Ngày 16/1/2020, chia sẻ với Đất Việt trước đề xuất của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh về việc cần phải tiêm thuốc triệt dâm với những kẻ bệnh hoạn, nhiều phụ nữ băn khoăn, liệu rằng điều này có làm giảm được tình trạng xâm hại tình dục, hiếp dâm đang âm thầm diễn ra ở nhiều nơi?
Được biết, tiêm thuốc triệt dâm đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Theo đó, những kẻ phạm tội này sẽ bị tiêm một chất hóa học vào cơ thể nhằm giảm ham muốn tình dục tạm thời trong thời gian tạm thời.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc (TP.HCM) cho rằng, những kẻ dâm ô trẻ em thường thích thể hiện quyền lực của mình, tìm cảm giác mới lạ chứ không phải vì nhu cầu tình dục.
|
Tiêm thuốc triệt dâm sẽ giảm được tội phạm hiếp dâm, xâm hại tình dục...?
|
"Điều đó cho thấy những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em có sự suy đồi về đạo đức, thích thể hiện quyền lực của mình chứ không phải vì ham muốn tình dục quá cao.
Trong khi, thuốc chỉ làm giảm ham muốn chứ không làm thay đổi đạo đức đối tượng phạm tội" - chị Phúc cho hay.
Người phụ nữ này dẫn chứng ra một câu chuyên mình từng chứng kiến khi một người bạn thân kể từng bị chính người chú của mình xâm hại tình dục trong suốt một thời gian dài.
Điều đó khiến cho người bạn của chị Phúc cảm thấy ám ảnh, mỗi khi đối diện người chú thì cảm thấy hoảng loạn.
"Nếu như loại tội phạm này chỉ bị tiêm thuốc mà vẫn nhở nhơ ở bên ngoài thì sẽ đem lại sự ám ảnh cho người khác. Còn nếu như bị cách ly, nhốt trong trại giam thì liệu rằng có cần đến thuốc triệt dâm?" - chị Phúc đặt câu hỏi.
Chị Phạm Hương Nguyên (ngụ TP. Hải Dương) thì cho rằng, việc tiêm thuốc triệt dâm với đối tượng phạm tội hiếp dâm, dâm ô, xâm hại tình dục là điều cần thiết.
Bởi, hành động này xuất phát từ dục vọng, khi dục vọng quá cao thì gây ra sự ức chế, dẫn đến có những hành vi bệnh hoạn không thể kiểm soát.
"Đó là sự trừng phạt thích đáng cho những kẻ đồi trụy, gây ra sự ám ảnh cho người khác. Tôi từng chứng kiến nhiều nạn nhân bị chính những người thân trong gia đình xâm hại, dẫn đến sang chấn tâm lý.
Nạn nhân có thể vượt qua hoặc không thể vượt qua được sự ám ảnh đó. Trong khi những đối tượng phạm tội là mầm mống có thể gây tai họa bất cứ lúc nào" - chị Nguyên bày tỏ.
Chị Nguyên chia sẻ, trước đây từng có đề xuất thiến hóa học với những loại tội phạm này. Điều đó cũng giống như việc tiêm thuốc triệt dâm. Đó là điều nên làm, như thế sẽ khiến xã hội cảm thấy yên tâm hơn khi những đối tượng hiếp dâm, dâm ô, xâm hại tình dục... mãn hạn tù trở về sinh sống với cộng đồng!
Luật sư Nguyễn Văn Thành - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng ủng hộ đề xuất của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, không phải đối tượng nào phạm một trong những tội trên cũng có thể áp dụng biện pháp tiêm thuốc triệt dâm. Bởi từng trường hợp có hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội khác nhau. Như đối tượng sử dụng chất kích thích phạm tội khác với lại đối tượng phạm tội trong trạng thái bị kích động hay người bình thường gây tội.
"Đối với những kẻ phạm tội trong hoàn cảnh bình thường, thì rõ ràng nguyên nhân đến từ chính kẻ đó. Đó có thể là một loại bệnh hoặc dù suy đồi đạo đức. Khi đó, việc tiêm thuốc triệt dâm sẽ hiệu quả.
Còn đối với những đối tượng phạm tội trong trạng thái bị kích động, dùng thuốc kích thích rõ ràng có tác động của ngoại cảnh, khi đó việc tiêm thuốc triệt dâm sẽ không có nhiều tác dụng..." - luật sư Thành nói.
Theo Ngọc Vân/Đất Việt