Kenh.vn ngày 10/6/2012 có bài “Ngôi làng nói thứ tiếng kỳ lạ ở Hà Nội”, viết theo VTC với chapeau:
“Làng Đa Chất đang lưu giữ một dòng ngôn ngữ cổ. Người dân ở đây có một thứ tiếng nói để trao đổi riêng với vốn từ vựng rất phong phú, ít phải vay mượn. Vào làng phải có… phiên dịch”.
Bài báo viết tiếp:
“Không chỉ hình tượng và tạo sự liên tưởng, hệ số đếm của làng cũng được hình thành với những cách đếm riêng và không phải vay mượn. Nhất (một), nhị (hai), thâm (ba), chớ (bốn), dâu (năm)… mười là lạp. Lái lạp (hai mươi), thâm lạp (ba mươi)… bích (một trăm), bích rộng (một nghìn)… Thậm chí một số vật dụng thời hiện đại cũng đã được người dân ở đây chuyển theo ngôn ngữ riêng của mình.
“Đồng hồ (sưỡn nhật), sưỡn mỗ (ôtô), sưỡn trì (tàu thủy), sưỡn xì thiên (máy bay)… Có thể khẳng định rằng, với quy định và việc hình thành ngôn ngữ, người Đa Chất đã có tới 99% ngôn từ giao tiếp cho tiếng nói riêng của mình”.
Có thật đây là “nơi còn lại duy nhất của ngôn ngữ cổ Văn Lang - Âu Lạc” và người Đa Chất đã có tới 99% ngôn từ giao tiếp cho tiếng nói riêng của mình” hay không, thưa ông An Chi?
Nguyễn Việt Hùng (Hà Nội)
An Chi: Nếu nhìn một cách rời rạc, chẳng hạn nhìn vào số đếm, thì đây chẳng qua là tiếng lóng nhưng để cho được dè dặt hơn thì ta phải nhìn “tổng thể”. Giá như có được một sự khảo tả vừa đủ thì việc nhận định sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Trong khi chờ đợi, ta chỉ có thể bằng lòng với những ngữ liệu ít ỏi đã được đưa ra. Nhưng nói rằng “người Đa Chất đã có tới 99% ngôn từ giao tiếp cho tiếng nói riêng của mình” rõ ràng là đã đi quá xa sự thật. Chúng tôi hoàn toàn không tin ở sự phóng đại của ông Nguyễn Văn Phường là Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Đại Xuyên, một người dân làng Đa Chất, như đã được thuật lại trong bài “Làng có ngôn ngữ đặc biệt” của Hồng Hạnh trên Kinh tế & Đô thị (cập nhật ngày 12/9/2012). Ông này cho rằng, “nói đến kho tàng ngôn ngữ lạ đồ sộ của làng Đa Chất chẳng khác nào lấy lá rừng mà kể, lấy nước suối mà tính, bởi vì gần như bất cứ từ nào có trong từ điển tiếng Việt, người làng Đa Chất cũng vận được vào tiếng nói riêng của mình”. Hoàn toàn quá đáng! Trên một nguồn khác, ta còn có thể đọc được một nhận định không kém phần cường điệu như sau:
|
Cổng vào xã Đại Xuyên |
“Có thể nói thứ ngôn ngữ lạ mà người dân Đa Chất giao tiếp với nhau là rất phong phú. Gần như không thấy hiện hữu của những từ ngữ vay mượn của các vùng miền khác”.
Không đúng! Ngay trong hệ thống số đếm của ngôn ngữ “lạ” này, ta đã có thể thấy số đầu tiên là “nhất”, nghĩa là một, là một hình vị Hán Việt hiển nhiên. Bài “Sự thật làng “nói tiếng Âu Lạc” ở thủ đô”, cập nhật ngày 28/6/2012 trên trang Đất Việt có thể giúp ta một cái hướng để nhận định. Trước nhất, xin quan sát đoạn đối thoại sau đây:
– Ông Đoán: Thít chưa? (Ăn chưa)
– Ông Vượng: Thít rồi. Đồi ỏn cũng thít rồi (Tôi ăn rồi, cũng cho mấy đứa trẻ con ăn xong rồi).
