“Tranh đấu” Phương Hằng - Trấn Thành: Biết gì “chế tài” nghệ sĩ nộp thuế TNCN?

Google News

Giữa “tranh đấu” Phương Hằng – Trấn Thành, dư luận quan tâm pháp luật quy định về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân của nghệ sĩ thế nào? Nếu có đơn thư tố cáo về việc trốn thuế sẽ làm rõ những tình tiết nào để xác định là nghệ sĩ có trốn thuế hay không?

Liên quan đến vụ việc “tranh đấu” giữa bà Phương Hằng và Trấn Thành, mới đây, sau khi Trấn Thành công bố sao kê từ thiện miền Trung năm 2020, nói về tuyên bố tặng 50 tỷ đồng cho nam nghệ sĩ, bà Phương Hằng cho rằng ngoài sao kê từ thiện, Trấn Thành phải công khai thu nhập và đóng thuế ra sao.
“Tôi bảo lưu số tiền 50 tỷ cho Trấn Thành và sẽ không bao giờ rút lại lời nói. Nhưng tôi có lý lẽ của riêng tôi, không thể nào mang một xấp giấy sao kê ra rồi đòi lấy 50 tỷ như vậy được. Nếu cần, tôi sẽ mời ngân hàng, kiểm toán và cả công an vào làm cho ra đúng sai. Muốn lấy 50 tỷ phải chứng minh thu nhập bao nhiêu, đóng thuế bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu. Và khi công an công bố Trấn Thành không vi phạm pháp luật, thuế má đàng hoàng, không có lộn xộn chuyện từ thiện, tôi chắc chắn sẽ trao cho Trấn Thành 50 tỷ. Còn không, thân bại danh liệt và cả đi tù, cuộc chơi phải một mất một còn”, bà Hằng nói.
“Tranh dau” Phuong Hang - Tran Thanh: Biet gi “che tai” nghe si nop thue TNCN?
 Bà Phương Hằng ra điều kiện khó "nhử" Trấn Thành nhận 50 tỷ.
Dư luận quan tâm pháp luật quy định về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân của nghệ sĩ thế nào? Nếu có đơn thư tố cáo về việc trốn thuế sẽ làm rõ những tình tiết nào để xác định là nghệ sĩ có trốn thuế hay không?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Trần Thanh Lam, Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, thuế là khoản thu bắt buộc mang tính cưỡng chế bằng sức mạnh của nhà nước mà các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Nộp thuế là việc cá nhân, tổ chức nộp tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước theo thông tin đã kê khai thuế.
Các khoản thuế phải nộp theo quy định của pháp luật, cá nhân tổ chức tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình. Một cá nhân khi có thu nhập đến ngưỡng chịu thuế tự kê khai nộp thuế hoặc bị khấu trừ thuế tại nguồn trước khi nhận thu nhập. Nghệ sĩ cũng là một cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế, tuân thủ quy định pháp luật về thuế.
Theo Luật thuế thu nhập cá nhân, thu nhập chịu thuế bao gồm: thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng; Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
Theo luật sư Trần Thanh Lam, hành vi trốn thuế được hiểu là hành vi không hoàn thành hoặc hoàn thành không đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế; là hành vi của cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, thực hiện các phương thức pháp luật không cho phép để làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn hoặc không nộp thuế.
Việc trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật, nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước và có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 200 bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì cá nhân có các hành vi nhằm trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc từng bị kết án về tội này ... thì bị phạt tiền từ 100 triều - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Cá nhân trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên có thể bị phạt tiền đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. Nếu cá nhân vi phạm trốn thuế lần đầu với số tiền chưa đến 100 triệu đồng thì bị xử phạt hành chính.
“Tranh dau” Phuong Hang - Tran Thanh: Biet gi “che tai” nghe si nop thue TNCN?-Hinh-2
Luật sư Trần Thanh Lam, Văn phòng luật sư Chính Pháp  
