Viên chức hách dịch có thể mất việc: Ai đánh giá?

Google News

Phải có cơ quan thanh kiểm tra, giám sát thật sự công tâm, trách nhiệm nếu không cũng chỉ như "đánh trống bỏ dùi", quy định nhưng không xử lý được ai.
 
 

     Theo quy định mới tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, từ ngày 20/9, những viên chức lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền... có thể bị kỷ luật buộc thôi việc.
    Vien chuc hach dich co the mat viec: Ai danh gia?
    Viên chức hách dịch có thể bị mất việc. Ảnh minh họa: Dân Việt 
    Ủng hộ những quy định nêu trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính cho rằng, loại bỏ những cán bộ, viên chức có thái độ hách dịch, cửa quyền, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị là rất cần thiết. Việc này sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, công tâm, giỏi nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, sâu sát cơ sở, thực tâm vì nhân dân phục vụ.
    Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là những công chức, viên chức có thái độ hách dịch, cửa quyền thường xuất hiện ở những cơ quan hành chính, các lĩnh vực tiếp xúc nhiều với người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, ngân hàng... và hầu hết ở những lĩnh vực nào cũng đều nhận được những than phiền, kêu ca từ phía người dân.
    Do đó, để đo lường mức độ hài lòng của người dân với cán bộ, công chức, viên chức để đưa ra đánh giá, nhận xét, thậm chí là xem xét xử lý kỷ luật thì rất cần phải lấy ý kiến của chính những người trực tiếp tiếp xúc (người dân, doanh nghiệp...) với đội ngũ cán bộ, viên chức làm việc ở những lĩnh vực, cơ quan này.
    "Thực tế, có nhiều cơ quan đã triển khai việc lấy ý kiến đánh giá cán bộ, viên chức, công chức thông qua phiếu thăm dò ý kiến về việc hài lòng hay không hài lòng của khách hàng, tuy nhiên, việc này lâu nay vẫn còn mang nặng tính hình thức.
    Thăm dò, lấy ý kiến cũng chỉ để đấy, chưa thấy có biện pháp xử lý quyết liệt nhằm điều chỉnh thái độ, cách ứng xử của công chức, viên chức. Vì điều này mà người dân và doanh nghiệp vẫn chưa thể hài lòng với thái độ, ứng xử ở một số nơi, của một số cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực cơ quan hành chính nhà nước", vị chuyên gia nói.
    Tiếp theo, vị chuyên gia cho rằng cần phải đưa ra quy định về cách ứng xử với từng vị trí, công việc rất cụ thể. Ví dụ, với những vị trí, công việc phải tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp thì buộc phải thực hiện theo điều lệ nào, thái độ như thế nào và nếu vi phạm phải xử lý ra sao? Phải rất cụ thể như vậy để khi người dân nhìn vào là có thể biết được ngay cán bộ, công chức, viên chức đang phục vụ mình có thái độ đúng hay sai, cần phải xử lý như thế nào.
    Khi có những quy định rất cụ thể như vậy, thì bản thân người dân và doanh nghiệp cũng sẽ coi đó như công cụ để tự bảo vệ quyền lợi cho mình và buộc người cán bộ, công chức, viên chức đó phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao.
    Vấn đề nữa là công tác đánh giá, giám sát, xử lý cũng phải rất công khai minh bạch.
    Ngoài việc phải công khai thông tin phản ánh, điều quan trọng nhất là phải thay đổi phương thức quản lý, hay nói cách khác là phải thiết lập, cải tiến được cách thức quản lý của các cơ quan công sở, các đơn vị hành chính.
    "Theo quan niệm tiến tới, cơ quan hành chính nhà nước sẽ là một đơn vị cung cấp dịch vụ, người dân là đối tượng sử dụng các dịch vụ đó, như vậy, tư duy "hành là chính" sẽ phải bị triệt tiêu, thay vào đó "khách hàng sẽ là thượng đế", các đơn vị nhà nước phải nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng phục vụ thì mới được.
    Như vậy, việc đề ra các quy định, quản lý tại mỗi cơ quan là rất quan trọng.
    Việc này phụ thuộc nhiều vào từng tính chất, đặc thù công việc, đặc biệt là việc bố trí, sắp xếp nhân lực cho phù hợp. Việc này đòi hỏi mỗi nhà quản lý, người đứng đầu mỗi cơ quan phải có năng lực, có tầm nhìn, phải biết tuyển chọn, sử dụng con người cho hiệu quả", PGS Nguyễn Hữu Tri nhận định.
    Trong việc xử lý, kỷ luật với những cán bộ, viên chức, công chức có thái độ hách dịch, cửa quyền, vị chuyên gia đặc biệt lưu ý việc xử lý phải rất công tâm, khách quan.
    Ông nhấn mạnh, việc tổ chức lấy ý kiến, tiếp nhận thông tin phản ánh từ phía người dân đã phải được tổ chức rất khoa học, công khai, nhưng tiếp sau đó, việc tiếp nhận và xử lý những thông tin phản ánh đó như thế nào là rất quan trọng.
    "Không thể lấy ý kiến rồi xếp tủ, cất đi. Càng không thể lấy ý kiến phản ánh những cuối cùng lại bao che, xuê xoa, không xử lý ai.
    Điều này rất dễ xảy ra nếu cơ chế đánh giá, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức còn chưa thể thay đổi. Bệnh thành tích vẫn tồn tại thì việc xử lý khó kiên quyết, dứt điểm, bởi không ai muốn mất lòng ai, không ai muốn ảnh hưởng tới kết quả thi đua của nhau cả", ông Tri nêu.

    Theo Thái Bình/ Báo Đất Việt