|
Liên quan đến một số thiếu sót quá trình điều tra vụ án Hồ Duy Hải, đại tá Phạm Thanh Tâm, Phó giám đốc Công an tỉnh Long An cho biết sẽ kiểm điểm cán bộ, điều tra viên. |
Trong đơn kêu oan và tố giác làm sai lệch hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải lên Chủ tịch nước, Uỷ Ban Tư pháp, Viện KSNDTC và Chánh án TAND tối cao… ngày 3/7 mới đây, luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn luật sư TP. HCM người hỗ trợ pháp lý cho bị án Hồ Duy Hải đặt nghi vấn có người đã ở trên lầu 1 đêm xảy ra án (13/1/2008)…
“Chúng tôi nghi ngờ trên lầu 1 bưu cục Cầu Voi có dấu hiệu liên quan đến hung thủ gây án. Lý do thể hiện tại những điểm sau: Lầu 1 là nơi nạn nhân Hồng và người yêu là Nguyễn Mi Sol ngủ mỗi khi Mi Sol từ TP.HCM về thăm Hồng (theo thông tin từ chị Lê Thị Thu Hiếu, bạn thân của hai nạn nhân).
Mi Sol khai (BL 209): đang trong giai đoạn chung sống như vợ chồng với Hồng, hàng tuần đều về bưu cục Cầu Voi vào cuối tuần và ngủ lại qua đêm (đêm 13/1/2008 là Chủ Nhật).
Tại bưu cục Cầu Voi ở tầng trệt chỉ có 1 giường ngủ. Như vậy việc trên tầng 1 có thêm chỗ ngủ là điều hoàn toàn hợp lý, vì còn có Vân. Ít nhất 2 nhân chứng là anh Nguyễn Văn Thu và chị Lê Thị Thu Hiếu cho biết đêm 13/1/2008 (từ khoảng 20h30 - 22h) có bật đèn trên lầu 1.
Lời khai của chị Hiếu cho thấy đêm 13/1/2008 Mi Sol có về bưu cục Cầu Voi (trong khi đó lại không có bản khai hay tài liệu nào khác trong hồ sơ vụ án thể hiện đêm 13/1/2008 Mi Sol làm gì, ở đâu)…”.
Từ những thắc mắc trên, luật sư Phong cho rằng, cửa lên lầu 1 không thể ở trong tình trạng “khóa chết” không ai ra vào được, khi bưu cục hoạt động bình thường, bên trong lại có đặt máy móc, thiết bị, điện, bồn nước trên mái nhà, có lan can và bên dưới có người ở.
Chính vì vậy, khi khám nghiệm hiện trường ngày 14/1/2008, CQĐT không lên lầu 1, mà chỉ ghi đơn giản trong Biên bản là "cửa khóa, không có dấu cạy phá, bên trên để máy móc thiết bị" là có thể bỏ lọt dấu vết tội phạm….
“So sánh với ảnh do chính tôi chụp năm 2012, chúng tôi phát hiện cánh cửa “khóa” mà CQĐT ghi trong Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 14/1/2008 thực ra là một cửa giả (dùng để lấy sáng và quay ngang hông nhà). Cửa đi vào lầu 1 hoàn toàn không khóa…”, luật sư Phong nêu.
Để làm rõ thông tin lầu 1 bưu cục có giường ngủ và khóa hay không, PV Báo Giao thông đã tìm đến gặp ông Đinh Phú Hùng (nguyên giám đốc Bưu điện Thủ Thừa thời xảy ra án nay đã nghỉ hưu) để tìm hiểu thêm thông tin lầu 1.
Ông Hùng cho biết, do Bưu điện Cầu Voi là đơn vị trực thuộc Bưu điện huyện Thủ Thừa quản lý nên mọi hoạt động và sắp xết thiết bị ở đây ông nắm rất rõ.
|
Bưu điện Cầu Voi, hiện trường vụ án 12 năm trước |
Theo ông Hùng, Bưu điện Cầu Voi được chia ra làm 2 khu vực, khu vực tầng trệt thuộc Bưu điện huyện Thủ Thừa quản lý dùng cho các công tác giao dịch hàng ngày giữa nhân viên bưu điện và người dân. Còn trên tầng 1 chứa trang thiết bị, máy móc viễn thông thuộc viễn thông tỉnh Long An quản lý.
“Đường lên tầng 1 có cửa khóa, hai nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân không được phép lên xuống và cũng không có chìa khóa để mở. Muốn lên được lầu 1 chỉ có cán bộ kỹ thuật của viễn thông mới được phép vào để kiểm tra thiết bị. Nhưng chỉ vào làm việc ban ngày, ban đêm khóa vì đây là quy định. Do đó có thông tin nói rằng Ánh Hồng thường xuyên ngủ trên tầng 1 là không đúng…”, ông Hùng khẳng định.
Kiểm điểm điều tra viên do thiếu sót
Sáng 4/7, trao đổi với PV, Đại tá Phạm Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An cho biết vẫn chưa nhận được lá đơn mới nhất của luật sư Trần Hồng Phong và gia đình gửi. Khi nào nhận được sẽ có thông báo hồi đáp cho người gửi đơn.
Cũng theo Đại tá Tâm, một số điều tra viên của công an tỉnh đã có thiếu sót, nhận định trong quá trình thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ. Tuy nhiên, sai sót này không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án. Riêng những cán bộ đã tham gia điều tra, xử lý vụ án có những sai sót, tới đây cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An sẽ tổ chức kiểm điểm, xử lý theo quy định của ngành.
Theo Hải Đường/Báo giao thông