theo Thiếu tướng Nguyên, với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.
Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
Người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế.
Do đó, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho rằng, việc đề xuất nghiên cứu mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông cần phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi. Dự thảo Luật đang đề xuất tỷ lệ nồng độ cồn bằng 0.
Trước đó, trong chương trình làm việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội vừa qua, một số Đại biểu Quốc hội cho rằng quy định cấm tuyệt đối lái xe khi trong cơ thể có nồng độ cồn là rất cần thiết trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông đang phức tạp. Tuy nhiên, các đại biểu đánh giá quy định tỉ lệ nồng độ cồn bằng 0 sẽ khó khả thi, nên chăng đề ra ngưỡng hay tỉ lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ăn trái cây lên men, uống thuốc siro có “dính” lỗi nồng độ cồn?
Hải Ninh