Vụ Cty Việt Á - Kit Test COVID-19: Trục lợi trong dịch bệnh là tội ác!

Google News

Đất nước còn nhiều khó khăn, người dân khốn khổ vì đại dịch, việc nâng giá trục lợi từ kit test COVID như vậy không chỉ vô lương tâm mà còn là tội ác.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh Kit xét nghiệm COVID xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương có liên quan. Vụ việc tiếp tục gây bức xúc dư luận sau hàng loạt bê bối ngành y trong thời gian qua.
Vu Cty Viet A - Kit Test COVID-19: Truc loi trong dich benh la toi ac!
Hai bị can Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến. 
Trục lợi trên nỗi đau khổ của người dân là không còn tính người
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, lần trước khi chất vấn tại Quốc hội, bản thân ông đã từng nói rằng, không chỉ các thiết bị y tế mà ngay test COVID-19 giá cũng rất loạn xạ và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế phải kiểm tra lại và giải trình trước cử tri về vấn đề này.
“Trong tình hình đại dịch COVID-19 làm cho cả nước lao đao, người dân khốn khó, thế mà các đối tượng vẫn lợi dụng việc này để trục lợi trên nỗi đau khổ của người dân, nâng khống, làm tăng giá các loại thiết bị y tế chứ không chỉ riêng kit test COVID-19. Đấu thầu lại thông thầu, chọn thầu và chỉ định thầu như một số bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai nay là CDC Hải Dương dẫn đến người đứng đầu phải đối mặt với vòng lòng lao ý”, ông Lê Như Tiến nói.
Ông Lê Như Tiến thẳng thắn xảy ra rằng, để xảy ra những vụ việc trên cho thấy tình trạng không kiểm soát được những giá cả, thiết bị y tế nói chung và giá thành test COVID nói riêng.
“Thực ra đó là sự nhẫn tâm, không còn tính người. Trong lúc đang dịch bệnh, người dân khốn khó, khổ sở như thế mà lại còn tăng giá kit test trục lợi trên nỗi đau của người dân thì phải lên án mạnh mẽ”, ông Tiến nói.
Theo ông Lê Như Tiến để xảy ra những sự việc như trên có nhiều nguyên nhân và cần phải có giải pháp.
“Thứ nhất là giám sát của cơ quan chức năng, ở đây là Bộ Y tế. Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước về giá là Bộ Tài chính cũng phải có trách nhiệm giám sát về giá. Thứ ba là trách nhiệm người đứng đầu về trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm giải trình trước những vụ việc sai phạm.
Thứ tư, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, nêu cao vai trò thanh tra kiểm tra thì không để đến mức sự việc xảy ra như thế. Thứ năm đó chính là tai mắt. Tai mắt ở đây là trong một cơ quan đơn vị có rất nhiều những tổ chức khác nhau, cấp ủy ở đó, cán bộ công chức giám sát việc làm của người đứng đầu. Đó là những nguyên nhân đồng thời cũng là giải pháp để làm tốt hơn trong thời gian tới”, ông Lê Như Tiến nói.
Vu Cty Viet A - Kit Test COVID-19: Truc loi trong dich benh la toi ac!-Hinh-2
 Ông Lê Như Tiến.
Cần làm rõ trách nhiệm liên đới
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, đất nước còn nhiều khó khăn, vắc xin còn chưa đủ, điều kiện dịch bệnh bùng phát khó khăn như vậy, việc sử dụng các kit thử để xét nghiệm COVID-19 nhưng họ đã lợi dụng việc này, cấu kết, nâng giá lên không chỉ là sự vô lương tâm, vô đạo đức mà đấy là tội ác.
“Trong quá trình chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng luôn nhắc rằng không ai được phép lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Việc Bộ Công an phát hiện điều tra vụ án trên tiếp tục là bằng chứng hùng hồn thể hiện sự vô lương tâm của những doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế trong vụ kit xét nghiệm COVID-19 vừa rồi đối với dân chúng”, bà Bùi Thị An nói.
Bà Bùi Thị An cho rằng, cần phải làm rõ, ngoài CDC Hải Dương còn các đơn vị ở các địa phương khác.
“Vì sao Công ty Việt Á lại có thể thắng thầu để có thể được phép cung cấp thiết bị kít xét nghiệm tại 62 tỉnh, thành?. Ai chỉ định, Hội đồng nào đã chỉ định, chọn để công ty Việt Á có quyền cung cấp thiết bị như vậy, trong khi doanh nghiệp này không phải đơn vị duy nhất cấp kit xét nghiệm”, bà An đặt hàng loạt câu hỏi.
Đồng thời, đề nghị phải xử lý nghiêm minh hành vi nâng khống giá của công ty Việt Á cũng như hành vi đút lót cho Giám đốc CDC Hải Dương và lãnh đạo các đơn vị khác trên cả nước.
“Làm rõ trách nhiệm tại sao trong quản lý Nhà nước lại không làm rõ chất lượng kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Á và giá cả của kít trong khi công nghệ hiện nay Chính phủ điện tử 4.0. Ai là người chịu trách nhiệm trong việc thả nổi giá để công ty Việt Á nâng khống như vậy. Đây là trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế. Bộ Y tế được Chính phủ giao cho chăm sóc sức khỏe cho dân, anh phải biết thiết bị y tế nào dùng được, chất lượng ra sao, giá kit bao nhiêu nhưng buông lỏng, để Việt Á hoành hành tự tung tự tác”, bà An nêu ý kiến.
Dẫn vụ việc Giám đốc CDC Hải Dương nhận 30 tỷ khi ký 5 hợp đồng mua kit xét nghiệm Covid của công ty Việt Á với tổng giá trị 151 tỷ đồng, bà An cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm liên đới của địa phương để xảy ra sự việc trên.
“Thủ tướng đã nêu rõ trách nhiệm của từng địa phương. Bất kỳ tiền nào cũng là tiền thuế của người dân, giao cho ngành nào mua bán nhưng người đứng đầu địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm. Có thể thời điểm đó, địa phương tập trung chống dịch nhưng khi đấu thầu mua sắm thiết bị y tế không chỉ một cơ quan CDC quyết được còn bao cơ quan khác. Do đóm đề nghị làm rõ trách nhiệm của những người liên đới của những người liên quan trước tiên là vụ việc Giám đốc CDC Hải Dương được đút lót gần 30 tỷ. Bởi không chỉ một mình Giám đốc CDC mà có thể làm được”, bà An nói.
Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương cùng 5 bị can khác liên quan vụ sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID của các địa phương trên cả nước và việc sản phẩm Kit test COVID thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành.
Để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng không giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét 16 địa điểm tại 8 tỉnh, thành phố bao gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Long An, Bình Dương, Cần Thơ và Nghệ An, thu giữ hàng trăm bộ hồ sơ, tài liệu, hợp đồng thầu, đồng thời triệu tập 30 đối tượng có liên quan đến cơ quan công an để điều tra làm rõ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cận cảnh xưởng sản xuất kit xét nghiệm của công ty Việt Á:

Nguồn: VTV24

Hải Ninh