|
Nhân viên giữ rừng báo cáo về việc thấy cá thể hổ |
Ngày 22/9, nhận câu hỏi từ báo Tiền Phong về kết quả xác minh tin báo về việc dân nhìn thấy một số cá thể hổ trong khu vực rừng có hang động núi lửa Chư Bluk, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông phân công một cán bộ hồi âm.
Ông Phan Sỹ Thống, cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Sau khi nhận đơn trình báo về việc dân nhìn thấy cá thể hổ từ Công ty cổ phần đầu tư Phú Gia Phát, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Krông Nô lập đoàn xác minh. Đoàn làm việc xong báo cáo lên là không có các cá thể hổ ở khu vực trên.
|
Báo cáo của Công ty Phú Gia Phát |
Qua trao đổi, được biết đoàn xác minh chưa tổ chức rà soát được toàn bộ thực địa rừng núi và hệ thống hang động ở Krông Nô. Điều này khiến các nhà khoa học dự kiến tiếp tục vào các hang động núi lửa để tiến hành công tác khảo cổ di cốt người cổ trong hệ thống hang động núi lửa Chư Bluk rộng lớn nhất Đông Nam Á lo lắng.
Trước đó, tối ngày 16/8, hai nhân viên người M’Nông trực bảo vệ diện tích rừng trên khu vực có hang động do Công ty cổ phần đầu tư Phú Gia Phát quản lý, là ông Y Ngun (tên thường gọi Ama Hôi, 57 tuổi), và ông Y Jon, đã tận mắt thấy cá thể hổ.
Ama Hôi kể: Lúc đó khoảng 7h30 tối, soi đèn pin, tôi giật mình thấy hai cặp mắt sáng quắc của loài hổ. Hai cá thể hổ ước cao khoảng 1,4- 1,5m.
"Tôi chạy vào nhà, cài chặt cửa, nhìn qua kẽ vách, thấy đôi hổ lững thững bước khuất hẳn vào rẫy bắp gần ngã ba buôn Choa'h", ông Ama Hôi nói.
Năm ngày sau, nhân viên khác là Ama Oan phát hiện có con gà rừng mắc bẫy nghi bị hổ ăn sạch.
Nhiều người dân xã Buôn Choa'h cũng kể họ đã thấy cá thể hổ to như con bò, “gầy gầy chắc do thiếu thức ăn”, đứng trên đỉnh núi lửa Chư Bluk.
Ông Sùng Văn Tu, người Nùng ở thôn 7 kể đã thấy cả gia đình hổ 3 con. Hổ bố cỡ 1,3 tạ, hổ mẹ khoảng 80 kg, hổ con cỡ 20 kg.
Việc dân thấy hổ trong vùng núi lửa đã được Công ty Phú Gia Phát làm báo cáo gửi lên tỉnh, đề nghị chính quyền “có hướng xử lý, tránh tình trạng hổ sẽ tấn công người dân hoặc bị săn bắn”.
Các nhà khoa học thường ra vào khu vực này cho biết luôn đi theo đoàn, không đặt chân vào rừng vào buổi tối.
Tiến sĩ Lê Xuân Hưng- Trưởng bộ môn Khảo cổ học, Dân tộc học trường Đại học Đà Lạt chia sẻ: Cả nhóm nghiên cứu đều mong muốn tỉnh Đắk Nông chỉ đạo xác minh kỹ lưỡng, cẩn trọng về việc có hổ hay không trong khu vực hang động núi lửa Chư Bluk, đề phòng sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo Hoàng Thiên Nga/Tiền phong