Viện kiểm sát nhân dân quận 10, TP.HCM vừa ra quyết định kháng nghị đối với bản án sơ thẩm của tòa án quận này xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng gửi giữ xe.
|
Phiên tòa xét xử ngày 3-1 tại Tòa án nhân dân quận 1. |
Tuyên án một đằng, án văn ghi một nẻo
Theo hồ sơ, trưa 2-3-2013, ông Đ.V.Hoàng đến quán nhậu trên đường Đồng Nai (quận 10), gửi chiếc xe gắn máy SH (mua năm 2010 với giá 8.560 USD, đứng tên em gái ông Hoàng - bà Mỹ) để vào quán.
Đến 15h, ông Hoàng ra lấy xe thì phát hiện chiếc xe bị mất. Ông Hoàng yêu cầu chủ quán bồi thường 140 triệu để đền lại cho em gái nhưng chủ quán từ chối, không chấp nhận.
Thỏa thuận không được, tháng 3-2013, ông Hoàng khởi kiện ra tòa. Tòa án nhân dân quận 10 thụ lý hồ sơ đến tháng 8-2013 thì tạm đình chỉ vụ án.
Ngày 15-7-2016, tòa tiếp tục giải quyết vụ án này. Đến ngày 3-1-2018, hội đồng xét xử tuyên buộc chủ quán phải bồi thường cho ông Hoàng trị giá chiếc xe bị mất là 140 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau đó trong bản án mà Tòa án nhân dân quận 10 phát hành, lại ghi chủ quán phải bồi thường 140 triệu đồng cho em gái ông Hoàng (bà Mỹ) trong khi ông Hoàng là chủ thể hợp đồng gửi giữ, là người khởi kiện. Bà Mỹ chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
"Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Đ.V.Hoàng: Buộc ông N.H.C (chủ quán - PV) phải bồi thường 140 triệu giá trị chiếc xe SH bị mất cho bà Đ.N.A.Mỹ số tiền 140 triệu. Về án phí sơ thẩm: 7 tỉ đồng, ông N.H.C chịu", bản án ghi.
Toàn bộ bản án bị Viện kiểm sát nhân dân quận 10 kháng nghị, đề nghị Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử phúc thẩm.
Sai thủ tục tố tụng
Theo quyết định kháng nghị, tòa không tiến hành thành lập hội đồng định giá tài sản theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự 2015, mà chỉ căn cứ vào biên bản khảo sát giá để áp mức giá buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn (140 triệu) là chưa đảm bảo thủ tục tố tụng.
Mặt khác, bản án cũng không hề nêu quyền kháng cáo, thời hạn kháng cáo của các đương sự, quyền kháng nghị, thời hạn kháng nghị của viện kiểm sát theo quy định của pháp luật.
Áp dụng sai bộ luật, sai điều luật
Theo kháng nghị, sự việc xảy ra năm 2013, đáng lý ra phải áp dụng Bộ luật dân sự 2005 để giải quyết vụ án thì tòa lại căn cứ vào Bộ luật dân sự 2015.
Ông Đ.V.Hoàng là người khởi kiện, yêu cầu bồi thường nhưng bản án lại tuyên xử: buộc chủ quán bồi thường 140 triệu cho bà Mỹ (em gái ông Hoàng).
Viện kiểm sát cho rằng điều này là không phù hợp với quy định pháp luật, vì ông Hoàng là chủ thể của hợp đồng gửi giữ tài sản nên chủ quán phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Hoàng số tiền thiệt hại do làm mất tài sản.
Việc bà Mỹ cho ông Hoàng mượn xe là giao dịch dân sự mượn tài sản được quy định, nếu có tranh chấp thì giải quyết trong vụ án khác.
Việc tính án phí của tòa cũng trái pháp luật, thay vì án phí dân sự mà chủ quán phải chịu chỉ là 7 triệu đồng thì tòa lại tính số án phí dân sự lên đến 7 tỉ đồng.
Chủ quán chỉ được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí chỉ là 3,5 triệu đồng thì tòa lại quyết định hoàn lại cho người này lên đến 3 tỉ đồng!
Theo Uyên Trinh/Tuổi Trẻ