Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện video 2 con bò được thả ngoài đường, mặc dù người chủ có buộc dây để dắt nhưng 1 con bò đã quay sang húc người đi xe máy. Hậu quả làm người đi xe máy ngã ra đường.
Video: Bò gây tai nạn trước mặt chủ. Nguồn: 91.com.
Việc thả rông vật nuôi gây tai nạn không phải trường hợp hiếm ở nước ta. Trước đó, vào tháng 8/2020 tại Nghệ An, ô tô 4 chỗ do một người phụ nữ điều khiển khi đến gần trước cổng UBND xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thì xảy ra va chạm với một con trâu đang đi trên đường khiến chiếc xe ô tô 4 chỗ hư hỏng nặng.
|
Hiện trường vụ tai nạn. |
Một vụ việc khác xảy ra vào tháng 10/2019, hai vợ chồng đi xe máy đâm vào chó chạy rông tại xã Tô Mậu (Lục Yên, Yên Bái). Vụ tai nạn khiến người chồng tử vong tại chỗ do xe tải đi cùng chiều chèn qua, người vợ nguy kịch.
Cũng liên quan đến vật nuôi thả rông, vào tháng 2/2019, anh Hoàng Văn Thại (SN 1996, Hương Khê, Hà Tĩnh) điều khiển xe máy khi đến địa phận thôn 2, xã Phúc Trạch (Hương Khê) thì đâm vào trâu của gia đình ông Minh ở xã Phúc Trạch đang đi bên đường. Cú đâm mạnh khiến anh Thại tử vong tại chỗ, xe máy bị hư hỏng nặng. Con trâu của gia đình ông Minh bị gãy chân.
|
Nơi xảy ra tai nạn. |
Việc thả rông vật nuôi, gia súc trên đường bộ là hành vi bị pháp luật ngăn cấm. Tuy nhiên thực tế thì việc thả rông vật nuôi dẫn đến tai nạn lại diễn ra khá phổ biến. Vậy, trường hợp vật nuôi tahả rông gây tai nạn, trách nhiệm chủ thế nào?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng- Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay tình trạng thả rông, dẫn dắt gia súc trên đường là rất phổ biến và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đã có không ít các vụ tai nạn xảy ra do việc thả rông trâu bò hoặc do người dẫn dắt gia súc không tuân thủ luật giao thông.
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ, không được thả rông súc vật trên đường bộ. Với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng. Điều 10 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định phạt tiền từ 60-100 ngàn đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông; để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển.
Luật sư Hùng cho biết thêm, trường hợp chăn thả súc vật ra đường, khiến xe cộ, người tham gia giao thông hoảng loạn, gây tai nạn chết người, thì có thể áp dụng Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
Theo đó, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.
Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
quy định:
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;
4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
>>>>> Xem thêm video: Chăn thả gia súc trên quốc lộ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông