Từ chối điều trị, cách ly vì Covid-19: Xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Công an TP Quảng Ngãi vừa báo cáo UBND TP, Công an tỉnh Quảng Ngãi và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh này về một trường hợp công dân địa phương không hợp tác cách ly. Người này có thể sẽ bị xử lý thế nào?

Trước đó, bà Huỳnh Thị H. (63 tuổi, ngụ thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) đi thăm người thân ở tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi quay về địa phương, ngày 13/2, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà H. thực hiện cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày kể từ ngày 13/2. Bà sẽ được cơ quan y tế địa phương kiểm tra sức khỏe hằng ngày.
Qua làm việc ban đầu, bà H. đồng ý cách ly, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Tuy nhiên, vì kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc làm ruộng, bán rau hằng ngày ở chợ của bà (thu nhập khoảng 250.000 đồng/ngày), do đó bà kiên quyết đi làm để mưu sinh nếu chính quyền không hỗ trợ tổn thất kinh tế trong những ngày cách ly.
Tu choi dieu tri, cach ly vi Covid-19: Xu ly the nao?
 Ảnh minh họa.
Trước hành động của bà H., nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi nếu bà H. từ chối điều trị, cách ly vì Covid-19  thì có thể bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi bỏ trốn khỏi khu cách ly là hành vi vi phạm quy định pháp luật về giám sát bệnh truyền nhiễm.
Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 đã quy định nghiêm cấm các hành vi: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính, Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm, cụ thể là Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A có thể bị Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, Điều 240 BLHS 2015 quy định về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh cho người có thể là các hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm như không tiêu hủy động vật, thực vật bị nhiễm bệnh, không khoanh vùng tẩy uế khu vực bị dịch bệnh, không tiến hành cách ly người nhiễm bệnh.... từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh.
Trong trường hợp hành vi vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư Cường còn cho biết thêm, Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh, được định nghĩa và quy định tại Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 cũng như các văn bản pháp luật có liên quan.
Việc tổ chức cách ly y tế và cưỡng chế tổ chức cách ly y tế quy định tại Điều 49 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Chương 1 Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.
Theo đó Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
>>> Xem thêm video: Người phụ nữ bỏ trốn khỏi khu cách ly do Virus Corona đang ở Trung Quốc

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Trung Vương