– Ông Đoán: Mận thu chứ nhỉ (Chè thuốc chứ nhỉ).
– Tôi không thít vì phải tiếp Chủ tịch Mặt trận (Tôi chưa ăn vì phải tiếp ông Chủ tịch Mặt trận).
– Hôm nay được bệt thít êm (Hôm nay có nhà mời ăn cỗ).
Những thứ như: thít, đồi, ỏn, mận, thu, bệt, êm hiển nhiên là “đặc sản Đa Chất” nhưng cũng không kém phần hiển nhiên là ngữ âm và ngữ pháp ở đây thì hoàn toàn thuộc tiếng Việt hiện đại. Nó dứt khoát không thể được đẩy lùi về tận thời Văn Lang - Âu Lạc, cũng như khó mà là một thứ phương ngữ của Tàu dạt đến vùng này rồi được bảo lưu một cách kỳ lạ để biến thành một thứ mật ngữ của làng. Có ý kiến còn nói cụ thể hơn rằng, “có cái gì đó có âm hưởng của tiếng Hán, cách phát âm cũng khá giống phương ngữ”. Ta không thể coi nhẹ ý kiến này vì đây là cách nhìn của chuyên gia am hiểu Hán ngữ hiện đại và cả cổ Hán ngữ nữa. Nhưng ta có thể khẳng định ngay rằng, trước khi thứ tiếng “lạ” này có âm hưởng của tiếng Hán thì nó mang cái dáng dấp Việt thuần túy, có thể thấy rõ qua những từ chúng tôi đã nhặt ra ở trên: thít có thể thấy trong im thin thít; đồi trong đồi núi, đồi bại; ỏn trong ỏn ẻn; mận trong đào mận; thu trong mùa thu, thu nhập; bệt trong lệt bệt, ngồi bệt; êm trong êm đềm.
Chính các bô lão địa phương đã chỉ ra cho ta cái hướng thích hợp để đi đến một kết luận chính xác. Bài báo trên đã cung cấp cho ta những đoạn lý thú và bổ ích sau đây:
“Vừa nghe chúng tôi nhắc đến “ngôn ngữ cổ thời Âu Lạc”, các cụ cao niên làng Đa Chất vội cười xua tay: “Làm gì có ngôn ngữ cổ Văn Lang hay Âu Lạc. Chỉ là tiếng lóng thôi!”.
( … )
“Cụ Hiệp kể: Tiếng lóng của làng Đa Chất có từ khi làng làm nghề đóng cối (cối xay bằng tre, gỗ và đất để xay thóc), truyền từ đời này sang đời khác. “Cụ tôi truyền cho ông tôi, ông tôi truyền đến bố tôi và tôi. Con tôi không theo nghề nữa nên không còn sử dụng tiếng lóng này”.
“Những năm 90 trở về trước, làng Đa Chất có nghề đóng cối xay truyền thống. Các tốp thợ của làng tỏa đi khắp tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Yên Bái làm nghề. Họ sáng tạo ra hệ thống tiếng lóng chỉ phường thợ cối với nhau mới hiểu để thuận tiện và giữ bí mật trong nghề. Cũng có khi người thợ cối nói chuyện với nhau bằng tiếng lóng để chủ nhà không biết họ đang nói gì”.
Vâng, chỉ là tiếng lóng thôi. Khá hơn một tí thì đó là biệt ngữ của nghề cối Đa Chất. Bài báo trên cũng cho biết trong cuốn Văn hóa dân gian làng Đa Chất, hai tác giả Chu Huy và Nguyễn Dần cũng gọi đây là biệt ngữ làng nghề. Vâng, chẳng có hơi hướng gì của thời Văn Lang - Âu Lạc, càng khó mà là một thứ phương ngữ nào đó của Tàu dạt đến vùng Đa Chất rồi được bảo lưu cho đến tận ngày hôm nay.
Theo A.C/Petrotimes