Nói về trường hợp có đơn thư tố cáo về việc trốn thuế của một cá nhân, tổ chức, luật sư Trần Thanh Lam cho rằng, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ bằng việc thu thập, xác minh các thông tin, dữ liệu có liên quan về hoạt động và thu nhập của đối tượng bị tố cáo từ các cá nhân, tổ chức, cơ quan có liên quan; đề nghị chính cá nhân, tổ chức bị tố cáo cung cấp các tài liệu có liên quan. Tiêu chí để xác định hành vi trốn thuế: Chủ thể của hành vi trốn thuế là các cá nhân hoặc tổ chức thuộc đối tượng nộp thuế; Hậu quả của hành vi vi phạm là dẫn đến việc làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm.
Thực tế hiện nay có rất nhiều người tò mò về việc nộp thuế của các nghệ sĩ bởi thu nhập từ các nghệ sĩ là rất lớn. Nghệ sĩ là lĩnh vực có nhiều hoạt động có thể đem lại thu nhập như ca hát, đóng phim, quảng cáo, tham dự sự kiện, thậm chí cả các thu nhập từ các nền tảng online, internet như Facebook, youtube,…
Theo các chuyên gia về thuế, có nhiều chiêu thức để nghệ sĩ né thuế như ký kết hợp đồng giảm giá trị “cát xê một đằng hợp đồng một nẻo” hoặc tự thành lập công ty để giao dịch,…Thời gian gần đây làng giải trí Hoa ngữ đã phanh phui các trường hợp nghệ sĩ trốn thuế bằng các “hợp đồng âm dương” (hợp đồng khai báo thuế và hợp đồng thực nhận với số tiền chênh nhau rất lớn để trốn thuế).
“Ngành nghề nào thì cũng đòi hỏi phải đổ công sức và chi phí mới thu lại được kết quả. Thu nhập của nghệ sĩ cũng có được từ công sức của họ. Khi tính thuế thì sẽ căn cứ vào thu nhập chịu thuế và áp dụng đúng mức thuế theo quy định, đảm bảo công bằng pháp luật. Nghệ sĩ cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, là một công dân gương mẫu trong việc nộp thuế”, luật sư Trần Thanh Lam cho biết.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế theo quy định của Luật quản lý thuế, Luật thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp. Hành vi không kê khai hoặc kê khai gian dối, trốn thuế là những hành vi vi phạm pháp luật. Nếu cơ quan chức năng phát hiện đối tượng thuộc trường hợp phải nộp thuế mà có hành vi không kê khai, kê khai không trung thực hoặc hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp thì cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ và xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho biết, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mới có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức kê khai, nộp thuế và có quyền xử lý nếu như có hành vi vi phạm quy định về thuế xảy ra. Trong vụ việc này, doanh nhân kia yêu cầu MC công khai thu nhập của mình trong nhiều năm và chứng minh việc nộp thuế thu nhập cá nhân đó là một yêu cầu đơn phương của cá nhân đưa ra. MC bị nhắc tên trong tình huống này không có nghĩa vụ phải thực hiện yêu cầu này.
“Chỉ có cơ quan chức năng như cơ quan thanh tra, cơ quan thuế, cơ quan điều tra, hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng khác thì mới có quyền xác minh thông tin về tài sản của tổ chức, cá nhân, mới yêu cầu báo cáo giải trình về thu nhập, về việc kê khai, nộp thuế. Còn các tổ chức, cá nhân khác không có thẩm quyền thì không được phép yêu cầu các tổ chức cá nhân cung cấp các thông tin về nhân thân, về tài sản, về việc nộp thuế của họ”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo luật sư Cường, thu nhập của cá nhân cũng như việc kê khai nộp thuế của cá nhân là thông tin nhân thân thuộc về bí mật đời tư cá nhân. Thông tin về nhân thân và thông tin về tài sản của cá nhân được pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ phải đây là bí mật đời tư cá nhân, bí mật nhân thân. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đến bí mật đời tư cá nhân của công dân đều bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố thách đố bà Phương Hằng:
  
Hải Ninh