Việc chỉ thi 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT) công lập không chuyên năm học 2022-2023 đã làm giảm phần nào sự căng thẳng, lo lắng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh khi mà kỳ thi này năm nào cũng là kỳ tuyển sinh khốc liệt với chỉ có trên 60% học sinh có thể “đặt vé” vào các trường công lập.
Bớt một phần áp lực
Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 715/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội về phương án tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2022-2023. Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đồng ý phương thức tuyển sinh là thi tuyển với 3 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ thay vì 4 môn thường lệ trước đây.
Có thể nói, quyết định này của Thành phố khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh thở phào. Bởi học sinh khối 9 năm nay có đặc thù là 3 năm liền đều có thời gian học trực tuyến, trong đó năm học 2021-2022, thầy trò chủ yếu dạy và học qua hình thức online, chỉ có thời gian rất ít được học trực tiếp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học của thầy cô và kiến thức cơ bản của học sinh.
|
Học sinh THCS chuẩn bị bước vào kỳ thi vượt cấp. |
Dù chương trình đã được giảm tải nhiều, chỉ giữ lại nội dung cốt lõi nhưng vấn đề chất lượng dạy và học vẫn khiến thầy cô, phụ huynh, học sinh trăn trở, lo lắng. Chưa kể, các em học sinh còn bị ảnh hưởng nặng nề về thể chất và tâm lý do dịch bệnh kéo dài.
Chị Nguyễn Thị Giang, quận Cầu Giấy, Hà Nội thở phào: “Từ khi biết tin kỳ thi vào lớp 10 chỉ còn 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, con gái rất vui mừng, tinh thần ôn luyện của con cũng được nâng lên vì đã giảm tải một phần áp lực. Gia đình cũng không đặt kỳ vọng quá nhiều về việc con có đỗ vào trường công lập hay vọng vì suốt hơn 2 năm qua ai cũng quá mệt mỏi vì dịch bệnh rồi, chỉ cần con học và thi đúng năng lực của mình là đã thấy vui rồi”.
Em Trần Hà Anh (học sinh lớp 9 Trường THCS Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Quyết định thi 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên là hoàn toàn hợp lý. Hiện giờ, chúng em đã vững tin hơn cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới”.
Hãy đồng hành cùng con
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề thi cử, cần tổ chức thi sao cho phù hợp với học sinh. Chủ yếu vẫn là đánh giá năng lực, tư duy của học sinh chứ đừng vì điểm số mà gây áp lực, nhồi nhét, học thuộc, học thêm nhiều.
“Cần phải hướng dẫn cho các em học sinh biết cách học, rèn luyện, kích thích sự sáng tạo chứ không phải học thuộc, bắt ép, học nhiều thầy cô, nhiều lớp”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói và nhấn mạnh việc phụ huynh và thầy cô phải đồng hành cùng với các con, định hướng cho các con học hành nghiêm túc, hiệu quả vì sự phát triển của bản thân chứ đừng vì thành tích, danh hiệu.
Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng khuyên phụ huynh chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần cho con em mình thật tốt trước một kỳ thi quan trọng. Cần quan tâm, hiểu rõ sức lực của con đến đâu để từ đó động viên con thi đến đó, đừng có quá kỳ vọng, gây áp lực và đừng ganh đua thái quá.
“Sở Giáo dục và Đào tạo nên có đề thi thử để các em làm quen với các dạng đề. Các đề thi cũng nên hướng nhiều vào việc vận dụng kiến thức, áp dụng thực tế, gắn với cuộc sống của các em”, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội nêu ý kiến.
Cô Phí Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) cũng cho rằng, công tác ổn định tâm lý cho các em học sinh sau đại dịch COVID-19 là rất quan trọng. Vì điều này giúp các em có đủ tinh thần và trí tuệ để sẵn sàng vượt cấp.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 1, vì học online trong thời gian kéo dài nên khi các em quay trở lại trường học trực tiếp đã bị ảnh hưởng một phần, khả năng tập trung trong giờ học giảm, một số em bị rỗng kiến thức cơ bản. Do đó, với chương trình giảm tải của ngành giáo dục thì trường cũng chỉ dạy trọng tâm cơ bản của chương trình, vừa dạy vừa hệ thống lại cho các em để nắm vững kiến thức.
“Trước khi bước vào kỳ thi vào lớp 10, nhà trường vẫn để các em học đều các môn để có kết quả thi cuối kỳ, đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Sau đó sẽ tập trung cho các em ôn thi 3 môn để vượt cấp. Nhà trường cũng đã lên kế hoạch tổ chức thi thử, rèn luyện kỹ năng làm đề cho các em. Ngoài ra, các giáo viên sẽ hệ thống hóa thông qua các bài kiểm tra, nếu kiến thức chưa đảm bảo thì sẽ ôn luyện thêm cho các em”, cô Phí Thị Thu Hương nói và cho biết hiện tâm trạng chung của cả phụ huynh, giáo viên và học sinh là đều lo lắng nhưng cũng rất vui vì các em đã được quay trở lại trường ở đợt sát kỳ thi nên cũng có phần yên tâm. Thông qua các buối sinh hoạt, nhà trường cũng tổ chức chương trình tuyên truyền, ổn định tâm lý, động viên tinh thần các em.
“Nhà trường đặc biệt chú ý đến công tác tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh và học sinh vì điều này sẽ giúp cho các em biết được lực học của mình để chọn trường phù hợp. Đặc biệt, sẽ để phụ huynh không gây áp lực cho con em mình”, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 1 cho hay.
Theo dự kiến, lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2022-2023 sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 20/6. Với việc giảm môn thi và sự đồng hành của các phụ huynh, thầy cô chắc chắn học sinh cũng được giảm phần nào áp lực thi cử vốn quá nặng nề thời gian qua.
Năm học 2021-2022, dự kiến toàn Thành phố Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020-2021). Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, khoảng 60% số học sinh tuyển vào các trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.
Như vậy, năm học 2022-2023, dự kiến các trường THPT tuyển vào lớp 10 khoảng 104.000 học sinh (trong đó các trường công lập tuyển khoảng 77.000 học sinh, các trường tư thục tuyển khoảng 27.000 học sinh), tuyển vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên khoảng 12.900 học sinh và tuyển vào các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp khoảng 12.100 học sinh.
Thiên Tuấn