Chiều 3/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Buổi họp báo diễn ra ngay sau khi Chính phủ tổ chức họp thường kỳ trong cả ngày cuối tuần.
|
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP. |
Xuất khẩu đạt kỷ lục hơn 200 tỷ USD
Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng điểm lại một số nội dung tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ. Ông nhắc lại nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng qua tiếp tục ổn định, dù bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng..
CPI bình quân 10 tháng tăng 3,6%, lạm phát cơ bản tăng 1,43%. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Xuất khẩu tăng nhanh, đạt kỷ lục khi 10 tháng đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương mức của cả năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8% cao hơn mức tăng 13,2% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất siêu 6,4 tỷ USD.
Cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nông nghiệp phát triển tốt. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh. Chỉ số PMI tăng từ 51,5 điểm tháng 9 lên 53,9 điểm vào tháng 10, thể hiện sự tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất.
Tổng cầu tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,4%. Thu hút khách quốc tế đạt trên 12,8 triệu lượt, tăng 22,4%. Các lĩnh vực về văn hóa, xã hội, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng.
Bộ trưởng cũng nhắc lại ý kiến của Thủ tướng chỉ rõ còn nhiều mặt tồn tại, bất cập cần tiếp tục khắc phục như môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đang bị tụt hạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Bất cập nữa là sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp trở ngại, cần tháo gỡ; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến rất phức tạp, một số vụ việc có sự thông đồng, tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất.
Trật tự, an toàn xã hội tại một số địa bàn diễn biến phức tạp; tội phạm ma túy, tình trạng xã hội đen, tín dụng đen, bảo kê, cướp giật, cướp ngân hàng xảy ra ở một số nơi. Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý cương quyết các vấn đề xã hội này.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp thành viên Chính phủ tự soi mình
Tại buổi họp thường kỳ Chính phủ sáng 3/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất với ý kiến dịp bỏ phiếu tín nhiệm, từng thành viên Chính phủ tự soi lại mình, ngành mình phụ trách, lắng nghe các ý kiến của đại biểu Quốc hội, khắc phục hạn chế, tồn tại.
Theo Thủ tướng, kết quả thấp hay cao đều thôi thúc Chính phủ làm việc tốt hơn, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Quốc hội, đặc biệt là phát huy ưu điểm, nhanh chóng khắc phục tồn tại để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chuẩn bị phương án tổ chức kỳ thi THPT 2019
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo của Bộ GD&ĐT về thời điểm áp dụng SGK mới và phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo báo cáo, Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm kỳ thi năm 2018 để làm tốt các năm tới đây. Đặc biệt chấn chỉnh công tác coi thi, chấm thi.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại của kỳ thi năm 2018.
Lãnh đạo Bộ GTVT nói gì về cao tốc 34.500 tỷ chỉ đạt 6/10 điểm?
- Zing.vn: Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thừa nhận dự án này chỉ đạt 6/10 điểm. Trong khi đó, đây là công trình quan trọng nhất ở miền Trung hiện nay với số vốn lên tới 34.500 tỷ đồng. Ông bình luận gì về điều này? Theo ông, số vốn đầu tư có tương xứng với chất lượng công trình?
- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Chúng tôi cho rằng xác định tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm tra chất lượng có các quy định kỹ thuật, có thí nhiệm chứng minh. Đánh giá định tính không có cơ sở xác định. Phải theo quy trình kỹ thuật thí nghiệm vật liệt đầu vào, xác suất, so sánh với thiết kế, giám sát thực hiện thi công…
- Zing.vn: Tại gói thầu A5, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện Posco (nhà thầu chính) chuyển thầu cho 18 công ty khác. Các chuyên gia cho rằng, hành vi bán thầu như thế này rất có khả năng dẫn đến việc thất thoát vốn và chất lượng công trình sẽ không đảm bảo. Ý kiến của Bộ GTVT?
- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Về việc bán thầu, có các quy định nhà thầu chính có nhà thầu phụ, nhà thầu phụ có thể xác định trong quá trình bỏ thầu. Trách nhiệm vẫn thuộc nhà chính. Có bao nhiêu nhà thầu phụ thuộc nhưng trách nhiệm vẫn là của nhà thầu chính. Việc xác định có hợp đồng phụ, đã được chấp thuận theo tư vấn giám sát.
Trao đổi thêm về các nội dung liên quan tới dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thứ trưởng Đông nói: Với tồn tại của dự án, Bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt chủ đầu tư khắc phục, kiểm điểm trách nhiệm, cả các cơ quan bên dưới nữa. Thực tế là chúng tôi đã rà soát xem xét. Ngày 29/9/2018, theo nghị định 131, VEC sẽ được chuyển về Ủy ban quản lý vốn. Trách nhiệm từ 29/9 chúng tôi sẽ phối hợp với ủy ban xử lý trách nhiệm vấn đề này.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Sau khi nhận được tin của báo chí về dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát, báo cáo, công bố chính thức kết quả kiểm tra. Sau đó Bộ này phải báo cáo Thủ tướng. Ngày 18/10, Bộ GTVT đã công bố quyết định kiểm tra dự án này và hiện nay vẫn đang tiến hành. Sau này kết quả báo cáo mức độ thế nào, chúng tôi sẽ thông báo tiếp.
Nói rõ hơn với Zing.vn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT sớm có báo cáo kết quả kiểm tra để công bố.
Bộ Công an: Quy định của Luật An ninh mạng phù hợp với quốc tế
Thiếu tướng Lương Tam Quang (Chánh văn phòng Bộ Công an) nói về sự phù hợp với thông lệ quốc tế của quy định lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam:
Một là, đã có hơn 18 quốc gia trên thế giới có văn bản luật quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng ở trong phạm vị lãnh thổ quốc gia như như Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Đức, Trung Quốc...
Ngày 25-5-2018, Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh Châu chính thức có hiệu lực, cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội theo hướng có thể tra cứu, thay đổi, xóa bỏ thông tin cá nhân của mình; các công ty cung cấp dịch vụ phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba. Nếu vi phạm mức phạt có thể lên tới 20 triệu Euro hay 4% doanh số toàn cầu.
Hai là, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Google, Facebook đã mở văn phòng đại diện Singapore, Malaysia, Indonesia.
Ba là, phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, trong đó có Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Google, Facebook đang có hoạt động kinh doanh sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh của các văn bản này. Trong dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đề nghị nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (như Google, Facebook...) phải mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.
Bốn là, Không trái với các cam kết quốc tế, bao gồm các điều ước liên quan WTO và CCTPP. Cụ thể, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có điều khoản ngoại lệ về an ninh, tôn trọng và đề cao an ninh quốc gia trong bất cứ hoạt động thương mại nào được đề cập trong các cam kết đó.
Theo Hiếu Công - Ngọc Tân/Zing