Tọa đàm "Đảm bảo nguồn cung nước sạch - Hạn chế khai thác nước ngầm" do Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) tổ chức tại TPHCM (ngày 27/4).
Theo TS Hà Quang Khải, Đại học Bách khoa TP.HCM, nguồn nước ngầm đóng góp nhiều vào việc cấp nước, ăn uống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, do khai thác quá nhiều nên đã gây hạ thấp mức nước, gây sụt lún ở nhiều nơi.
|
Nguồn nước ngầm đóng góp nhiều vào việc cấp nước, ăn uống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, do khai thác quá nhiều nên đã gây hạ thấp mức nước, dẫn đến sụt lún ở nhiều nơi. Ảnh minh họa |
Nước ngầm được coi như nguồn dự trữ, dự phòng các sự cố. Nước ngầm được xem là công cụ tốt trong công tác quản lý thích ứng biến đổi khí hậu.
Còn ông Huỳnh Thanh Nhã, trưởng phòng tài nguyên nước, khoáng sản và biển đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, chia sẻ năm 2018 UBND TPHCM chỉ đạo sở xây dựng kế hoạch giảm khai thác nước ngầm.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã xây dựng lộ trình, tới năm 2025 việc khai thác chỉ còn 100.000m3/ngày. Nước ngầm vẫn là cứu cánh cuối cùng của nguồn nước.
Nước ngầm tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe. Theo ông Đào Phú Khánh, Phó trưởng khoa Sức khỏe Y tế Trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), qua các đợt kiểm tra nguồn nước, 70% mẫu nước ở nhà dân không đạt yêu cầu. Bao gồm độ pH, amoni, sắt, vi sinh vật gây bệnh.
Theo các chuyên gia, sử dụng nước không đảm bảo có thể dẫn tới các bệnh cấp tính như tiêu chảy, thương hàn. Về lâu dài có thể gây ra các bệnh ở gan, thận…
Ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), cho biết thêm hiện nay vẫn còn khoảng 160.000 đồng hồ nước máy đã lắp cho dân nhưng họ không sử dụng. Với chi phí 3 - 5 triệu đồng/đồng hồ nhưng dân không xài, rất lãng phí. Ngoài ra, các khu công nghiệp, chế xuất, nhà máy vẫn sử dụng nước ngầm với công suất khai thác lớn.
An Quý