Tung tin nhảm “ăn trứng thoát kiếp diệt vong”, hot girl Điện Biên có bị phạt?

Google News

(Kiến Thức) - Trước thông tin xôn xao về việc trẻ sơ sinh vừa chào đời đã biết nói “tiên tri” người dân ăn trứng luộc để thoát nạn diệt vong, Công an huyện Điện Biên Đông đã vào cuộc xác minh và phát hiện người tung tin nhảm là 1 hot girl Điện Biên.

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một tài khoản có tên “Sương Đêm” tung tin rằng ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên xuất hiện trường hợp trẻ mới sinh ra đã biết nói và cháu bé nói rằng ăn trứng luộc có thể kháng được dịch bệnh virus corona.
Ngày 11/2, thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Công an huyện Điện Biên Đông cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin trên, Công an huyện Điện Biên Đông đã báo cáo với lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên và xin ý kiến chỉ đạo.
Kết quả ban đầu xác định, đối tượng tung tin đồn thất thiệt có tên là Lả, từng sống ở bản Na Phát, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông), đã đi lấy chồng và hiện đang sinh sống tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tung tin nham “an trung thoat kiep diet vong”, hot girl Dien Bien co bi phat?
Tài khoản Facebook tung tin thất thiệt. 
Dư luận hết sức bất bình trước thông tin bịa đặt gây hoang mang. Vậy, với việc tung tin nhảm "ăn trứng thoát kiếp diệt vong", hot girl Điện Biên có bị phạt?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong rất nhiều những tin đồn thất thiệt thời gian gần đây kể từ thời điểm có dịch Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra thì tin đồn này rất khó tin.
Tuy nhiên do dân trí chưa cao, điều kiện kinh tế xã hội phát triển không đồng đều, nhiều người vẫn chưa có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tiếp cận thông tin trên mạng xã hội nên vẫn nhiều người tin vào những tin đồn như thế này gây hoang mang dư luận.
Theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì khi nhà nước công bố dịch truyền nhiễm, các nhiệm vụ tiếp theo để phòng và chống dịch được thực hiện bao gồm: thông tin giáo dục, truyền thông về tình trạng dịch bệnh, kiểm dịch ý tế biên giới, vệ sinh môi trường, cách ly phòng dịch...
Trong đó vấn đề thông tin, truyền thông là vấn đề quan trọng. Cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết đặc điểm của loại virus gây bệnh, mức độ lây lan, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, các cách thức phòng bệnh, những khả năng có thể lây lan, các biện pháp để đảm bảo sức khỏe cho người dân...
Bên cạnh các kênh thông tin truyền thông chính thống từ trang thông tin điện tử của bộ y tế, báo đài trung ương và địa phương thì các thông tin trên mạng xã hội cũng có nhiều thông tin về tình trạng dịch bệnh.
Tung tin nham “an trung thoat kiep diet vong”, hot girl Dien Bien co bi phat?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Bởi vậy, người dân nên thận trọng trước các thông tin trên mạng xã hội bởi thông tin trên mạng xã hội là thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực và có rất nhiều thông tin không chính xác, thậm chí tin giả, tin sai sự thật, nếu vội vàng tin vào các thông tin này chúng ta sẽ thấy hoang mang, nghi ngờ về tình trạng dịch bệnh.
Tất cả các thông tin về tình trạng dịch bệnh, cách phòng và chống dịch đều phải được tiếp nhận từ những kênh chính thống, các báo đài có sự quản lý của nhà nước. Các thông tin trên mạng xã hội chỉ có tính chất tham khảo, những thông tin đó chỉ có thể đáng tin khi được xác minh, điều tra, đánh giá bằng kết quả điều tra, nghiên cứu của cơ quan có chuyên môn, có thẩm quyền.
Sau sự việc tung tin là trẻ sơ sinh có thể nói, hướng dẫn cách phòng và trị bệnh viêm phổi cấp thì chính quyền địa phương đã có thông tin phản hồi, khẳng định trên địa phương không có đứa trẻ nào có khả năng đặc biệt như thế, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo trứng luộc không có khả năng chống được loại bệnh dịch này. Bởi vậy có thể khẳng định rằng đây là tin đồn thất thiệt, thông tin giả mạo.
Thông tin này có thể gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến hoạt động phòng và chống dịch bởi vậy hành vi này là rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Dù bất kể lý do tung tin này để phục vụ mục đích cá nhân hay vì thiếu hiểu biết thì người phụ nữ này vẫn sẽ bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Trong trường hợp nếu hành vi tung tin đồn nhằm bán sản phẩm, trục lợi thì hành vi này còn có thể bị xem xét xử lý về các hành vi liên quan đến lừa đảo, gian dối, chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp hành vi tung tin đồn thất thiệt mà gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 288 bộ luật hình sự năm 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Với hàng trăm trường hợp vi phạm về hành vi đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội trong thời điểm dịch bệnh thì vụ việc xử lý vi phạm này sẽ là một bài học cho những người thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu hiểu biết pháp luật hoặc vì vụ lợi cá nhân mà tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, gây ảnh hưởng đến hoạt động phòng và chống dịch đang diễn ra quyết liệt như hiện nay.
>>> Xem thêm video: Triệu tập người tung tin "ăn trứng luộc, loài người sẽ thoát nạn diệt vong"

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Trung Vương