Theo Báo Công Lý, trong kháng nghị của VKSND Tối cao đặt vấn đề: dấu vân tay thu được tại hiện trường có phải của Hồ Duy Hải? Tại bút lục 53 nêu rõ Bản kết luật giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận "các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải".
Giải trình về vấn đề này, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An khẳng định việc thu giữ dấu vân tay và khám nghiệm hiện trường vụ án được tiến hành theo đúng quy định. Cơ quan điều tra này cho biết đã tiến hành lấy mẫu vân tay tại hiện trường vụ án và khu vực nhà vệ sinh. Kết quả không thu được dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Điều này phù hợp với lời khai của Hải trước đó.
Cụ thể, tại các biên bản hỏi cung, Hải khai nhận sau khi giết hai nạn nhân, anh ta ra nhà vệ sinh rửa tay và dao nên dấu vân tay không lưu lại tại đây. Ngoài ra, cơ quan điều tra thu thập 144 vân tay, trong đó 119 vân tay liên quan đến vụ án, ngoài ra còn giám định 25 vân tay các thành phần tham gia tiến hành khám nghiệm hiện trường để giám định.
Thành viên Hội đồng Thẩm phán đặt vấn đề: Diễn biến vụ án có rất nhiều chỗ có thể có vân tay để lại, từ cốc uống nước, điện thoại, quần áo… tại sao lại không thấy vân tay của Hồ Duy Hải? Những dấu vân tay còn lại là của ai? Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai, còn có 2 người tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol đã được truy xuất dấu vân tay chưa?
Đại diện cơ quan điều tra giải thích, khu vực Cầu Voi là nơi công cộng có rất nhiều người ra vào mỗi ngày. Tại hiện trường vụ án, công an đã thu giữ được 7 dấu vân tay, trong đó 2 dấu vân tay của nạn nhân, còn lại 5 dấu vân tay khác không xác định được.
Về Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol, cơ quan điều tra Long An cho biết đã lấy dấu vân tay nhưng kết quả không trùng khớp với dấu vân tay tại hiện trường.
Chủ tọa phiên tòa cho biết luật sư Trần Hồng Phong (người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải) có đơn tố giác hai người này liên quan đến vụ án, đề nghị điều tra viên làm rõ dựa vào căn cứ nào để loại trừ Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol?
Điều tra viên trả lời: Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol là hai nhân vật bị tình nghi; tuy nhiên, giám định vân tay không trùng khớp với vân tay tại hiện trường. Ngoài ra, thời điểm xảy ra vụ án, cả hai người này có bằng chứng ngoại phạm.
Về ý kiến cho rằng Hồ Duy Hải thực hiện rất nhiều thao tác tại nhiều vị trí ở Bưu điện Cầu Voi nhưng không để lại dấu vấn tay, cơ quan điều tra cho biết việc không thu được dấu vân tay là bình thường. Thực tế, việc khám nghiệm không thu được dấu vân tay của nạn nhân Hồng, 5 dấu vân tay khác cũng không xác định được.
|
Toàn cảnh tại phiên tòa. |
Bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội?
Tại phiên xử chiều qua (7/5), Hội đồng thẩm phán công bố biên bản làm việc của đại diện Viện KSND Tối cao lấy lời khai Hồ Duy Hải ngày 27/9/2011, tại trại tạm giam Công an tỉnh Long An. Theo nội dung biên bản, bị cáo Hồ Duy Hải thừa nhận dùng hung khí là thớt và dao để giết nạn nhân H. trước, rồi dùng ghế, dao giết V. sau để bịt đầu mối. Sau khi gây án thì Hải đi rửa tay.
Theo biên bản này, Hải khai quá trình điều tra không bị ép cung, nhục hình. Biên bản này có chữ ký xác nhận của Hồ Duy Hải. Đồng thời, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau khi có kháng nghị của VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giao Cơ quan CSĐT của Bộ thành lập một tổ công tác điều tra độc lập để thẩm định lại vụ án này. Tổ công tác này đã trình bày báo cáo trước Hội đồng thẩm phán.
Báo cáo của Bộ Công an xác định bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Cũng tại phiên tòa, đại diện VKSND Tối cao cho rằng, nội dung kháng nghị đã chỉ rõ các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm tố tụng, bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan điều tra và đại diện cơ quan tố tụng sơ thẩm, phúc thẩm thì những vấn đề này không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án.
Cụ thể, về việc không thu thập đầy đủ các vật chứng (thớt và ghế), điều tra viên cho biết, khi khám nghiệm hiện trường có rất nhiều đồ vật. Trong khi, vết thương trên người nạn nhân là bị cứa cổ nên cán bộ điều tra đã sai sót khi chỉ nghĩ tới dao, không thu lại ghế và thớt. Sau đó nhân viên bưu điện đã đốt các đồ vật này đi.
Đến khi bắt được bị cáo Hải, dựa vào lời khai của Hải mới biết Hải dùng hung khí là thớt, dao để sát hại nạn nhân H. và dùng ghế, dao để sát hại nạn nhân V. Sau đó Cơ quan điều tra đã sử dụng đồ vật tương tự để dựng lại chính xác hiện trường.
Về việc không đưa ra lời khai đầu tiên với nội dung không nhận tội của Hồ Duy Hải, điều tra viên lý giải, do lời khai ban đầu chỉ là sàng lọc nên không lưu trong hồ sơ. Cụ thể, khi rà soát danh sách cuộc gọi tại Bưu điện Cầu Voi thấy có số của Hải nên cơ quan điều tra mời Hải lên hỏi như những người khác. Đáng nói, Hải khai đi đám tang cùng một số người, nhưng qua xác minh thì thấy Hải không đến đám tang nên mới dẫn đến nghi vấn.
Một vật chứng quan trọng khác, đó là chiếc mặt dây chuyền thu được dưới áo ngực của nạn nhân. Theo lời khai, Hải lấy dây chuyền trên cổ nạn nhân đi bán. Tới nơi mua lại vật chứng theo lời khai của Hải, cơ quan điều tra thu được sợi dây chuyền bị thiếu mặt. Tình tiết này cho thấy, lời khai và vật chứng tại hiện trường trùng khớp.
Đại diện VKSND Tối cao tiếp tục đưa ra dẫn chứng việc cơ quan điều tra không thu thập đầy đủ các vật chứng, việc thu thập dấu máu chậm dẫn đến không kết luận được máu đó của ai. Trước ý kiến của VKSND Tối cao, thành viên Hội đồng Thẩm phán nêu câu hỏi: "VKSND Tối cao cho rằng việc không thu giữ vật chứng, không rõ mẫu máu, nhóm máu là những vi phạm nghiêm trọng. Giả sử Hội đồng chấp nhận hủy bản án đó đi, thì những nội dung này có khắc phục được không?".
Đại diện VKSND Tối cao tiếp tục khẳng định, đây là những vi phạm nghiêm trọng. Còn nếu hủy bản án, có điều tra lại được hay không là việc của cơ quan điều tra. Vị đại diện VKSND Tối cao cũng nhấn mạnh: "Kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan, mà đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng".
>>> Xem thêm video: Đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội vụ Hồ Duy Hải
Trung Vương