CSĐT Bộ Công an đã ký quyết định số 17/VPCQCSĐT-P4 tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến 9 dự án "đất vàng" tại tỉnh Bình Thuận.
Ảnh hưởng của COVID-19
Cụ thể, các dự án gồm: Dự án Khu du lịch Hòn Lan, Dự án sân golf Phan Thiết, Dự án lấn biển và sắp xếp lại dân cư phường Đức Long, Phan Thiết (Hamubay), Dự án Biển Quê Hương, Dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn, Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (lô đất số 18, 19 và 20), Dự án rừng dầu Hồng Liêm, Dự án Bồng lai tiên cảnh và du lịch sinh thái Xuân Quỳnh và cuối cùng là Dự án Khu liên hợp Hồ điều hòa phường Hưng Long, Phan Thiết.
|
Dự án lấn biển và sắp xếp lại dân cư phường Đức Long (Hamubay Phan Thiết) nằm trong danh sách bị Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ.
|
Theo quyết định phân công giải quyết nguồn tin tội phạm ngày 3/5 của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an thì do thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã hết, Cơ quan CSĐT đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận và các tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu.
Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cả TP Hà Nội và Bình Thuận đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, điều này ảnh hưởng đến thời hạn xác minh và các cơ quan tổ chức, cá nhân chưa cung cấp đầy đủ các tài liệu có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Cơ quan CSĐT cũng đã trưng cầu giám định viên Bộ Xây dựng và và Bộ TN&MT giám định việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch và xây dựng của UBND tỉnh Bình Thuận, các sở ban ngành có liên quan và xác định hậu quả thiệt hại, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Căn cứ Điều 36 và Điều 148 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quyết định phân công của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đối với 9 dự án đất vàng ở Bình Thuận nêu trên.
“Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm nêu trên và xem xét, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khi có kết luận giám định” - kết luận của Quyết định nêu rõ.
Trước đó, ngày 13/7/2021, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an cũng đã ký 3 công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp, rà soát, cung cấp thông tin hồ sơ pháp lý và tạm dừng giao dịch đối với các tài sản tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (Phan Thiết) và dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, Phan Thiết.
Ngày 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản gửi các Sở TN&MT; Xây dựng và UBND TP Phan Thiết.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao các đơn vị trên phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp thông tin, hồ sơ pháp lý về các tài sản và việc giao dịch mua bán các tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Rạng Đông; Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; Công ty Cổ phần Tân Việt Phát tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2...
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các nội dung đề nghị, yêu cầu của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an tại 3 công văn trên.
Đáng chú ý, việc Cơ quan CSĐT vào cuộc xuất phát từ đơn tố cáo và nghiệp vụ trinh sát. Vì vậy, ngày 3/5, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã có quyết định phân công Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cùng ngày, Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành đã ký công văn gửi UBND tỉnh và một số sở, ngành có liên quan tại Bình Thuận.
Từ “đất vàng” không qua đấu giá
Như báo chí đã phản ánh, sau khi có những tờ trình “hoả tốc” về tham mưu của các sở ban ngành cho UBND tỉnh Bình Thuận thì hàng trăm nghìn mét vuông "đất vàng", đất công tại trung tâm thành phố Phan Thiết, Bình Thuận bỗng dưng rơi vào tay tư nhân một cách “bất thường”.
|
Dự án sân golf Phan Thiết nay trở thành khu đô thị.
|
Điều đáng nói, tất cả các khu đất này chủ yếu có nguồn gốc là đất công, đất rừng… thông qua công tác giải tỏa (mồ mả, đất ở, nhà ở, đất rừng… của những người dân nghèo, đất quy hoạch làm trụ sở cơ quan hành chính), nhưng sau đó được chính quyền tỉnh Bình Thuận giao cho doanh nghiệp nhưng không thông qua đấu giá.
Nghiêm trọng hơn, trong quá trình thực hiện còn lộ rõ những lỗ hổng, yếu kém của các cơ quan tham mưu trong việc áp dụng luật định, đối tượng ưu tiên, thậm chí là xuất hiện những dấu hiệu của việc "luật chưa thông”… nhưng “đất công đã loạn”.
Liên quan tới những “lùm xùm” về việc giao đất không thông qua đấu giá tại tỉnh Bình Thuận, ngày 18/11/2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp báo xung quanh những thông tin về bốn dự án trên địa bàn tỉnh được giao đất không qua đấu giá.
Theo đó, thông tin với báo chí tại buổi họp báo, đại diện chính quyền tỉnh Bình Thuận cho rằng: Tất cả các dự án trên đều nằm trong chương trình ưu đãi kêu gọi đầu tư của tỉnh và thuộc “địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn”. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, việc giao đất cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá đối với các dự án trên là đúng theo quy định của pháp luật?
Tuy nhiên, ở phần nội dung trả lời báo chí của tỉnh Bình Thuận ngay lập tức đã vấp phải những phản ứng và ý kiến trái chiều từ phía các cơ quan báo chí với nhiều câu hỏi xoay quanh các dự án.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Những bất thường của một dự án thu hồi đất cho thuê ở Bình Thuận
Hiểu Lam