Vụ Tịnh Thất Bồng Lai... án cao nhất tội loạn luân bao năm tù?

Google News

Điều 184 Bộ luật Hình sự “tội loạn luân” quy định 1 khung hình phạt chính có mức phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai”. Đối với nguồn tin tố giác về tội phạm “Loạn luân”, Cơ quan điều tra đang chờ văn bản trả lời của cơ quan chuyên môn để làm căn cứ xem xét, giải quyết.
Đây là diễn biến mới sau khi cơ quan điều tra có kết quả giám định ADN với 28 người sinh sống tại “Tịnh thất Bồng Lai”. Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra đã quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại nơi đây. Ông Lê Tùng Vân và những người sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc bị tố cáo giả sư, giả trẻ mồ côi lừa đảo những nhà hảo tâm, thu lợi bất chính.
Vu Tinh That Bong Lai... an cao nhat toi loan luan bao nam tu?
Các bị cáo trong vụ "Tịnh thất Bồng Lai". 
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu kết quả giám định ADN những người sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai có quan hệ huyết thống thì việc khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ.
Những gì diễn ra tại cơ sở thờ tự tự phát “Tịnh thất Bồng Lai” khiến dư luận bức xúc. Bởi nơi đây lùm xùm từ việc nuôi trẻ em (được giới thiệu là trẻ mồ côi) để kêu gọi vận động, nhận tiền từ thiện của các nhà hảo tâm, đến việc thực hiện nhiều hoạt động tôn giáo không đúng giáo lý, giáo luật gây mất ANTT. Một số người sinh sống tại đây còn có phát ngôn thiếu chuẩn mực, sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân.
Đáng chú ý, một số đối tượng tại Tịnh thất Bồng Lai đã bị xử lý hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo Điều 331 và hiện vụ án vẫn đang được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Cùng với đó, một số đối tượng ở đây còn bị tố cáo có dấu hiệu hành vi "loạn luân" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, do chưa đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ vững chắc nên cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án hình sự.
Mới đây, đã có kết quả giám định ADN của những người sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai. Dù kết quả này chưa được công bố công khai do bảo đảm quyền riêng tư, quyền lợi trẻ em sinh sống tại đây. Tuy nhiên, nếu kết quả cho thấy có mối quan hệ huyết thống, những đứa trẻ không phải trẻ mồ côi sẽ cho thấy có sự lừa dối những nhà hảo tâm nên việc khởi tố vụ án điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ.
Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng trong vụ án này có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, loạn luân là hành vi giao cấu giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa anh chị em cùng cha mẹ, giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Mục 6 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA- TANDTC-VKSNDTC quy định: "Loạn luân là việc giao cấu giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại; giữa anh chị em cùng cha mẹ; giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha”.
Theo quy định của pháp luật hình sự, hành vi loạn luân có thể là tình tiết để định tội hoặc cũng có thể là tình tiết để định khung hình phạt. Trong trường hợp ngoài hành vi loạn luân, các đối tượng còn có hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi hoặc quan hệ tình dục không tự nguyện sẽ xử lý hình sự về tội giao cấu với người dưới 16 tuổi, tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm... Tùy theo hành vi cụ thể và tình tiết loạn luân chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trường hợp hành vi quan hệ tình dục không thuộc các trường hợp xử lý về tội giao cấu với người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm, hiếp dâm... sẽ xử lý về tội loạn luân theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Hình sự.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân cần phái xác định rõ hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Bởi vậy, trường hợp kết quả giám định ADN cho thấy đã có hành vi quan hệ tình dục giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ (quan hệ huyết thống trực hệ ba đời) dẫn đến sinh con, cơ quan điều tra sẽ xem xét khởi tố về tội loạn luân là có căn cứ. 
Điều 184 BLHS quy định 1 khung hình phạt chính có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đây cũng là mức hình phạt cao nhất được quy định trong chương các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình.
Đối với vụ án này, kết quả giám định ADN là chứng cứ khoa học rất quan trọng để chứng minh mối quan hệ huyết thống của những người có liên quan. Kết quả giám định ADN làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội loạn luân.
Liên quan đến “Tịnh thất Bồng Lai”, ngày 2/11, TAND tỉnh Long An sẽ mở lại phiên phúc thẩm sau khi bị hoãn hồi giữa tháng 10/2022. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Lê Tùng Vân người đứng đầu “Tịnh thất Bồng Lai” cùng 5 bị cáo khác bị TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tuyên phạt từ 3-5 năm tù về tội “"Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân"”. Sau phiên sơ thẩm cả 6 bị cáo có đơn kháng án.
Theo luật sư Cường, trường hợp cơ quan an ninh điều tra khởi tố một trong số đối tượng sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai 3 tội danh. Cụ thể, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ thì có quy định hình phạt cao nhất tới 7 năm tù, tội loạn luân có hình phạt cao nhất tới 5 năm tù, với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hình phạt cao nhất được pháp luật quy định tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sự thật về "Tịnh Thất Bồng Lai"

Nguồn: VTV1

Tâm Đức