Nhiều khi, chơi golf cũng là tham nhũng
Ông Nguyễn Đức Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội vừa bị ban điều hành sân golf Tam Đảo tước quyền thành viên vì đánh người gây thương tích. Sự việc giám đốc một doanh nghiệp công ích đi chơi golf khiến dư luận đặt câu hỏi mức lương của họ thế nào để chơi được môn thể thao được coi là xa xỉ này?
Tôi nghĩ rằng, golf là môn thể thao tốt, không có gì là xấu cả. Nó còn chứng tỏ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam so với thế giới. Nếu phát triển được thì tăng thêm đầu tư dịch vụ, việc làm và thu hút đầu tư nước ngoài. Rõ ràng nó không xấu. Nhưng golf Việt Nam có hai vấn đề là có thời kỳ người ta phát triển sân golf tràn lan, việc quản lý lỏng lẻo, ngay Hà Nội mà cũng có hàng chục dự án bị rút lại. Đó là sự lãng phí trong quy hoạch sân golf.
Hai là những người tham gia chơi golf có những yếu tố lưu ý là chơi vào thời gian nào, giờ giấc chơi phải đảm bảo không trong giờ hành chính. Thứ nữa là nguồn tiền lấy từ đâu. Nếu thực sự có tiền trong túi bỏ ra để chơi thì không vấn đề gì. Nhưng nếu nó là tiền do hối lộ, do tham nhũng, đặc biệt là do đối tác tặng để "mua quan hệ" thì cần xem xét.
Nghĩa là người ta có thể tặng nhau vé chơi golf như một thứ quà và thực chất đó là hối lộ và nhận hối lộ?
Đúng thế. Phiếu chơi golf đôi khi có giá trị hàng tỷ đồng, như một căn nhà, nên đây có thể coi là một dạng của tham nhũng.
Theo ông liệu lương của giám đốc doanh nghiệp công ích có đủ chơi golf?
Nếu tính theo mức lương đúng danh nghĩa mà Nhà nước quy định thì không thể có khả năng đó. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải vào cuộc buộc họ phải giải trình cụ thể, làm rõ thu nhập nào để chơi golf thì nó sẽ ra ngay.
Nghĩa là nếu bảo dùng lương để chơi golf không thể tin được?
Chắc chắn rồi. Lương bộ trưởng mà 40 năm mới mua được nhà, cớ gì mà lương một ông giám đốc đủ để chơi golf thường xuyên với mỗi lần hàng vài triệu đồng như thế.
Lãnh đạo mới đủ tiền chơi
Ông vừa nói lương không đủ để chơi golf, thế nhưng ông giám đốc kia vẫn chơi và cũng không ai biết là ông ấy chơi golf từ bao giờ, tiền đâu để chơi?
Những người chơi golf như thế thì có hai khả năng. Hoặc là vì ông có thu nhập rất tốt, ông bỏ tiền túi ra để chơi. Thứ hai là ông ấy được đối tác mời, tài trợ thậm chí là cho không. Phải đặt dấu hỏi ở chỗ ấy vì không có đối tác nào cho không đến hàng trăm triệu đồng cả. Kiểu gì cũng phải vì mối quan hệ hoặc lợi ích kinh tế nào đó.
Nói thế thì rõ ràng họ đi chơi golf không đơn thuần là chơi một môn thể thao?
Thực ra thì nó có nhiều thứ, trước tiên đó là môn thể thao, có doanh nghiệp coi đó là nơi để phát triển mối quan hệ. Thực ra đó không phải là xấu. Nhiều hợp đồng đã được ký tắt trên sân golf. Chỉ đáng trách khi hợp đồng đó là do tham nhũng, do quan hệ cá nhân mà ký chứ không phải vì lợi ích chung.
Vậy chơi golf là môn thể thao của người giàu, người có quyền?
Đúng là môn thể thao của người giàu nhưng không hẳn là chỉ lãnh đạo hay người có chức có quyền mới chơi. Nhưng ở Việt Nam thì đa số là lãnh đạo hoặc chủ doanh nghiệp mới có điều kiện chơi chứ người bình thường thì làm gì có tiền mà chơi.
|
TS Nguyễn Minh Phong, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. |
Nên có danh mục cấm đối với quan chức
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã từng quyết liệt chỉ đạo cấm chơi golf trong cán bộ lãnh đạo công nhân viên của ngành mình. Câu chuyện này đến nay vẫn chưa nguội tính thời sự?
