Viettel doạ cắt dịch vụ công Hà Nội: Ai chịu ảnh hưởng nặng nhất?

Google News

(Kiến Thức) - Vừa qua, Viettel gửi “tối hậu thư” đến UBND TP Hà Nội thông báo sẽ ngừng cung cấp dịch vụ từ 0 giờ ngày 4/7, do Hà Nội nhiều lần trễ hẹn thanh toán công nợ. Điều này đồng nghĩa 2.180 thủ tục được triển khai trực tuyến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Vừa qua, Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC, thuộc Tập đoàn Viettel) - đơn vị cung cấp trung tâm dữ liệu cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến của UBND TP Hà Nội cho biết sẽ ngừng cung cấp dịch vụ từ 0 giờ ngày 4/7, do Hà Nội nhiều lần trễ hẹn thanh toán công nợ hơn 200 tỷ đồng.

Viettel doa cat dich vu cong Ha Noi: Ai chiu anh huong nang nhat?
Viettel thông báo cắt dịch vụ công Hà Nội.  

Theo đó, hiện có 2.180 thủ tục hành chính trực tuyến từ phường xã, quận huyện đến sở ngành, trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, dịch vụ hành chính công. Trong đó có 1.689 thủ tục hành chính cấp sở ngành, 331 cấp huyện xã và 179 thủ tục cấp phường xã.

Nhiều dịch vụ quan trọng được Hà Nội áp dụng trực tuyến như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn đến cấp đổi giấy phép lái xe, đăng ký tuyển sinh đầu cấp, hệ thống y tế... 

Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Hà Nội, lĩnh vực giáo dục với 2.444 trường đang được triển khai rộng rãi, vì thế khi cắt dịch vụ công sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là những kỳ thi vào các cấp của học sinh. 

Đánh giá về mặt công nghệ, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Điện tử - viễn thông, Viện Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu thực sự Viettel IDC cắt dịch vụ công của Hà Nội, đồng nghĩa các thủ tục đang làm trực tuyến (online) hiện nay sẽ trở về chế độ ngoại tuyến (offline).

Tức, người dân sẽ phải đến điểm dịch vụ để khai và làm các thủ tục như trước đây. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nhiều sở ngành, quận huyện cũng như người dân.

Bởi lúc này, Hà Nội phải làm các thủ tục ở chế độ ngoại tuyến, là đi lùi lại so với thời đại. Người dân mất công đi lại, thời gian chờ đợi, tốn kém về tiền bạc.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, cán bộ thực hiện các dịch vụ vẫn có thể kê khai, lưu trữ vào hệ thống như bình thường nếu cơ sở dữ liệu công của Chính phủ điện tử được thiết kế độc lập với nhà cung cấp và có thể sẵn sàng chạy trên hệ thống mạng và máy chủ của Hà Nội quản lý.

“Tôi tin Hà Nội sẽ không để dịch vụ công bị cắt. Bởi trường hợp xấu chưa thể trả nợ, có thể chuyển hệ thống sang máy chủ của đơn vị khác để đảm bảo duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào hệ thống. Nếu hệ thống, CSDL do Viettel thiết kế phụ thuộc hoàn toàn vào Viettel, thì mức độ ảnh hưởng sẽ lớn do Viettel là nhà cung cấp độc quyền. Hà Nội không thể chuyển sang nhà cung cấp khác” - PGS.TS Nguyễn Đức Minh phân tích.

Một chuyên gia công nghệ thông tin cũng cho rằng, nếu cắt dịch vụ công Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng nhiều, trong đó giáo dục bị tác động lớn. Bởi hiện nay, các trường đang hoạt động trên nền tảng liên kết thông tin mạng lẫn nhau từ các yếu tố rất nhỏ nhất như thông tin học sinh, điểm số, mã số học sinh, các kế hoạch... 

Nếu cắt dịch vụ công, đồng nghĩa các trường phải quay về dùng cách tập hợp riêng, học sinh và giáo viên không cập nhật được các dữ liệu... Điều này dẫn đến cập nhật dữ liệu chậm, vỡ kế hoạch, ảnh hưởng đến quá trình thi cửa sắp tới của các em.
Vì thế, có thể nói, khi dịch vụ công của Hà Nội bị tạm dừng, các sở ngành, địa phương sẽ bị ảnh hưởng nhưng thời điểm này giáo dục sẽ chịu tác động lớn và sớm nhất. 

 Khi gửi thông báo cắt dịch vụ, Viettel IDC đề nghị, trong thời gian từ 30/6 đến hết ngày 3/7, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện sao lưu dữ liệu trước khi ngừng dịch vụ.

Sau ngày 3/7, đơn vị này sẽ không chịu trách nhiệm về dữ liệu của TP tại Trung tâm dữ liệu Hòa Lạc khi ngừng dịch vụ.

Đại diện Viettel IDC cho biết, đơn vị này cung cấp Trung tâm dữ liệu chính cho TP.Hà Nội (data center - đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc) để triển khai các dịch vụ hành chính công, giáo dục, y tế trực tuyến cho TP. 

 

Hà Trang