Tôi nghĩ nên có quy định liên quan đến hoạt động của các quan chức cần bổ sung vào trong luật. Các hoạt động giải trí của quan chức cần được quy định rõ ràng những cái gì cấm. Ví dụ như cấm biếu xén hối lộ thông qua những hình thức giải trí như những cái thẻ bơi, phiếu tập thể thao, sân golf, các hoạt động thể thao liên quan đến chi phí lớn. Quả biếu là những loại thẻ hay dịch vụ trọn gói như vậy cũng phải coi là hình thức tham nhũng. Giờ mới chỉ cấm karaoke, uống rượu... mà lại không cấm chơi golf trong khi đó mới chính là môi trường dễ dàng để quan chức hối lộ nhau.
Nghĩa là phải cấm nhận quà biếu dưới dạng các sản phẩm đó?
Đúng vậy.
Thế nhưng để biết họ chơi bằng tiền của họ hay là quà biếu, hay tiền chùa thì không dễ?
Đó là việc của an ninh và không hề khó chút nào. Chứng minh nguồn tiền thế nào, lấy tiền ở đâu ra, trong bối cảnh đó thì khả năng tiền mặt của anh như thế nào... Tất cả những cái đó mà làm chặt chẽ là biết tiền của họ hay tiền của người khác, nhận quà biếu hay là bỏ tiền túi ra. Truy nguyên ra được thì giảm thiểu tham nhũng ngay.
Vấn đề ai là người sẽ làm những việc đó?
Cái này phải đưa vào chương trình, có thể là cả nội dung phòng chống tham nhũng nữa. Đó là một khía cạnh để tiếp cận các hoạt động tham nhũng hiện nay. Phải đưa thành quy định để tránh lạm dụng.
Quản lý chặt trên giấy
Sau vụ lãnh đạo nhận lương khủng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Vũ Đức Đam khẳng định rằng, việc quản lý tiền lương của các viên chức nhà nước làm quản lý trong doanh nghiệp nhà nước là rất chặt chẽ. Vì sao quản lý chặt rồi mà vẫn như vậy?
Chặt chẽ là về hình thức thôi chứ nó có những điểm lỏng. Quy định trần lương thì có rồi nhưng không có những quy định liên quan bắt lỗi họ trong việc vi phạm hợp đồng lao động. Vì bản chất của lương khủng đó là cắt xén hợp đồng, cắt xén bảo hiểm, cắt xén chế độ của người lao động để dồn vào quỹ lương của lãnh đạo. Thế là công nhân lao động phải nhận lương thấp hơn so với quyền lợi của mình. Ta chưa bắt lỗi họ ở chỗ này nên ý kiến trên đúng ở cái ý là đã có nghị định quy định lương tổng giám đốc không quá 36 triệu đồng/tháng, thuê ở ngoài thì bằng 150%. Đó chỉ là quy định trên danh nghĩa, mà họ lại có những cái khoản khác. Họ có quyền thỏa ước lao động, thỏa ước ăn chia nội bộ thì đó là một kẽ hở.
Thế thì suy ra cái tiền để đi chơi golf của vị giám đốc kia thì khả năng lớn cũng là tiền túi của người lao động?
Cái đó thì phải điều tra làm rõ, thế nhưng tôi nghĩ rằng không ai dùng lương để đi chơi golf cả. Đối với doanh nghiệp nhà nước thì các bác ấy hiếm khi chơi bằng tiền lương của mình lắm.
Ở Việt Nam thì theo ông đối tượng nào có lương đủ cao để chơi golf?
Tôi chịu vì tôi không phải lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH. Đến lương của Thủ tướng cũng chỉ được khoảng 17 triệu đồng/tháng thì chắc chắn là nếu dựa trên danh nghĩa thì không ai đủ tiền để chơi golf cả.
Xin cảm ơn ông!
Tại sân golf Tam Đảo, đối với người chơi lẻ thì mỗi lần chơi phải nộp 82USD (khoảng hơn 1,6 triệu đồng) vào ngày thường hoặc 172USD (khoảng 3,5 triệu đồng) vào ngày cuối tuần cho sân golf 18 lỗ, chưa kể các loại phí dịch vụ khác. Nếu muốn trở thành hội viên, sẽ phải nộp phí ghi danh tối thiểu 25 năm với mức đóng 1 lần là 38.000USD (tương đương 798 triệu đồng) và mức 48 năm sẽ là 74.000USD (tương đương 1,544 tỷ đồng). Dù là hội viên, hàng năm vẫn phải nộp hơn 17 triệu đồng tiền phí bảo dưỡng thẻ hội viên. Theo lãnh đạo một công ty thì sân golf Tam Đảo có mức rẻ hơn nhiều so với một số sân golf cao cấp khác. Có những sân golf mà thẻ hội viên lên đến vài tỷ đồng.
Tô Hội (Thực hiện)